Tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em
Luật Trẻ em mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6, trong đó có những thay đổi quan trọng, tạo thêm những cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em cấp quốc gia chính thức bắt đầu từ hôm nay (1/6), cũng là ngày Quốc tế Thiếu nhi. Đây là thời điểm truyền đi thông điệp Thực hiện Luật trẻ em để bảo vệ con em của mình.
Luật Trẻ em mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6. Trong đó, có những thay đổi quan trọng, tạo thêm những cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em, trước những nguy cơ về xâm hại và bạo lực.
Hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm, trung bình 8 giờ có thêm một trẻ bị xâm hại, 60% số đó độ tuổi từ 12-15 tuổi. Những con số mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vấn đề báo động cho toàn xã hội.
Nhiều vụ bạo lực, xâm hại không kịp thời được phát hiện, nhiều vụ việc chậm được xử lý. Có tình trạng chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong một số vụ việc.
Theo khảo sát gần đây, một trẻ em Việt Nam hiện có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ, nhưng khi các em bị lạm dụng, cưỡng hiếp không biết gọi ai.
Từ thực tế đó, Luật Trẻ em mới có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em. Các biện pháp bảo vệ được quy định, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.
Làm tất cả mọi việc để bảo vệ các em, là cam kết lúc này của các Bộ, ngành. Địa phương nào để xảy ra những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Theo VTV