Vi phạm đạo đức nghề báo: Đừng để "con sâu làm rầu nồi canh"

Thứ Bảy, 01/04/2017, 14:35 [GMT+7]

Thời gian qua, một số người cầm bút, mang danh "nhà báo" nhưng lại vi phạm pháp luật.
 
Mới đây, Trưởng văn phòng đại diện, một nhân viên và một phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng bị cơ quan chức năng khởi tố vì lợi dụng danh nghĩa "nhà báo" để cưỡng đoạt tiền của người dân. Vụ việc này là một trong những ví dụ điển hình về hành vi trục lợi từ nghề báo. Đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh của những người làm báo chân chính.
 

1
Ngày 24/3, Công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã bắt Phan Thành Long, Phạm Văn Tân (SN 1990), ở Trường Thọ, An Lão, Hải Phòng (phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật) và bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc đối với Phan Văn Thương (SN 1974), Trưởng Văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội.


Trên thực tế, đại đa số nhà báo đều hành nghề đúng pháp luật qui định và có đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, báo chí mới phát triển và thu hút được công chúng như hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, một số người cầm bút, mang danh "nhà báo" nhưng lại vi phạm pháp luật. Chưa bàn đến những nhà báo vì non yếu về mặt nghiệp vụ nên vô tình vi phạm pháp luật thì cũng có người cố ý vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân. Trong đó, có những người bị xử lí vì tham gia chạy án, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân…

Theo luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: “Mục đích của họ là để kiếm tiền, là phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản. Tất cả những việc lợi dụng việc làm, chức vụ của mình đều vi phạm vào việc chiếm đoạt tài sản của người khác. Còn những trường hợp không phải là phóng viên mà lại tự xưng là phóng viên, giả danh để tống tiền người khác thì lại là vấn đề lừa đảo. Những việc đó cần xử lý nghiêm để ngăn ngừa, răn đe những người khác”.

Dù là số ít, nhưng những nhà báo vi phạm pháp luật đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đội ngũ làm báo nói chung, nhất là đối với những người làm báo chân chính. Đồng thời, làm sứt mẻ niềm tin của công chúng vào những người cầm bút. Đối với những thế hệ làm báo lão thành, họ quan niệm, báo chí là công cụ để đấu tranh cách mạng, để cải biến xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng: Báo chí trước kia đơn thuần vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, môi trường hoạt động báo chí thay đổi. Từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thì nay, báo chí cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, một bộ phận nhà báo chưa đuợc giáo dục kỹ lưỡng để thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, còn coi nhẹ tính tư tưởng của báo chí, lợi dụng vị trí nhà báo để trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí của các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội.
 
Nhà báo Đức Lượng nói: “Làm báo trong cơ chế thị truờng hiện nay giống như nguời đi trên dây thép, đòi hỏi phải có sự cân bằng. Chỉ cần sự tác động nhẹ, giữa cái đúng, cái sai rất mong manh. Do đó đòi hỏi nhà báo có bản lĩnh, trình độ và sự quyết tâm và tầm của nhà báo. Nhà báo không chỉ theo pháp luật mà còn có cái tâm của nguời cầm bút truớc những đau khổ, hạnh phúc của nguời. Mình phải là nguời trong cuộc lấy cái nhân ái”.

Trong quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo nêu rất rõ, hội viên thì phải hành nghề có đạo đức nghề nghiệp. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, để làm trong sạch, lành mạnh lĩnh vực báo chí, các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của báo chí, nhà báo. Bản thân các cơ quan chủ quan, cơ quan báo chí, đặc biệt là các Tổng biên tập phải siết chặt quản lý đội ngũ của mình. Bên cạnh đó, vai trò của tổ chức Hội nhà báo cũng vô cùng quan trọng, phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng, đạo đức, khả năng của phóng viên để định hướng và bồi dưỡng nâng cao phẩm chất nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc. Chình vì vậy, mỗi nhà báo phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”./.

 

Theo VOV
 

.