Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ
“Hướng tới tự chủ và tự quyết” là chủ đề của “Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”(2/4) năm nay.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc, khắp nơi trên thế giới đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi vì người tự kỷ.
Nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ, chiến dịch Thắp đèn xanh dương vì người tự kỷ đang lan tỏa khắp thế giới. Đây là năm thứ 8 chiến dịch do tổ chức hoạt động vì người tự kỷ Autism Speaks phát động này được triển khai.
Ảnh minh họa |
Năm nay, 19.000 tòa nhà tại 142 quốc gia hưởng ứng chiến dịch đầy ý nghĩa này, trong đó phải kể đến Nhà Trắng, Trung tâm Rockerfeller- khu cao ốc gồm 19 tòa nhà chọc trời tại NewYork, Mỹ; Tháp truyền hình Canada - tháp cao nhất thế giới trong suốt 31 năm; Tượng chúa cứu thế ở Rio de Janeiro, Brazil), Petra - khu di tích khảo cổ ở miền Tây Nam Jordan- một trong 7 kỳ quan thế giới…..
Được biết hội chứng tự kỷ ảnh hưởng tới khoảng 70 triệu người trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình cứ 160 người thì có một người tự kỷ. Hiện có tới 80% số người tự kỷ trưởng thành không có việc làm, phải sống phụ thuộc. Rõ ràng đây đều là những con số rất đáng báo động, và vì vậy, điều quan trọng nhất khi hỗ trợ người tự kỷ chính là bước vào thế giới của họ, giúp họ nhận thức, thực hành sự độc lập của cá nhân, từ đó ghi nhận những điểm mạnh và thiên hướng của họ, tạo điều kiện cho họ phát triển thế mạnh này.
Nhân “Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”, có lẽ không thể không nhắc tới những câu chuyện cảm động về tình cảm của những đấng sinh thành không may có con mắc chứng tự kỷ. Hơn bao giờ hết, điều thiêng liêng kết nối những tâm hồn trẻ tự kỷ với thế giới, mở cánh cửa rộng cho các em bước vào cuộc sống chính là sợi dây tình cảm kết nối từ tình yêu vô điều kiện của các bậc làm cha làm mẹ.
Như trường hợp của Jacob Barnet sinh năm 1998 ở bang Indiana, Mỹ, chính những nỗ lực kiên trì của mẹ cậu bé này đã dần dần biến Jacob từ một đứa trẻ tự kỷ nặng, tưởng chừng sẽ không có tương lai, nhưng lại trở thành một “thiên tài” vật lý sau này. Vào năm 2013, khi mới 15 tuổi, Jacob đã nộp hồ sơ và được nhận vào Viện vật lý lý thuyết Perimeter ở thành phố Waterloo, bang Ontario, Canada để học tiến sĩ. Đây là một trong những viện vật lý danh giá nhất thế giới. Cậu bé tự kỷ ngày nào đang là người trẻ nhất từng được nhận vào viện.
Hay với tình yêu vô bờ bến dành cho đứa con trai không may mắc chứng tự kỷ, nhiếp ảnh gia Timothy Archibald sống ở San Francisco, Mỹ sẵn sàng chấp nhận những điều chưa hoàn hảo, bước vào thế giới riêng của con mình, để thực hiện dự án hình ảnh, ghi lại những khoảnh khắc chân thật nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con với mục đích truyền cảm hứng cho những vị phụ huynh có con tự kỷ.
Nhưng không chỉ có mẹ cậu bé Jacob hay nhiếp ảnh gia Timothy trong hai câu chuyện nhỏ kể trên, mà còn rất nhiều ông bố, bà mẹ khác trên thế giới có con tự kỷ đang tích cực tham gia với các phụ huynh cùng cảnh ngộ, cùng động viên nhau dành nhiều tâm sức hơn nữa, cố gắng tìm kiếm sự kết nối với con nhiều hơn nữa.
Để thấy tình yêu thương dù chưa hẳn là chìa khóa thành công trong việc chữa trị cho trẻ tự kỷ, nhưng lại chính tình yêu vô bờ bến, sự thấu cảm, lòng nhân ái có thể giúp xoa dịu tâm hồn của những đứa trẻ kém may mắn này, mở rộng cánh cửa cho các em hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, giống như có ai đó từng nói trong mỗi đứa trẻ đều có một tia sáng và nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện cho tia sáng ấy trở thành một nguồn sáng mạnh mẽ, ngày càng rực rỡ hơn./.
Theo VOV