Nên hay không nên cấm xe máy theo lộ trình tại Hà Nội?
UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến người dân, các chuyên gia về chủ trương cấm dần xe máy vào nội đô theo lộ trình đến năm 2030.
Chủ trương này cũng đã được cụ thể hóa bằng một dự thảo chương trình kế hoạch sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp đầu tháng 7 sắp tới. Theo đó, thành phố sẽ phân vùng, hạn chế xe máy theo từng giai đoạn và cấm hẳn xe máy tại khu vực nội đô vào năm 2030. Chủ trương này đang có nhiều ý kiến trái chiều của các nhà khoa học và người dân thủ đô.
Việc cấm xe máy theo lộ trình của thành phố Hà Nội cần được tính toán kỹ lưỡng. |
Anh Đỗ Quang Trung ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đi làm từ nhà đến cơ quan với quãng đường hơn 4km, thường mất khoảng tầm 20 phút. Hàng ngày, trước và sau giờ làm việc, anh Trung cũng phải đưa đón con đi học cách nhà 2km. Anh cho rằng, nếu phải đi bằng xe buýt thay cho xe máy thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Anh Đỗ Quang Trung nói: “Nhà tôi đến cơ quan chỉ có vài km, nhà ở trong ngõ nên xe buýt không vào được. Do đó đi bộ ra ngoài để đi xe buýt thì quá tội”.
Còn với gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, ngày nào cũng phải đưa rau vào nội thành Hà Nội để bán. Theo ông, nếu thành phố cấm xe máy, ông và vợ con không biết vận chuyển rau bằng phương tiện gì?
“Chúng tôi già mà không có lương hưu, nên phải đi làm để kiếm mớ rau, cân gạo. Chúng tôi về quê cũng phải đi bằng xe máy chứ không thể đi ô tô được. Nếu thành phố cấm xe máy thì mong rằng sẽ tính đến việc giúp người nông dân”, ông Nguyễn Văn Thành bộc bạch.
90% người dân Hà Nội đang sử dụng phương tiện cá nhân. |
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 5 triệu xe máy thường xuyên lưu thông trên đường, chưa tính ô tô. Mỗi năm, số xe máy ở đô thị này lại tăng gần 7%. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố mới đạt mức bình quân 3,9%/năm. Với tốc độ xe máy tăng như hiện nay thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có hơn 6,2 triệu xe máy và đến 2025, số xe máy tại Thủ đô lên đến 7,3 triệu chiếc. Đến lúc đó, Hà Nội có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với phương tiện cá nhân này.
Tuy nhiên, theo ông Hà Ngọc Trường, chuyên gia cao cấp Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội xây dựng lộ trình để giảm xe máy và tiến tới cấm hẳn phương tiện này vào nội đô là rất cần thiết, bởi khi chuyển đổi được sang các phương tiện giao thông khác như xe buýt, tàu điện ngầm hay xe điện, giao thông ở Thủ đô mới thông thoáng, hiện đại và không bị ùn tắc. Việc chuyển đổi này đã được nhiều nước thực hiện thành công như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Tuy nhiên, chủ trương này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, vì họ phải đi lại, làm ăn bằng phương tiện xe máy. Bởi vậy, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc quy hoạch lại hệ thống giao thông.
“Kèm theo lộ trình hợp lý, ví dụ như đến năm 2030 chúng ta sẽ loại bỏ được xe gắn máy thì trong 13 năm ấy chúng ta làm gì? Để thực hiện được việc này, chúng ta cần có chính sách về phát triển giao thông công cộng và hỗ trợ cho nó. Thứ hai là phải giảm được nguồn cung xe máy. Thứ ba là phải tăng cường được các phương tiện vận tải khối lượng lớn”, ông Hà Ngọc Trường cho biết thêm.
Tiến sỹ Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải thì cho rằng, việc quản lý phương tiện cá nhân bằng xe cơ giới của Hà Nội là việc không thể không làm. Nếu cứ để xe máy, ô tô tăng tự nhiên như hiện nay, chỉ 7-8 năm nữa, Hà Nội sẽ không còn đường để đi. Vấn đề đặt ra là từ nay đến 2030, thành phố sẽ làm gì để nâng thị phần vận tải công cộng lên, từ đó giảm phương tiện cá nhân xuống. Nếu phát triển giao thông theo đúng quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến vận tải khối lượng lớn, bao gồm cả đường sắt đô thị và xe buýt nhanh (BRT).
Theo Tiến sỹ Đinh Thị Thanh Bình, chính quyền thành phố Hà Nội nên sử dụng các biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân, nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Thậm chí, có thể dùng phương tiện cá nhân để hỗ trợ cho vận tải công cộng. Để việc ùn tắc giao thông của thành phố không nghiêm trọng hơn, cần giải quyết những “nút cổ chai” trên hệ thống. Nếu lãnh đạo thành phố hiện thực hóa được chủ trương nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực nội thành, cũng như bảo đảm kết nối các tỉnh, thành phố khác, thì việc hạn chế phương tiện cá nhân mới khả thi.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc UBND thành phố Hà Nội thực hiện điều tra, khảo sát, phỏng vấn xã hội học trước khi cấm dần xe máy vào nội đô theo lộ trình đến năm 2030 thể hiện sự cầu thị của chính quyền thành phố. Sự ủng hộ của đa số, khi có từ 84 đến trên 90% người dân đồng ý việc cấm xe máy vào năm 2030 là thuận lợi lớn để thành phố thực hiện chủ trương này./.
Theo VOV