Mãi xứng đáng với truyền thống cách mạng, vẻ vang của báo chí Việt Nam
Điện Biên TV - Cách đây 92 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Theo Quyết định số 52-QĐ/TW, ngày 05/02/1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành; đôi khi là cả máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay, sự kiện nóng hổi, chân thật. Đến ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội.
Đồng chí Trần Văn Sơn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên (thứ 3 từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm gian trưng bày báo Xuân Đinh Dậu 2017 của tỉnh |
Nhìn lại những chặng đường cách mạng, chúng ta tự hào rằng, Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung và đội ngũ những người làm báo tỉnh Điện Biên nói riêng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với một trong những nền báo chí cách mạng trên thế giới. Hoạt động báo chí đã đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước, nhân dân vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, cùng góp phần tạo nên những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và của tỉnh.
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí của tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phổ biến nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ các phong trào quần chúng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Báo Điện Biên Phủ (bao gồm cả 4 ấn phẩm: thời sự, vùng cao, cuối tuần, điện tử), Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (bao gồm cả phát thanh, truyền hình, trang điện tử), Tạp chí Văn nghệ Điện Biên là ba cơ quan báo chí của tỉnh đến nay đã xây dựng được đội ngũ làm báo ngày càng chuyên nghiệp và có mạng lưới cộng tác viên đủ sức đảm bảo hoạt động báo chí ở địa phương. Ngoài các cơ quan báo chí địa phương, trên địa bàn tỉnh còn có Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thường trú báo Nhân Dân, Tổ phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam VOV (khu vực Tây Bắc) thường trú tại Điện Biên, Tổ phóng viên thường trú Báo Tài nguyên – Môi trường; 13 cơ quan trong tỉnh có ấn phẩm báo chí, hàng chục trang thông tin điện tử của các ban, sở, ngành khác của tỉnh… đã góp phần thông tin, phản ánh và đưa tiếng nói của địa phương lên các diễn đàn báo chí trong và ngoài nước; làm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các tầng lớp nhân dân.
Chúng ta đều biết, báo chí ngày nay không chỉ là công cụ truyền thông của các cơ quan lãnh đạo, mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống xã hội, là bạn đồng hành cùng các doanh nhân, các nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân. Báo chí hiện là cầu nối cực kỳ quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Những người làm báo tự hào về điều đó, về vị thế nghề nghiệp ngày càng được nâng cao, ngày càng được xã hội trọng thị. Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước và xã hội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay. Chính từ niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân với báo chí; xuất phát từ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức cao cả của người làm báo cách mạng, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo của tỉnh và Trung ương đứng chân trên địa bàn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền kịp thời, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước của của tỉnh.
Năm 2017, Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên lần thứ hai liên tiếp là 1/12 đơn vị được trao Cờ thi đua xuất sắc toàn quốc |
Trước sự phát triển và biến đổi không ngừng trên mọi mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi báo chí phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình. Bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, những người làm báo cần nghiên cứu khắc phục, ngăn ngừa những nhược điểm, sai sót trong quá trình tác nghiệp. Tin, bài đưa lên báo, đài, nhất thiết phải là những thông tin chính xác, thật sự cần thiết và có ý nghĩa, tác dụng tuyên truyền, giáo dục, đem lại nhận thức mới, có giá trị cho người tiếp nhận thông tin. Ngoài nội dung phê phán, góp ý, cần chú trọng hơn nữa việc phổ biến kịp thời những cái mới, nhân tố điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên từng lĩnh vực đời sống xã hội để động viên cổ vũ nhân dân. Vấn đề quan trọng là báo chí phải luôn luôn tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về báo chí; bám sát định hướng tư tưởng và nhiệm vụ chính trị của tỉnh để thông tin tuyên truyền một cách kịp thời, đầy đủ đến nhân dân, góp phần tích cực tạo sự đồng thuận xã hội nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, báo chí đã kết hợp tốt giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Do tính chất hoạt động của truyền thông đại chúng và là báo chí cách mạng, chúng ta không chấp nhận sự hời hợt, vội vã, thiếu thận trọng khi đưa tin. Không chấp nhận những chiêu trò giật gân câu khách. Đề cao trách nhiệm chính trị xã hội của báo chí và nhà báo trong hoạt động thông tin. Mặt khác, cần phải không ngừng cải tiến cả nội dung và hình thức nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút người đọc, người xem để báo chí thật sự là sản phẩm thông tin, văn hóa không thể thiếu đối với mỗi người. Nhiệm vụ của các cơ quan báo chí và thông tin trong thời gian trước mắt là tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII); tuyên truyền về kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV; tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của Tỉnh ủy và các chủ trương, kế hoạch của tỉnh... góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Kịp thời phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phản ánh cái mới xuất hiện trong phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở từng địa phương, đơn vị. Tiếp tục tuyên truyền quảng bá sâu rộng việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích chiến trường Điện Biên Phủ.
Phát huy truyền thống 92 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam và thành tích mà báo giới Điện Biên đã đạt được trong những năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người làm báo, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, là diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên./.
Nguyễn Vân Chương
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh