Đổi thay ở bản biên giới Púng Bon

Thứ Ba, 13/06/2017, 14:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, tại tỉnh Điện Biên đồng bào dân tộc Cống có gần 200 hộ với hơn 900 nhân khẩu, cư trú tại 4 bản của địa bàn hai huyện Điện Biên và Mường Nhé. Tại huyện Điện Biên, đồng bào dân tộc Cống sinh sống chủ yếu tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm (giáp biên giới Việt - Lào) với gần 50 hộ, trên 220 nhân khẩu.

c
Bản người dân tộc Cống ở Púng Bon soi bóng bên dòng Nậm Núa

 

Trước đây, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Púng Bon nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, cuộc sống tự cung, tự cấp, để có nguồn lương thực, thực phẩm (hoa, lá, củ, quả, tôm, cua, cá, ốc …) người Cống phải hái lượm trong rừng, trên núi, dưới suối, dưới khe.

Quá khứ về những năm tháng sống “lẩn quất” trong rừng, trên núi cao được ông Quàng Văn Nó (bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) nhớ lại: Gần 20 năm trước, cứ vào mùa này, mọi người chỉ có biết đào củ mài, củ sắn ăn thôi. Sông Nậm Núa chảy dưới chân núi qua bản cũng có nhiều cá, tôm nhưng dân bản không bắt được nhiều vì chưa biết đan lưới để đánh bắt. Hàng chục năm trước, trong bản không có ai biết chữ cả. Khi đó, dù là vào ban ngày nhưng bản làng vắng người lắm vì mọi người toàn đi ở rừng để hái củ, quả, bẫy bắt những thú nhỏ về làm thực phẩm. Có những chuyến đi thời gian dài hàng tháng mới ra lại bản. Cuộc sống lúc đó của bà con dân tộc Cống chúng tôi khổ và nghèo lắm.

Tuy nhiên, cuộc sống của bà con dân tộc Cống hôm nay đã có sự đổi thay rõ rệt khi được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã góp phần thay đổi cuộc sống của bà con trong bản.

d
Người dân tập trung phát triển kinh tế, đời sống dần từng bước được nâng lên

 

Bà Lò Thị Phanh, bản Púng Bon vui mừng cho biết: Giờ thì phần nhiều nhờ Nhà nước hỗ trợ cho, bản làng ngày một thay đổi rồi, gia đình tôi và cả bản đã thay đổi hơn rất nhiều. Người dân càng yên tâm chăn nuôi, chăm lo con lợn, con gà để phát triển kinh tế. Bây giờ bản Cống đã có điện thắp sáng, được xây dựng trường mầm non, dân trong bản đã được dùng nước sạch, có cầu mới. Tất cả đều nhờ Nhà nước làm cho cả. Trước đây không có cầu, đi lại khó khăn lắm, bà con muốn đi ra khỏi bản phải kết bè vượt suối Nậm Núa mới qua được. Gặp mùa mưa nước to thì không ai đi qua được. Nay có cầu lớn bắc qua suối, dân đi lại dễ dàng, thuận lợi lắm.

Púng Bon hôm nay đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Nhìn từ xa, bản làng Púng Bon yên bình soi bóng bên dòng Nậm Núa, hàng chục ngôi nhà quần tụ, khép mình trong tán cây xanh, cây ăn quả. Hai bên trục đường chính đi vào trung tâm bản là những ngôi nhà sàn gỗ nằm kề nhau, có tường, rào bao quanh, ngăn cách khuôn viên từng nhà; những chiếc ăng-ten chảo được dựng lên trong bản như đang vươn mình trong nắng mới; phía đầu hồi,trước hiên là những chiếc xe máy giá trị đứng kề bên những chiếc máy xay ngô... Năm 2005, điện lưới quốc gia về bản đã thật sự làm thay đổi diện mạo nơi đây giúp người dân chấm dứt cảnh thắp sáng bằng đèn dầu. Cũng từ đây, người dân được biết đến chiếc tivi, loa đài, mở mang kiến thức trong canh tác, chăn nuôi. Đến nay, người dân bản Púng Bon đã chuyển dần sang canh tác với gần 10ha lúa nước, trong đó có 3-4ha sản xuất được 2 vụ; hơn 20ha lúa nương, gần 10ha cây lấy bột (ngô, sắn), lương thực bình quân đầu người đạt từ 210kg/người/năm (năm 2011) lên hơn 400kg/người/năm (năm 2016); trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, được chăm sóc y tế...

d
Cây cầu mới giúp người dân trong bản không còn phải chịu cảnh lội suối, ngồi bè mảng đi lại qua sông.

 

Theo ông Lò Văn Tha, Trưởng bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết thêm: Bản Púng Bon có nhiều đổi thay, nhưng cái đổi thay lớn nhất là suy nghĩ của mọi người đã không còn lạc hậu nữa rồi, nhất là trong vấn đề theo đuổi cái chữ của con em trong bản. Bây giờ, bố mẹ luôn tạo điều kiện động viên cho con cháu của mình, bắt cho các cháu học, dù có khó khăn cũng không cho con cái bỏ học.  

Là 1 trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống là 1 dân tộc ít người, nằm trong danh sách dân tộc cần được bảo tồn. Từ năm 2011, “Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011- 2020” được triển khai là chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Đảng, Nhà nước đối với dân tộc Cống ở 6 bản người Cống được thụ hưởng là bản Púng Bon, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên); bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé); bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) và 2 bản dự kiến chia tách là Si Văn (xã Pa Thơm) và Lả Chà A (xã Pa Tần). Mục tiêu đề án là thực hiện xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tăng số lượng và chất lượng dân số, nâng cao năng lực; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cống. Tổng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước hỗ trợ được phê duyệt thực hiện đề án hơn 187 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên 159 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 28 tỷ đồng.

Bà Chu Thùy Liên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Đề án triển khai đã tạo nên những thành quả bước đầu đáng ghi nhận như: Việc duy trì các lễ hội văn hóa, hỗ trợ và khôi phục lại các nhạc cụ dân tộc, truyền bá văn hóa dân tộc Cống, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; văn hóa, văn nghệ được tổ chức tốt hơn so với trước đây do có sự hỗ trợ của Đề án. Việc thực hiện tổ chức được các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào, kỹ thuật canh tác mới với các giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt đã dần dần thay thế tập quán sản xuất lạc hậu phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Các công trình được lựa chọn triển khai thực hiện đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, góp phần giải quyết khó khăn về giao thông của vùng dân tộc Cống; mở rộng giao lưu giữa các vùng; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào dân tộc Cống đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

 

Khánh Chi


 

.