Tăng thuế BVMT với túi nylon có thay đổi hành vi tiêu dùng?

Thứ Bảy, 01/07/2017, 10:00 [GMT+7]

Mỗi ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng tấn túi nylon, trong đó túi nylon không phân hủy chiếm đến 80%.
 
Để bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon từ 30.000-50.000 đồng/kg lên 40.000 đến 200.000 đồng/kg. Vậy đề xuất này liệu có góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện với môi trường phát triển?
 

1
Người Việt sử dụng nhiều túi nylon không phân hủy khi đi chợ. (Ảnh minh họa: internet)


Hiện nay, đến bất kỳ chợ nào ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng dễ dàng mua túi nylon không phân hủy. Mỗi chợ có ít nhất cũng vài ba sạp bán túi nylon, giá túi từ 40.000-50.000 đồng/kg. Còn nếu hỏi mua túi phân hủy thì hầu như không có nơi nào bán. Tìm đến một sạp bán túi nylon tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh do anh Nguyễn Văn Tâm làm chủ hỏi mua túi nylon phân hủy, anh cho biết: “Ở đây không có bán túi phân hủy. Vì không bán được, không ai mua. Do túi phân hủy yếu không đựng được nhiều”.

Theo nhiều doanh nghiệp việc tính thuế cao đối với túi nylon không phân hủy trên lý thuyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường phát triển, nhưng thực tế thì rất khó. Cách đây hơn 5 năm, Bộ Tài chính đã áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon không phân hủy từ 30.000-50.000 đồng/kg, nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng túi nylon. Nhưng hiện nay, ngành thuế rất khó thu được thuế này. Vì hầu hết các cơ sở sản xuất túi nylon không phân hủy đều là những cơ sở nhỏ lẻ, chủ yếu đóng thuế khoán.

Việc mua, bán các túi nylon thường không sử dụng hóa đơn nên cũng rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, túi nylon không hủy bán giá ở chợ chỉ 40.000-50.000 đồng/kg, nếu đóng thuế bảo vệ môi trường giá bán sẽ lên 80.000-90.000 ngàn đồng/kg. Cả nước hiện có 30 doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp này chủ yếu chỉ xuất khẩu và một số ít cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chứ không bán đại trà bởi rất khó cạnh tranh, dù giá túi thân thiện với môi trường chỉ cao túi nylon không phân hủy từ 5-10%.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Thái Sơn, một doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu túi phân hủy sang thị trường châu Âu cho rằng: “Việc tăng thuế này có hiệu quả, chúng ta phải kiểm soát được tất cả các các cơ sở sản sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường sẽ được miễn thuế. Còn đơn vị nào không sản xuất túi thân thiện với môi trường sẽ tính thuế môi trường. Cái chính là ngành chức năng phải kiểm soát được các đơn vị không sản xuất túi thân thiện với môi trường, có kiểm soát và thu thuế được hay không?!”.

Để nhiều người sử dụng túi phân hủy, các cơ quan chức năng cần có chính sách đồng bộ để kiểm soát tốt thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon không phân hủy, đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Không chỉ tuyên truyền cho người tiêu dùng mà ngay cả người bán hàng, nhất là các tiểu thương ở chợ, thường sử dụng túi nylon để đựng hàng cho khách. Việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trên cho đến đến tận khu dân cư.
 

1
Hàng tấn túi nylon đổ ra bãi rác mỗi ngày. (Ảnh minh họa: internet)


Ông Nguyễn Văn Út, bán bún ở chợ Bàn Cờ, Quận 3 nói: “Hiện nay, túi không hủy chưa đại trà cho người dân. Nếu phổ biến đại trà và công bố giá bán bao nhiêu, nếu giá cao hơn một chút, người dân vẫn mua, vì túi phân hủy nó tốt cho môi trường, cho xã hội và tốt cho bản thân”.

Theo một số chuyên gia môi trường, để hạn chế việc sử dụng túi nylon không hủy cần phải có nhiều loại túi thân thiện với môi trường vừa đa dạng về mẫu mã và chất liệu để người dân lựa chọn.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia về môi trường cho biết: “Khuyến khích người dân sử dụng các túi truyền thống thân thiện với môi trường, như sử dụng lá dọc mùng, lá chuối gói tôm, thịt, túi đệm đựng đồ dùng v.v… những thứ này phân hủy tốt trong môi trường, còn túi nylon cả trăm năm mới phân hủy, túi nylon là cái chết trắng”.

Việc tính thuế cao đối với túi nylon không phân hủy được nhiều nước trên thế giới làm từ lâu. Điều quan trọng là ngành chức năng ở Việt Nam làm sao kiểm soát được thuế này để hạn chế việc sản xuất và sử dụng túi nylon. Vì sử dụng túi phân hủy, thân thiện với môi trường không chỉ bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hôm nay mà còn vì tương lai cho thế hệ con cháu mai sau./.

 

Theo VOV

.