Tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử

Thứ Hai, 29/05/2017, 19:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cách đây 10 năm, ngày 1/6/2007, Sở Thông tin và Truyền thông - một đơn vị quản lý Nhà nước đa lĩnh vực đã được thành lập và đảm nhận nhiệm vụ tham mưu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, cũng như chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực báo chí - xuất bản, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông để phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đến nay, một tập thể đã ra đời trong những giai đoạn đầu của quá trình hội nhập để nỗ lực tự khẳng định mình, đồng thời không ngừng trưởng thành, vươn lên và có những đóng góp xứng đáng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại lớn nhất toàn cầu WTO vào thời điểm tháng 01/2007, đánh dấu cho sự hội nhập toàn diện của đất nước vào nền kinh tế thế giới. Và khi cả nước vẫn đang sôi động trong không khí hội nhập, phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là lúc ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên kỷ niệm 10 năm xây dựng, trưởng thành. Trong suốt những tháng năm đáng nhớ ấy, nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông đã gắn cuộc sống và tâm huyết của mình với những giai đoạn lịch sử của địa phương để không ngừng đóng góp, không ngừng cống hiến cho sự nghiệp chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhìn lại quãng đường đầy gian nan vất vả nhưng cũng không kém tự hào ấy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên lại hiểu hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi được vinh dự cùng đứng dưới một mái nhà chung để tự khẳng định mình qua việc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

Trở lại bối cảnh lịch sử vào những năm 1949 khi Ban Giao thông - Liên lạc Lai Châu mới được thành lập; trên cơ sở đó đến năm 1967 tiếp tục thành lập Ty Bưu điện sau đổi tên là Bưu điện tỉnh. Năm 2004, Bưu điện tỉnh Điện Biên chia tách thành Viễn thông Điện Biên và Bưu điện tỉnh, hai đơn vị này vừa hoạt động kinh doanh vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động của mình, đây cũng chính là tiền thân của Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên hôm nay.     

Sau khi thực hiện chủ trương chia tách chức năng quản lý nhà nước khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, tháng 6/2007, Sở Bưu chính, Viễn thông Điện Biên được thành lập, là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, ngày 05/05/2008, Sở tiếp tục được UBND giao nhận thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí xuất bản và đổi tên thành  Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bưu chính, chuyển phát; viễn thông, Internet; công nghệ thông tin và báo chí, xuất bản. Có thể khẳng định rằng, việc thành lập Sở Thông tin và Truyền thông không chỉ là sự đổi tên thông thường mà còn thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý để phù hợp với xu thế phát triển, hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông, mà ngành Thông tin và Truyền thông là đơn vị gánh trên vai trách nhiệm nặng nề này.

x
Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với UBND huyện Nậm Pồ về tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn huyện. Ảnh: Nguồn Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên

 

Xuất phát điểm với rất nhiều khó khăn, thách thức trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, của tỉnh, với những nỗ lực, cố gắng, vượt qua muôn vàn khó khăn, Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên hiện nay đã có 6 phòng chức năng với 31 cán bộ, công chức và 20 viên chức thuộc Trung tâm công nghệ thông tin - Truyền thông. Trong từng giai đoạn lịch sử đã qua, ngành Thông tin và Truyền thông Điện Biên đã luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng với tinh thần đoàn kết ngày đêm lao động không mệt mỏi mang nguồn thông tin quan trọng đến với nhân dân các dân tộc, giữ vững mạch máu thông tin, đóng góp một phần chiến công và những thắng lợi to lớn của dân tộc. Cùng với việc củng cố, khai thác tốt nhất khả năng, tiềm năng, phát triển mạng lưới thông tin liên lạc, tăng cường và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan, Đảng, Nhà nước và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên, làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ thông tin thông suốt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên thời cơ để ngành Thông tin và Truyền thông của tỉnh bước vào thời kỳ hội nhập.

Ông Nguyễn Ngọc Kỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên cho biết: Mỗi lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông đều có một sức mạnh riêng, có sự ảnh hưởng khác nhau đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò chỉ đạo xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh từ tỉnh tới cơ sở. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông đã xác định việc phát triển thông tin - truyền thông gắn với quản lý tốt, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và hàng đầu. Đồng thời, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính. Cùng với đó, Sở đã tạo điều kiện và rất tích cực hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông nâng cao chất lượng sản phẩm và các dịch vụ. Qua đó, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về thông tin tuyên truyền, sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các nhu cầu thiết yếu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2007-2017 đến nay, ngành Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện 03 Quy hoạch Phát triển ngành; 8 văn bản quy phạm pháp luật; hàng chục chương trình - kế hoạch trung hạn, ngắn hạn; cũng như các đề án và nhiều kế hoạch hằng năm về lĩnh vực thông tin - truyền thông, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển.    

10 năm qua, ngành đã tiếp nhận, thẩm định, chấp thuận đầu tư gần 1.000 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) cho các doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép sử dụng tần số cho hơn 250 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở; đảm bảo thông tin liên lạc trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và tham gia diễn tập khu vực phòng thủ trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh đã được xây dựng, phát triển trên cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng và trao đổi nguồn tài nguyên; cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ viễn thông và Internet hiện đại, phong phú, chất lượng cao, giá cước phù hợp; thực hiện phổ cập và mở rộng vùng cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Cũng trong 10 năm qua, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã sát cánh cùng Sở phấn đấu đạt các chỉ tiêu như: Điểm phục vụ Bưu chính đạt hơn 4 nghìn người/điểm phục vụ. Tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động đạt hơn 1 nghìn trạm (tăng 20 lần so với năm 2007); 114/130 xã, phường, thị trấn có trạm thông tin di động 3G (đạt tỷ lệ 87,7%). Số lượng thuê bao điện thoại đạt trên 420.000 thuê bao (tăng gần 9 lần so với năm 2007); 128/130 xã, phường, thị trấn được kết nối Internet băng thông rộng (đạt tỷ lệ 98%). Tổng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông hằng năm ước đạt trên 300 tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước cũng từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện có gần 100 máy chủ, hơn 2.400 máy trạm; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt gần 100%, cấp xã đạt hơn 45%. 100% các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan Nhà nước được kết nối Internet tốc độ cao. Toàn tỉnh có 12/65 điểm mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan sử dụng cáp quang.

