Tăng giờ làm tối đa

Người lao động cần chế độ đãi ngộ xứng đáng

Thứ Hai, 29/05/2017, 10:20 [GMT+7]

Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có đề xuất nâng thời gian làm thêm.
 
 Cụ thể, tại điểm B Khoản 2, Điều 82 của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 1 năm không vượt quá 400 giờ.

Theo quy định hiện nay, số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.             
 

1
Đề xuất tăng giờ làm tối đa đang nhận được sự quan tâm của người lao động và người sử dụng lao động.


Đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa của Bộ LĐ - TB &XH nhận được sự quan tâm của người lao động và người sử dụng lao động.

Lo sợ bị bóc lột sức lao động

Hiện nay, lương của người lao động còn thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống, vì thế đa số người lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên tăng thế nào cho hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho người lao động? Và điều khiến người lao động lo ngại là nếu quy định của pháp luật không chặt chẽ, họ sẽ bị bóc lột sức lao động một cách hợp pháp.

Chị Hoàng Lan, công nhân KCN Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ: “Mỗi khi cần giải quyết đơn hàng lớn, công ty tôi vẫn huy động công nhân làm thêm giờ. Tuy nhiên, số giờ làm thêm không trải đều trong năm. Có tháng công nhân mong cũng chẳng có việc để làm thêm nhưng khi nào cần giao hàng gấp, công ty huy động công nhân làm thêm nhiều khiến ai nấy đều mệt mỏi. Điều này rất nguy hiểm vì lao động đi làm việc trong tình trạng mệt mỏi dễ xảy ra những tai nạn lao động đáng tiếc. Công nhân chúng tôi cũng mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có quy định chặt chẽ, không chỉ quy định số giờ làm thêm trong năm mà phải quy định cả số giờ làm thêm trong tháng. Đặc biệt, tiền lương làm thêm phải tương xứng với sức lao động mà chúng tôi bỏ ra để chúng tôi có điều kiện tái tạo sức lao động sau những giờ làm thêm mệt mỏi. Tiền công trả cho công nhân do tăng giờ làm thêm cần được giám sát chặt chẽ để doanh nghiệp (DN) không trả công chúng tôi với giá rẻ mạt”.

Anh Lê Thanh, công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội) đồng tình với ý kiến chị Lan rằng, tiền công giờ làm thêm phải trả theo lũy tiến, tránh tình trạng người lao động bị DN vắt kiệt sức lao động, sau đó sa thải, tuyển mới. Việc tăng giờ làm thêm cũng không thể cào bằng tất cả các ngành nghề bởi với những ngành độc hại, nặng nhọc thì việc tăng giờ làm thêm quá nhiều sẽ vắt kiệt sức lao động của công nhân. Khi đó tiền công làm thêm không đủ để người lao động lo chữa bệnh. Việc làm thêm hay không để người lao động được tự nguyện, chứ không nên ép buộc dưới mọi hình thức.

Chủ sử dụng lao động mừng

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, quy định về làm thêm giờ trong Bộ luật Lao động hiện hành đã được thực hiện từ năm 1995 đến nay. Thời gian qua nhiều DN đề nghị tăng thời giờ làm thêm tối đa. Hằng năm, tại các diễn đàn DN, các hiệp hội DN đã đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 500 giờ/năm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Hiện giờ làm thêm của công nhân Việt Nam thấp nhất so với các nước trong khu vực, ở mức 200 giờ/năm (Lào quy định 540 giờ, Indonesia 728 giờ, Singapore 864 giờ, Malaysia 1.248 giờ, Thái Lan 1.872 giờ).

Vì thế, đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa của người lao động được chủ các DN đồng thuận. Anh Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phẩn Thương mại và Dịch vụ Anh Tuấn cho biết: “Tôi rất đồng tình với quy định mới. Nhiều khi do áp lực giao hàng buộc DN phải tổ chức cho công nhân làm thêm giờ, chúng tôi thực sự gặp khó khăn với quy định hiện tại. Huy động công nhân làm thêm nhiều không được, trong khi tuyển người mới thì khi hết đơn hàng lại khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm cho họ. Trong thời buổi hội nhập, việc quy định giờ làm thêm của công nhân nên tham khảo ở những nước xung quanh, nếu không DN Việt khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
 
Tuy nhiên theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tăng giờ làm thêm quá nhiều theo dự thảo luật chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam bởi thời gian làm thêm giờ của người lao động phải cân nhắc nhiều yếu tố: kinh tế, việc làm, sức khỏe, môi trường lao động…

Để đảm bảo lợi ích hài hòa hai bên, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ trong một tháng (hiện là 30 giờ/tháng) và giờ làm thêm trong một năm không quá 300 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ/năm. Ngoài ra, tiền làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, đảm bảo tái tạo sức lao động./.

 

Theo VOV
 

.