Một năm sau sự cố môi trường: Biển hồi sinh, hải sản tươi ngon

Thứ Bảy, 15/04/2017, 15:12 [GMT+7]

Một năm sau sự cố môi trường biển, ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển.
 
Sự cố môi trường biển xảy ra vào giữa tháng Tư năm ngoái đã làm cho các ngành kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, các ngành phụ trợ hậu cần nghề cá, du lịch biển ở các tỉnh miền Trung lâm vào cảnh khó khăn, cuộc sống của hàng vạn người dân bị đảo lộn. Một năm sau sự cố môi trường biển, ngư dân tỉnh Quảng Bình, địa phương có số tàu thuyền và lao động nghề biển nhiều nhất các tỉnh miền Trung đã vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển.
 

1
Hình ảnh cá chết hàng loạt trên biển miền năm vừa qua. (Ảnh: Internet).


Chợ cá Nam Lý, thành phố Đồng Hới mùa này đã tấp nập người bán kẻ mua. Chị Nguyễn Thị Đào ở xã Quảng Phú, người bán cá lâu năm tại chợ Nam Lý khoe rằng, cảng không còn vắng vẻ như trước,việc tiêu thụ thủy sản tăng nhanh.

Tại Quảng Bình, một trong 4 địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau sự cố môi trường biển, đến nay nghề biển đã có dấu hiệu hồi phục. Cảnh mua bán các mặt hàng thủy hải sản trở nên tấp nập. Cùng với đó là những nụ cười giòn của các ngư dân khi trúng được những mẻ cá lớn và bán được lô hàng tươi, ngon.

Ngư dân Nguyễn Văn Thẹo, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình phấn khởi: "Số tàu vây nớ đi khơi về có khi được 3,4 trăm triệu đồng. Anh mô nhằm (trúng) thì được 6,7 trăm triệu đồng một chuyến. Bạn thì nhiều người nữa, chia ra mỗi người được 5,6 triệu đồng".

Đến thời điểm này đã có 60/62 xã, phường tại tỉnh Quảng Bình được phê duyệt giá trị bồi thường thiệt hại từ sự cố môi trường biển với tổng số tiền hơn 2 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 1.833 tỷ đồng do Trung ương tạm cấp số còn lại địa phương tạm ứng ngân sách chi trả. Sau khi nhận tiền đền bù, ngư dân chủ động mua sắm ngư cụ, khôi phục nghề biển.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, cùng với việc chi trả tiền đền bù, địa phương vận động ngư dân chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đi khơi xa: "Chúng tôi khuyến khích và hướng dẫn bà con ngư dân chuyển dần từ đánh bắt gần bờ sang ngành nghề khác. Đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay cải hoán tàu thuyền vươn khơi bám biển, khuyến khích đánh bắt xa bờ, chú trọng tiềm thị trường tiêu thụ hải sản cho ngư dân".

Đáng chú ý, hoạt động du lịch ở địa phương này cũng dần trở nên sôi động. Hiện tại, số lượng người đặt phòng khách sạn từ 3 sao trở lên cho dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay đã đạt 50 – 60% công suất phòng, có nơi đạt 80 – 90% công suất phòng, như khu nghỉ dưỡng cao cấp Sun Spa Resort Quảng Bình, đạt hơn 90% công suất phòng. Quý I năm nay, lượng khách du lịch đến Quảng Bình hơn 600 ngàn lượt, bằng lượng khách Quý I năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đang đẩy mạnh quảng bá thu hút khách du lịch về với Quảng Bình: "Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố biển đã sạch, Bộ Y tế công bố hải sản đã sạch, không còn ô nhiễm nữa thì chúng tôi tuyên truyền mạnh mẽ vấn đề nay để khách du lịch yên tâm khi đến ăn hải sản Quảng Bình. Thứ hai nữa, biển bây giờ đã sạch. Bây giờ, trong 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là biển đã sạch rồi. Muốn thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân và khách du lịch biết rằng là biển Quảng Bình đã sạch".

Một năm sau sự cố môi trường biển, ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển./.

 

Theo VOV

.