Điện Biên

Xây dựng nông thôn mới - Phát huy nội lực là chính

Thứ Tư, 03/05/2017, 19:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xây dựng nông thôn mới không phải là trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, mà chính là cuộc vận động, huy động sức mạnh nội sinh của chính người dân để xây dựng quên hương do vậy các xã nông thôn phải chủ động đánh giá đúng thế mạnh cũng như khó khăn, xác định đúng mục tiêu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

1
Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng lợi thế ở từng xã, từng vùng; dựa vào nội lực là chính, có sự hỗ trợ một phần của Nhà nước và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia

 

Chương trình xây dựng NTM giai đoạn từ nay đến 2020 có quan điểm xuyên suốt là: Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng lợi thế ở từng xã, từng vùng; dựa vào nội lực là chính, có sự hỗ trợ một phần của Nhà nước và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Thực hiện đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo cơ chế dân chủ và đem lại lợi ích, hiệu quả thiết thực đối với người dân.

Theo quan điểm này thì các xã nông thôn phải chủ động đánh giá đúng thế mạnh cũng như khó khăn, xác định đúng mục tiêu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong chương trình XDNTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo nông nghiệp, nông thôn của các xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ở hầu hết các xã, cơ sở hạ tầng được đầu tư và phát huy tốt hiệu quả, nền kinh tế chuyển dịch dần theo hướng thay đổi cơ cấu, mở rộng quy mô, phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Đến nay tỉnh Điện Biên có 4/116 xã đạt chuẩn NTM và 4 xã cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí XDNTM. Kinh nghiệm từ các xã đi đầu trong thực hiện chương trình cho thấy, muốn đạt được mục tiêu chương trình đề ra, vấn đề quan trọng không phải là trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, mà là dựa vào nội lực và sự chủ động của chính các xã.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 xã Mường Phăng, huyện Điện Biên với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, được thể hiện tại Nghị quyết số 04 - NQ/ĐU ngày 28/3/2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ xã.

Chương trình được nhân dân đồng tình ủng hộ. Người dân các bản trong xã cũng tích cực, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước được chuyển đổi, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn xã đang có nhiều thay đổi.

Sự thay đổi được thể hiện qua sự phát triển của hàng trăm mô hình kinh tế tổng hợp quy mô vừa và nhỏ ở các bản Yên, bản Phăng. Dịch vụ du lịch ở các bản Che Căn, bản Phăng có bước chuyển biến và phát triển rõ rệt . Số hộ gia đình thu nhập từ 50 đến 100 triệu/năm từ mô hình kinh tế và dịch vụ phục vụ du lịch cũng tăng lên.

1
Xác định muốn hoàn thành chương trình XDNTM, các xã phải nhìn nhận đúng khó khăn, nhìn rõ thế mạnh và thực hiện các tiêu chí theo từng giai đoạn

 

Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng về phát triển kinh tế xã hội, đã tạo nền tảng thuận lợi cho xã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về XDNTM. Đến thời điểm hiện tại, xã Mường Phăng đạt 11/19 tiêu chí NTM. Ngoài ra, xã có một số tiêu chí đang được hoàn thiện, như: tiêu chí số 8 về bưu điện, số 9 về nhà ở dân cư, số 3 về thủy lợi, số 5 về y tế, số 17 về môi trường.

Với các kết quả đã đạt được, xã phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.  Năm 2017 xã phấn đấu xã phấn đấu đạt thêm 5 tiêu chí XDNTM, gồm: tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư; tiêu chí số 16 về văn hóa và tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.

Xã Pá Khoang vốn là địa bàn vùng sâu, vùng xa, có 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất thấp nên kinh tế xã hội chậm phát triển. Xã cũng chưa được đầu tư về cơ sở  hạ tầng, khi triển khai chương trình XDNTM, Pá Khoang gặp nhiều khó khăn. Đến nay xã mới đạt 3/19 tiêu chí NTM. Với điều kiện khó khăn như vậy, xã xác định muốn hoàn thành chương trình XDNTM, phải nhìn nhận đúng khó khăn, nhìn rõ thế mạnh và phải thực hiện các tiêu chí theo từng giai đoạn.
           
Tỉnh Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tại 116 xã trên toàn tỉnh, đem lại cơ hội cho các xã xây dựng mục tiêu, tìm ra giải pháp bứt phá phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên do đặc thù có địa hình chia cắt thành hai khu vực vùng thấp và vùng cao với điều kiện về đất đai, giao thông, thủy lợi... nhiều khác biệt, nên khởi điểm chương trình xây dựng nông thôn mới ở hai khu vực cũng hoàn toàn khác nhau. Hầu hết các xã đi đầu trong chương trình XDNTM của tỉnh như: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Noong Hẹt... đều ở vùng thuận lợi. Các xã còn lại đều là xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Làm thế nào để có thể phát huy nội lực của các xã này ? Theo ông Hà Văn Quân, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, các xã cần có giải pháp cụ thể cho vấn đề này, trong đó chú trọng vào việc phát huy nguồn lực sẵn có và phát triển các mô hình sản xuất cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, từ đó tạo tiền đề về nội lực để xã xây dựng NTM.
 

1
Xây dựng nông thôn mới không phải là một cuộc đầu tư của Nhà nước, mà chính là cuộc vận động, huy động sức mạnh nội sinh của chính người dân

 

Xây dựng nông thôn mới không phải là một cuộc đầu tư của Nhà nước, mà chính là cuộc vận động, huy động sức mạnh nội sinh của chính người dân để xây dựng cho hiện tại và cho cả tương lai. Bởi vậy trước những khó khăn do điều kiện đặc thù, chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao của tỉnh ta cần phải triển khai có kế hoạch và giải pháp cụ thể.

Để làm được điều này cần có sự quyết tâm, sáng tạo trong lãnh đạo chỉ đạo của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Xác định đúng mục tiêu, lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện của địa phương, sẽ giúp quá trình triển khai được thuận lợi. Muốn phát huy nội lực của địa phương, sự đồng thuận và quyết tâm của các tầng lớp nhân dân là yếu tố quan trọng, quyết định không thể thiếu.
                                                                   

 

Minh Giang – Anh Tuấn
 

.