Thực trạng canh tác trên đất bán ngập

Thứ Hai, 12/06/2017, 18:07 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, thị xã Mường Lay đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bán ngập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân để phù hợp với điều kiện tích nước của lòng hồ thủy điện Sơn La vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Đối với người nông dân, mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp phải gắn liền với đất đai. Chính vì vậy, ngay sau khi cơ bản hoàn thành công tác di dân và tái thiết đô thị, thị xã Mường Lay đã khẩn trương san ủi và chia đất bán ngập cho người dân trên địa bàn để canh tác. Với lượng phù sa khá lớn trong quá trình tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La là điều kiện tốt để người dân vùng tái định cư xen canh các loại cây trồng như ngô, đậu tương và một phần diện tích để trồng lúa qua một vài năm.

c
Trong 3 năm trở lại đây, việc tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn TX. Mường Lay luôn có những biến động và sớm hơn từ khoảng 10 đến 20 ngày so với trước đây.

 

Theo phản ánh của một số người dân được chia đất sản xuất bán ngập cho biết: Năm nay, hầu hết người dân đều cấy lúa và được hỗ trợ giống từ thị xã để người dân kịp thời sản xuất với các loại giống: IR 64, bắc thơm, nếp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, lúa trong vụ cực sớm này đều sinh trưởng và phát triển khá ổn định. Người dân tích cực thăm đồng, làm cỏ và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa để đảm bảo năng suất như kế hoạch dự tính.

Vụ mùa năm nay, toàn thị xã có 54,6ha đất bán ngập được người dân đưa vào sản xuất, trong đó diện tích đất bán ngập cũ là hơn 41ha và chủ yếu là cấy lúa. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì trong 3 năm trở lại đây, việc tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn TX. Mường Lay luôn có những biến động và sớm hơn từ khoảng 10 đến 20 ngày so với trước đây. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác lúa mùa trên vùng đất bán ngập và chuyện thu hoạch sớm khi lúa vẫn còn xanh là chuyện đã từng xảy ra. Mặt khác, do không có kênh mương thủy lợi nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Vì vậy, dù có lượng phù sa khá lớn nhưng vẫn ảnh hưởng phần nào cho sự phát triển của cây lúa.

Để giúp người dân canh tác bền vững trên đất bán ngập, TX. Mường Lay đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích người dân đa dạng các loại cây trồng ngắn ngày, phù hợp với thời điểm tích nước của lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ông Trần Văn Ngạn, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Mường Lay cho biết: "Từ năm 2017, việc tích nước lòng hồ thủy điện có sự thay đổi, do vậy cũng khuyến cáo bà con chủ yếu trồng màu. Phòng đang tiếp tục trồng thí điểm và thử nghiệm một số diện tích trên đất bán ngập, khi mà có hiệu quả chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất đại trà. Khó khăn tiếp theo là công trình thủy lợi để phục vụ nước tưới tiêu thì phòng cũng đang từng bước hoàn thiện nhằm đảm bảo nước tưới cho bà con trên vùng bán ngập."

Mặc dù còn có những khó khăn và thách thức, song với những giải pháp cùng định hướng đã được TX. Mường Lay xác định theo từng năm và trong cả nhiệm kỳ. Cùng với sự năng động, tích cực lao động sản xuất của người dân, thị xã Mường Lay sẽ sớm giải quyết được vấn đề thiếu đất phục vụ sản xuất, canh tác hiệu quả và năng suất trên đất bán ngập cũng như các vấn đề liên quan đến thu nhập, việc làm để ổn định cuộc sống người dân tái định cư theo hướng bền vững./.

 

Anh Thu – Đức Trung
 

.