Vì sao Thứ trưởng Bộ VHTT&DL lại dễ dàng ký 1 văn bản như vậy?
Thứ trưởng phải là người hiểu rõ nhất trình độ của thuộc cấp để biết nên cẩn trọng với những tham mưu của họ trong từng vấn đề.
Hai ngày cuối tuần vừa qua, trong cái nóng nực cao độ của thời tiết, nhiều người lại càng trở nên bức bối hơn khi đọc được văn bản của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh (Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) tại một buổi tọa đàm về quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng) được cho là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề.
"Trước tình hình này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng xem xét sự việc trên đồng thời có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch trước ngày 15/6 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền", văn bản của Bộ nêu rõ.
Ngay sau đó, cũng chính Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã ký công văn thu hồi văn bản do chính mình ký chưa đầy 48 giờ trước đó. Đây có thể là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử ban hành văn bản của các bộ, ngành ở nước ta. Nhiều người còn băn khoăn, Bộ VHTT&DL tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến đa chiều về qui hoạch Sơn Trà.
Ông Vinh là người đã có ý kiến trái với quan điểm của Bộ VHTT&DL và kết quả là ông Vinh bị yêu cầu xử lý. Vậy từ nay trở đi, ai dám đến dự và phát biểu tại các hội thảo do Bộ này tổ chức nữa? Vì nói ra là dính phiền hà.
"Văn bản thu hồi văn bản" |
Sau sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao Thứ trưởng Bộ VHTT&DL lại dễ dàng đặt bút ký vào một văn bản hành chính “nực cười” như thế? Bởi, là quản lý, ông phải là người hiểu rõ nhất trình độ của thuộc cấp để biết nên cẩn trọng với những tham mưu, tư vấn của họ trong từng vấn đề. Nhiều ý kiến của đội ngũ giúp việc chỉ là để tham khảo chứ không phải thay người đứng đầu quyết định tất cả. Nhất là trong bối cảnh tuyển dụng cán bộ, công chức có nhiều vấn đề, “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” như hiện nay thì việc thận trọng với những tư vấn, tham mưu của cấp dưới là không thừa.
Khi một lãnh đạo cơ quan làm bất cứ việc gì liên quan đến sinh mạng chính trị, danh dự, quyền lợi của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đều phải rất thận trọng chứ không thể hồ đồ ký hôm trước hôm sau có văn bản thu hồi. Công tác quản lý Nhà nước phải dựa trên tinh thần pháp luật là thượng tôn, không thể đưa các mục đích cá nhân vào trong đó. Trong câu chuyện này, chưa nói gì đến lợi ích nhóm hay mâu thuẫn cá nhân, nhưng bất kỳ một văn bản nào được ban hành, sử dụng con dấu của cơ quan Nhà nước là thể hiện quan điểm của cơ quan đó.
Chúng ta đã và đang nói nhiều đến chuyện tinh giản biên chế gặp nhiều khó khăn vì không biết tinh giản ai. Vướng mắc lớn nhất vẫn là sự va chạm lợi ích của con anh A, cháu chị B, còn trình độ thì được xếp sau cùng. Vậy thì với những cán bộ tham mưu, trình Thứ trưởng ký những văn bản như vừa rồi xứng đáng được đứng đầu danh sách tinh giản lắm chứ (!).
Rõ ràng, tội của mấy anh tham mưu là lớn nhưng người ký ban hành văn bản đó cũng không phải không có trách nhiệm. Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ rất coi trọng tinh thần kiến tạo và xây dựng. Chính vì thế, Thủ tướng đã rất nghiêm khắc trong việc xử lý những vấn đề xảy ra tại Cục Nghệ thuật biểu diễn thời gian qua, trong đó có việc yêu cầu cách chức Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương.
Xã hội càng phát triển càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn đòi hỏi sự điều hành, quản lý tài tình của các cơ quan chuyên môn. Nếu trình độ của cán bộ, công chức không theo kịp thì sẽ kéo lùi sự phát triển, tổn hại lợi ích quốc gia và gây bức xúc trong dư luận. Xin đừng để những chuyện lạ trong quản lý tiếp tục xảy ra trong thời gian tới!./.
Theo VOV