Điện Biên chăm lo cho người có công
Điện Biên TV - Truyền thống “Uống nhớ nguồn”, đã trở thành lẽ sống, nét đẹp của người dân Việt Nam. Đạo lý tỏ lòng biết ơn, hậu đãi người có công với cách mạng, với đất nước đã được cộng đồng xã hội hưởng ứng, nhân rộng dưới nhiều hình thức thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ngày 27/7 hàng năm là “Ngày thương binh toàn quốc” và kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ về vật chất cũng như về tinh thần một cách chân thành và thiết thực nhất. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, hoạt động xã hội hóa chăm lo người có công được các ngành, các cấp ở tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm.
Tỉnh Điện Biên luôn chăm lo, quan tâm đến người có công trên địa bàn |
Hưởng ứng các chương trình đền ơn đáp nghĩa, tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt 5 chương trình lớn huy động nguồn lực xã hội hóa, gồm: Nhà tình nghĩa, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc người thân liệt sỹ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Hiện Nay tỉnh Điện Biên có hơn 16 ngàn người có công trên địa bàn, từ đầu năm đến nay đã thực hiện điều dưỡng tại gia đình cho 298 người với kinh phí hơn 300 triệu đồng, đã cấp phát gần 2400 thẻ Bảo hiểm Y tế cho người có công với cách mạng. Bên cạnh đó công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn luôn được quan tâm, đã triển khai xây mới 5 nhà bia ghi tên liệt sỹ các xã biên giới ở huyện Điện Biên và huyện Mường Chà, sửa chữa nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ A1, Nghĩa trang Độc Lập...
Cả nước hiện có gần 10 ngàn công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống trong đó có Nghĩa trang Điện Biên Phủ, ... Đáng chú ý công tác tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ đạt kết quả ngày càng nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay Điện Biên đã tổ chức đón nhận và truy điệu an táng 46 hài cốt liệt sỹ do Đội quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 bàn giao và quy tập tại nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao.
Bên cạnh đó, những năm qua, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa" ở tỉnh Điện Biên thực sự đã trở thành hoạt động thường xuyên, sôi nổi; thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Điện Biên đã quyên góp ủng hộ Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" hơn 8 tỷ đồng.
Các cấp ngành trong tỉnh đã tổ chức xây mới và sửa chữa hơn 250 ngôi nhà tình nghĩa; tặng hơn 750 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách. Tổ chức thăm hỏi tặng hơn 30 nghìn suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trong các dịp lễ, tết.
Đón nhận và truy điệu an táng hài cốt liệt sỹ luôn được tổ chức trang trọng |
Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định về công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng; tuy nhiên vẫn còn những trường hợp chưa hoàn thiện được thủ tục hồ sơ để hưởng chính sách một cách kịp thời. Điều kiện kinh tế của một số gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công còn khó khăn, chưa có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhiều thương, bệnh binh đang chịu sự hành hạ của vết thương tái phát, bệnh tật và những di chứng chiến tranh để lại. Vẫn còn một số nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chưa được khang trang và đặc biệt là nhiều phần mộ của liệt sỹ chưa biết tên; vẫn còn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt. Đây là những trăn trở, day dứt của không chỉ lãnh đạo Đảng các cấp, ngành LĐ - TB&XH mà của cả cộng đồng...
Chính sách đối với người có công không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, việc chăm lo chu đáo người có công còn là tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Hương Trà