Náo loạn khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:10 [GMT+7]

Vùng rừng núi xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đang náo loạn khi hàng trăm người dân đổ về mỏ vàng Bồng Miêu khai thác vàng trái phép.

Lượng lớn hóa chất độc hại cyanua được các đối tượng vận chuyển đến đây để lắng lọc vàng, sau đó xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân địa phương. Mỏ vàng này hết thời hạn cấp phép đã hơn 1 năm nhưng Công ty vàng Bồng Miêu không đóng cửa mỏ, không bàn giao hiện trạng để địa phương quản lý.

Trung bình mỗi ngày, hơn 60 người ở các tỉnh phía Bắc, người dân các địa phương ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh khai thác vàng trái phép.
 

1
Cửa hầm vàng bỏ lâu ngày dễ sập đổ bất cứ lúc nào


Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết, mỏ vàng Bồng Miêu hiện còn 40 cửa hầm, nhiều đường hầm lâu ngày không có người ra vào, không được gia cố nên rất dễ xảy ra sự cố sập hầm. Lực lượng chức năng địa phương đã tập trung kiểm soát, chốt chặn nhưng vẫn không ngăn được lượng người đổ về khu vực này ngày càng đông.

Những người ở xa đến đây tự ý lập lán trại, ăn ở tại chỗ. Khi lực lượng chức năng truy quét thì họ bỏ lán trại, đồ đạc chạy vào rừng. Tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu gây hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự, làm thất thoát tài nguyên. Đã có 1 người chết, 1 người bị thương do sập hầm vàng tại khu vực này.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết, hiện lực lượng Công an huyện phối hợp với Công an xã tăng cường mở các đợt truy quét, siết chặt quản lý không cho người vào hầm: “Tình hình hiện nay ở xã Tam Lãnh rất phức tạp. Người ta vào hầm lò khai thác vàng trái phép, rồi sử dụng hóa chất trong hầm lò, ăn ở trong hầm lò luôn nên chúng tôi rất khó khăn trong quản lý.

Một số khu vực vùng giáp ranh, một số đối tượng dùng xe múc đưa vào cày đường, san ủi làm mặt bằng, rồi tận dụng khai thác vàng trái phép rất nhiều. Lực lượng địa phương rất mỏng nên việc quản lý không được chặt chẽ. Đề nghị ngành chức năng ở tỉnh, huyện trợ giúp chúng tôi trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát khu vực này”.
 

1
Những đường ống dẫn nước từ suối lên khu vực khai thác để lắng lọc quặng


Giấy phép khai thác vàng của Công ty Vàng Bồng Miêu đã hết hạn từ tháng 3 năm 2016  nhưng Công ty này không đóng cửa mỏ, tái tạo, phục hồi môi trường, bàn giao 320 ha đất rừng cho chính quyền địa phương quản lý. Trong đó, khu vực đập thải chứa hóa chất độc hại nếu không được duy tu thì nguy cơ vỡ rất cao, nhất là vào mùa mưa.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, địa phương có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư, khoáng sản và áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Công ty vàng Bồng Miêu vận chuyển toàn bộ vật liệu nổ ra khỏi khu vực khai thác, tập kết bảo quản tại kho chứa vật liệu nổ theo đúng quy định, bảo vệ khu vực mỏ một cách hợp lý và có báo cáo với chính quyền địa phương xã Tam Lãnh để có cơ sở quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép trong khu vực quản lý.
 

1
Những lán trại được dựng trên đường vào hầm vàng


Ông Nguyễn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã nhiều lần làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thu hồi mỏ vàng Bồng Miêu để giao cho đơn vị khác có tiềm lực khai thác, tránh thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn luôn kiến nghị với tỉnh, Trung ương sớm giải quyết, vì cấp phép là do Bộ Tài nguyên và Môi trường, và phá sản, hoàn thổ, bàn giao lại cho nhân dân quản lý cũng không phải thuộc thẩm quyền của huyện, của xã được. Cũng mong Trung ương sớm chỉ đạo Công ty này vì có liên quan đến vốn FDI người nước ngoài. Mong Chính phủ sớm chỉ đạo để lấy lại niềm tin cho nhân dân. Hệ lụy là hiện nay nhân dân vào phá môi trường càng hư hỏng nhiều hơn, thứ 2 là người ta vào lấn chiếm, trồng cây, sau này thu hồi cũng rất khó khăn, phức tạp, lúc đó tiền đâu đền bù”- ông Nguyễn Cảnh nói.

Theo Cục thuế tỉnh Quảng Nam, Công ty Vàng Bồng Miêu hiện còn nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế, không đưa ra phương án trả nợ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Năm ngoái, chính quyền tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường không đồng ý gia hạn giấy phép khai thác vàng cho Công ty này./.

 

Theo VOV

.