Những cú lừa tán tận lương tâm và nước mắt nông dân
Sau cây mắc ca, bí đao, sa chi, nông dân Gia Lai lại ngậm trái đắng với cây chanh dây khi hợp tác sản xuất với doanh nghiệp.
Lần này, sự thiếu hiểu biết, những lổ hổng trong ký kết hợp đồng và đặt niềm tin nhầm chỗ đã khiến nông dân tỉnh Gia Lai mất cả vốn lẫn lãi khi trồng phải giống chanh dây kém chất lượng.
Cuối năm 2016, anh Đinh Văn Cường, ở làng Mung, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh ký kết hợp đồng trồng cây chanh dây với Công ty TNHH Tuấn Đại An có trụ sở tại số 38 Lý Nam Đế, thành phố Pleiku. Trước những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn của doanh nghiệp về cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, anh Cường đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng 3ha chanh dây.
Chanh dây không trái. |
Đến nay, sau 7-8 tháng, 1.600 cây chanh dây sinh trưởng khá tốt nhưng điều cần nhất là quả lại không thấy đâu, một số cây có lác vài quả nhưng kích cỡ chỉ bằng 1/5 so với bình thường.
Anh Đinh Văn Cường, bức xúc: “Qua hội thảo của Công ty Tuấn Đại An quảng cáo giống chanh và hứa hẹn rất nhiều, chanh đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu, trái to, vỏ dày, bóng đẹp, bao tiêu sản phẩm. Tôi nghe rất có lý và bàn với gia đình, cầm bìa đỏ nhà đất, vay ngân hàng 1 tỷ đồng để về cùng với Công ty Tuấn Đại An làm chanh. Trồng đến giờ là 7-8 tháng rồi nhưng cây không cho trái. Đến bây giờ nói chung là toàn bộ mất trắng hết”.
Từ cuối năm 2016 đến nay, giá chanh dây liên tục ở mức rất cao, từ 30-50 nghìn đồng/kg. Đây cũng là thời điểm cây hồ tiêu chết hàng loạt khiến nhiều nông dân tại tỉnh Gia Lai đã đổ xô vào trồng cây chanh dây. Nắm bắt được tình hình, Công ty TNHH Tuấn Đại An đã chủ đồng tìm đến các vùng nông thôn, mở hội thảo, giới thiệu sản phẩm rồi bán giống, vật tư, phân bón. Những hội thảo này diễn ra tự phát, không thông qua chính quyền, ngành chức năng.
Anh Phạm Văn Dũng, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, cho biết, không chỉ lừa đảo, bán giống kém chất lượng, Công ty này còn bán cho nông dân những sản phẩm vật tư, phân bón không rõ nguồn gốc, một số sản phẩm bị xé nhãn mác rồi bán với giá cao gấp nhiều lần thực tế, có sản phẩm giá bị đẩy lên 20 lần!
Với gia đình anh Dũng, hơn 400 triệu đồng đầu tư để hợp tác trồng chanh dây với Công ty TNHH Tuấn Đại An nay đã mất trắng. Hiện giờ, anh Dũng cũng không thể liên lạc được với doanh nghiệp, tìm đến địa chỉ ghi trong hợp đồng thì doanh nghiệp đã mất tích.
Theo anh, đây là cú lừa tán tận lương tâm của doanh nghiệp với nông dân và cần phải trừng trị nghiêm: “Bây giờ có những dấu hiệu Công ty Tuấn Đại An cung cấp giống không đạt tiêu chuẩn cho bà con nông dân. Bà con nông dân không có hiểu biết về các cây giống. Cho nên, tôi mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền trừng trị những người lừa dối, bán giống trôi nổi, làm thiệt hạt kinh tế của bà con. Tôi mong muốn, các cơ quan chức năng vào cuộc giúp đỡ bà con nông dân chúng tôi”.
Theo chính quyền và ngành chức năng địa phương, sự thiếu hiểu biết, những lổ hổng trong ký kết hợp đồng đã khiến nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Trong khi doanh nghiệp giành cho mình những điều khoản có lợi thì nông dân lại nhận về những điều khoản bất lợi.
Các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm không có sự tham gia của chính quyền, ngành chức năng nhưng nông dân vẫn dễ dàng đặt niềm tin vào doanh nghiệp. Những sản phẩm vật tư, phân bón không có tem, nhãn mác và giá thì “trên trời” nhưng nông dân vẫn tin dùng. Khi xảy ra sự cố, chính quyền cơ sở rất khó có thể giúp nông dân. Đây là bài học mà nông dân cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Chủ tịch UBND Xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nói: “Nếu có các đơn vị, các công ty tới ký kết làm ăn với nhân dân thì nên làm việc với chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương sẽ tư vấn về vấn đề hợp đồng để nhân dân tránh được thiệt hại sau này. Đồng thời, cũng kiểm chứng được các đơn vị cung cấp giống, phân bón cho nhân dân.”
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể diện tích mà nông dân ký kết hợp đồng trồng chanh dây với Công ty TNHH Tuấn Đại An, nhưng danh sách các hộ dân bị thiệt hại đang tiếp tục nối dài từ các huyện phía Tây Nam như Chư Sê, Chư Pưh sang tới tận các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai như Mang Yang, Kbang. Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cũng đã vào cuộc để kiểm tra, xác minh và thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, trung bình, với mỗi héc ta chanh dây, người nông dân cần đầu tư trên 200 triệu đồng thì có thể thấy hậu quả mà công ty này gây ra là rất lớn.
Trước thực trạng nông dân liên tiếp bị thiệt hại, những cú lừa tán tận lương tâm vẫn diễn ra trong việc ký kết hợp tác đầu tư giữa nông dân với doanh nghiệp, trong khi chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì trước hết, nông dân cần hết sức cảnh giác, thận trọng, tránh những hậu quả không đáng có./.
Theo VOV