Vận động hay "ép dân" làm cột đèn "thắp sáng làng quê"?
Gần 400 cây cột đèn đang được dựng lên trên tuyến đường dài gần 10km để thực hiện tuyến đường “thắp sáng quê hương”, xã Ngọc Hòa, Kiên Giang.
Khoảng cách mỗi cây cột đèn là 25m. Tại ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hoà, phong trào này đang vấp phải sự phản ứng của người dân.
Theo quy định mỗi hộ dân phải đóng cho ấp hơn 700.000 đồng để trồng một cây cột đèn bằng sắt cao 4,5m. Tiền điện hàng tháng cộng chung chia đều cho các hộ dân trên tuyến chi trả.
Như vậy, mỗi tháng mỗi hộ dân còn phải đóng thêm 20.000 đồng tiền điện. Trong bảng chi phí mỗi cây cột đèn, ngoài khoản tiền như cột đèn, bóng đèn, đuôi đèn… người dân còn phải đóng tiền công cho mỗi cột đèn là 60.000 đồng và buộc phải mua một lá cờ với giá 15.000 đồng.
Đây là cột đèn “thắp sáng làng quê” do xã Ngọc Hoà chỉ đạo làm |
Ông Phạm Văn Tại bức xúc nói: “Năm ngoái, xã, ấp cũng yêu cầu mỗi hộ dân phải mua cột cờ bằng sắt và một lá cờ với giá 120.000 đồng, bây giờ lại bắt đóng tiền làm cột đèn kết hợp với cột cờ. Như vậy, cột cờ mới sử dụng được 1 năm phải bỏ. Tôi đề nghị được tự làm cột đèn theo đúng mẫu của xã, ấp đưa ra và kéo dây điện từ nhà ra cột đèn để thắp sáng nhưng chính quyền không đồng ý”.
Bức xúc trước cách làm của ấp, ông Nguyễn Thành Hưởng đã tự đổ hai cột điện bằng bê tông và làm hoàn thành với chi phí rất thấp. Ông cho biết: khi gia đình ông tự làm đã vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của cán bộ địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng ấp Chín Ghì cho rằng: 100% dân ở đây đều đồng ý và vịn vào bản danh sách người dân ký tên để buộc người dân phải đóng tiền. Tuy nhiên đây chỉ là danh sách các hộ trên tuyến đường xây dựng kế hoạch này, không phải danh sách người dân đồng ý đóng tiền. Riêng các khoản tiền cụ thể người dân phải đóng góp cũng không được công khai trước dân mà chỉ nói chung chung số tiền mỗi hộ phải đóng
Trong kế hoạch vận động nhân dân xây dựng tuyến đường “thắp sáng quê hương”, ông Trần Trung Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Hoà yêu cầu kiểm điểm những cá nhân, tập thể chưa thực hiện tốt kế hoạch này.
Theo ông Thiện, những gia đình nào là cán bộ, đảng viên mà không chấp hành xã sẽ xử lý nội bộ, còn xử lý như thế nào thì ông Thiện không tiết lộ.
Theo người dân, trước đó, một số cán bộ đã bị ông trưởng ấp “hăm doạ” nếu không đóng tiền cuối năm sẽ được nhận xét là không chấp hành chủ trương của Nhà nước ở địa phương, còn ai không là cán bộ sẽ không chứng giấy tờ./.
Theo VOV