100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị các phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng. Hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh được lắp đặt thông suốt 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Tỷ lệ cán bộ được cấp hộp thư điện tử công vụ của tỉnh có tên miền dienbien.gov.vn đạt 90%. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên bước đầu được quan tâm…

Hệ thống thư điện tử của tỉnh được triển khai và đưa vào sử dụng thống nhất, đồng bộ. Đến năm 2017, 83% các cơ quan Nhà nước đã có cổng/trang thông tin điện tử. Trên trang/cổng của cơ quan Nhà nước, các dịch vụ công trực tuyến hầu hết đã được cung cấp ở mức độ 1, mức độ 2 và có 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Hệ thống một cửa điện tử tại sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đến nay có 11 đơn vị được lắp đặt và triển khai, đạt tỷ lệ 38%. Ngoài ra, các ngành trong tỉnh cũng tăng cường đưa các ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ công tác quản lý như: Ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh của ngành Y tế; ứng dụng CNTT trong quản lý học sinh, phổ cập của Sở Giáo dục và Đào tạo; quản lý hồ sơ cán bộ công chức của Sở Nội vụ…

Sau 10 năm thành lập và thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên đã tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động báo chí như: Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020; Quy định Chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quy chế Quản lý nhà nước về Thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quy chế Phát ngôn, cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên, cùng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch tuyên truyền trên các lĩnh vực: Xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền quảng bá ASEAN; xây dựng xã hội học tập… Định kỳ hằng tháng, Sở TT&TT phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí; cung cấp thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền cho các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh, đất nước. Các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin trung thực, khách quan, bám sát, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu thông tin và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực.

Cùng với hệ thống hoạt động của báo in và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện của tỉnh cũng đẩy mạnh công tác đầu tư, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 44/130 xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở (đạt tỷ lệ 33,8%). Hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời chủ trương, chỉ đạo của các cấp và chính quyền địa phương góp phần xây dựng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về  thông tin đối ngoại được tổ chức thực hiện có hiệu quả với nhiều hoạt động như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về thông tin đối ngoại. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan có ấn phẩm báo chí, trang thông tin điện tử và hệ thống thông tin truyền thông cơ sở tăng cường các tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền quảng bá hình ảnh địa phương giới thiệu đến bạn bè trong nước và ngoài nước. Sở đã chủ trì xuất bản các tờ rời, tờ gấp, sách thông tin đối ngoại và phối hợp với các đơn vị sản xuất và phát sóng nhiều phóng sự thông tin, tuyên truyền quảng bá về tỉnh Điện Biên phát sóng trên kênh truyền hình đối ngoại Trung ương. Đồng thời, xây dựng chuyên trang thông tin đối ngoại đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực này trên trang thông tin điện tử của Sở.

Bên cạnh đó, Sở thực hiện đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền pháp luật được tăng cường góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành TT&TT trên  địa bàn toàn tỉnh. Sở đã tổ chức 47 cuộc kiểm tra, thanh tra về việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT-TT; việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet; các hoạt động về in, photocopy, phát hành xuất bản phẩm cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông. Qua kiểm tra, cơ bản các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, hoạt động trong lĩnh vực TT&TT đã tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện - văn hoá cung cấp các dịch vụ thông tin truyền thông, phục vụ tốt cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nâng cao nhận thức về đường lối, cơ chế chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với xu thế của thời đại là "đưa thông tin về cơ sở" theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X). Thông qua việc tìm hiểu tài liệu, sách báo và các dịch vụ viễn thông ở cơ sở, nhân dân các dân tộc đã có thêm vốn kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi, nâng cao đời sống gia đình và ý thức chấp hành pháp luật ở nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước cấp huyện. Đến nay, các phòng văn hóa - thông tin đã từng bước nắm bắt được các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành, chủ động trong công tác tham mưu với UBND huyện và phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh của đại lý Internet, cơ sở in ấn phát hành, hoạt động xây dựng các trạm BTS trên địa bàn tỉnh; triển khai các ứng dụng CNTT nền tảng của tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền của đài truyền thanh cơ sở... góp phần đưa công tác QLNN cấp huyện đi vào nền nếp, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đồng bào các dân tộc ở những bản làng vùng cao nơi xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh.

Với những nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong 10 năm qua, Sở TT&TT đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Điện Biên tặng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc. Nhiều lượt tập thể, cá nhân thuộc Sở đã vinh dự được khen thưởng cấp Nhà nước, Chính phủ, Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên. Đây là những phần thưởng cao quý dành cho sự đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của ngành TT&TT trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh Điện Biên và ngành TT&TT Việt Nam.

Có thể nói, những kết quả và thành tựu trên các lĩnh vực quản lý nhà nước trong thời gian qua chính là tiền đề tạo sức mạnh và động lực để trong thời gian tới ngành TT&TT tỉnh Điện Biên tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh đưa hoạt động thông tin và truyền thông thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và các đơn vị báo chí, xuất bản không ngừng phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế đến với Điện Biên, đảm bảo thực hiện tăng tốc độ phát triển các ngành, xứng đáng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương để góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang cho mảnh đất Điện Biên lịch sử./.

 

Lý Như Quỳnh - Trọng Lâm

 

 

.