"Văn hóa" Hút thuốc lá nơi công sở
Điện Biên TV – Trong công sở, mặc dù đã có nội quy cấm hút thuốc lá, có bảng cấm hút thuốc lá gắn trên tường, nhưng nhiều người vẫn không chấp hành triệt để hay chỉ chấp hành chiếu lệ. Trong phòng làm việc đông người, kể cả có phụ nữ đang mang thai, họ vẫn nhả khói thản nhiên.
Xây dựng Văn hóa công sở là một yêu cầu tất yếu cho nền tảng phát triển bền vững của một cơ quan, công sở nhà nước. Văn hóa công sở sẽ hình thành nên một bản sắc riêng, một hình ảnh riêng của cơ quan mà mỗi cá nhân chúng ta cần chung tay góp sức tạo nên một môi trường làm việc văn minh, lịch sự thông qua những hành vi, ứng xử hàng ngày của mình.
![]() |
Hút thuốc lá không những ảnh hưởng cho sức khỏe của người hút mà còn gây hại cho người ngửi khói thuốc |
Bên cạnh những hình ảnh đẹp, những việc làm tốt của CBCCVC và người lao động, đâu đó vẫn còn một số cán bộ, nhân viên vẫn chưa ý thức được những thói quen cá nhân không đẹp làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc nơi công sở, điển hình là tình trạng hút thuốc lá và vứt tàn thuốc không đúng nơi quy định như tại các bồn hoa, cây cảnh, hành lang trong khu vực cơ quan.
Người ta có biết tác hại của khói thuốc đối với chính họ, với người hít khói thuốc thụ động và cả không gian môi trường không? Có biết! Nhưng tại sao họ không chấp hành, đó là do thói quen hay “Văn hóa hút thuốc lá” của người Việt
Cũng là chuyện hút thuốc lá nhưng nó lại liên quan đến ý thức xả rác và cháy nổ. Có những người quăng, vứt tàn thuốc một cách vô tư ra hành lang, cầu thang. Vứt nơi nào tiện tay họ, mặc dù gần đây đã để sẵn thùng rác. Kiểu hành vi ứng xử này nơi nào cũng có, lúc nào cũng có và cần phải sớm khắc phục.
Ai cũng biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, khoa học đã chứng minh, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có khoảng 70 chất là tác nhân gây bệnh ung thư. Hút thuốc lá nhiều có thể bị hỏng hệ hô hấp, dẫn đến ho, khó thở, tức ngực, gây rỗ phổi, ung thư phổi.
Việt Nam hiện nay là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, bình quân hàng năm cả nước có trên 40.000 người tử vong do bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Điều đáng nói, người hút thuốc lá dễ dẫn đến bị bệnh đã đành, nhưng những người không hút thuốc, khi hít phải khói thuốc lá cũng không kém phần nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại cơ quan vẫn còn một số đối tượng chưa ý thức được các tác hại từ khói thuốc lá gây ra cho chính bản thân và các đồng nghiệp xung quanh. Những phiền toái do khói thuốc mang lại khiến không ít người khó chịu, gây ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành, làm tổn hại sức khỏe.
Các chuyên gia Hội Y tế công cộng Việt Nam cho biết: Việc thường xuyên hít phải khói thuốc làm tăng 10% nguy cơ mắc bệnh tim và 82% nguy cơ đột quỵ. Nếu mỗi ngày phải ở trong phòng với người hút thuốc lá một giờ, nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ cao gấp 100 lần so với sống 20 năm trong một tòa nhà chứa thạch tín (asen).
Hút thuốc lá nơi làm việc còn là hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng người khác. Do đó, để xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, thực thi chuẩn mực văn hóa công sở, góp phần nâng cao chất lượng sống, mỗi cán bộ công nhân viên cần tự giác thực hiện không hút thuốc nơi làm việc và những nơi công cộng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhắc nhở đồng nghiệp sử dụng thuốc lá đúng nơi quy định để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trở lại với điều 12 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Như vậy, với những nơi bị cấm hút thuốc lá nhưng lại không được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá thì sẽ như thế nào? Vì thực tế, không phải công sở nào cũng có điều kiện để có một nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Trong khi đó, những người đã nghiện thuốc lá rồi thì dù có quy định cấm thì họ vẫn tìm cách hoặc là lén lút hoặc là công khai nhằm thỏa mãn cơn “thèm” của mình.
Thực tế cho thấy, cấm thì họ lại cố tình “lách” bằng cách ra một góc cơ quan để hút miễn là không phải “trong nhà”. Và tình trạng cấm cứ cấm, hút cứ hút vẫn xảy ra. Đây là một thực tế đến nay chưa xóa bỏ được.
Theo quy định, người vi phạm hút thuốc tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 50.000-100.000 đồng. Với hình thức xử phạt này nhiều chuyên gia đánh giá chưa hiệu quả, cần phải xử phạt cả hành vi hút thuốc tại cơ quan, nơi những công chức, viên chức và người lao động hàng ngày vẫn thản nhiên hút thuốc trong công sở gây ảnh hưởng lớn đến môi trường làm việc của mọi người.
![]() |
Khói thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh nguy hiểm cho con người |
Thuốc lá đã và đang gây ra những tổn thất to lớn về sức khoẻ kinh tế và môi trường cho các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đứng trước vấn nạn này, cộng đồng thế giới đã có những nỗ lực nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch hút thuốc lá; đã có 154 nước là .thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới ký phê chuẩn tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, trong đó có Việt Nam.
Khói thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh nguy hiểm cho con người, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch. Hút thuốc lá làm tim đập mạnh hơn, làm giảm ô xy trong máu và tổn hại các tế bào cơ tim; vì vậy nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người hút thuốc lá cao gấp 3 lần so với những người không hút thuốc lá.
Với mục tiêu “Xây dựng mô hình nơi làm việc Không khói thuốc”, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có hướng dẫn về Tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong CNVCLĐ; LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục tuyên truyền, vận động CNVCLĐ nghiêm túc thực hiện; đưa việc không hút thuốc lá nơi làm việc
Không sử dụng thuốc lá trong các hội nghị, lễ hội, đám cưới, đám tang, thực hiện nếp sống văn minh, coi đây là một chỉ tiêu trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, để mọi đoàn viên, CNVCLĐ phấn đấu thực hiện. phòng chống tác hại thuốc lá; góp phần bảo vệ sức khoẻ của đoàn viên, CNVCLĐ, tạo một môi trường sống và làm việc trong lành.
Những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2007, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% xuống 2,5%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm được 18,8%. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị cũng giảm được 6,5%,
Chung tay xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, tiếp tục tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, thực hiện nghiêm Quy chế Văn hoá công sở, vì một môi trường không khói thuốc./.
Hương Trà