Điện Biên: Khó kiểm soát rác thải vùng nông thôn
Điện Biên TV - Hiện nay, phần nhiều rác thải tại các vùng nông thôn của tỉnh Điện Biên chưa được thu gom, xử lý đang gia tăng và khó kiểm soát. Điều đó không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan nông thôn mà còn tiềm ẩn nguy cơ về các mầm dịch bệnh gây hại đến sức khỏe con người.
Rác thải do người dân tự ý tập kết ven đường Quốc lộ 279, đoạn gần cửa ngõ vào trung tâm TP. Điện Biên Phủ |
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Điện Biên, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do ý thức, tập quán lạc hậu của một bộ phận không nhỏ người dân.
Điều dễ nhận thấy là người dân chưa thực sự có ý thức về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, sinh hoạt. Khi người dân phát triển kinh tế, mở rộng quy mô chuồng trại nhưng lại không thay đổi phương thức chăn nuôi. Đa phần họ vẫn làm theo kiểu cũ, phân, nước thải cùng thức ăn dư thừa của gia súc, gia cầm đổ ra rãnh, đường làng, sông, suối, ao hồ mà không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nuôi thả gia súc gần nhà hoặc dưới gầm nhà sàn nơi sinh sống làm ô nhiễm trường. Đó là chưa kể vẫn còn những nhà tiêu tạm bợ, không hợp vệ sinh, thậm chí một số người vẫn có thói quen đi vệ sinh tự do trên đồi, bìa rừng, bờ suối.
Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng cho biết: Gần đây, mô hình sản xuất, chế biến cà phê quy mô vừa và nhỏ ở Mường Ảng phát triển, thu hút trên 200 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức làm. Song song với hiệu quả kinh tế, là hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường từ việc xả nước và các chất thải khác. Mỗi mùa ca phê, từ khoảng tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, môi trường ở tại các khu dân cư có hoạt động chế biến cà phê lại nồng nặc mùi hôi thối, khó chịu...
Cuối năm 2016, Phòng TN&MT huyện đã tổ chức tập huấn và yêu cầu các hộ, cơ sở chế biến cà phê ký cam kết bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất, xả nước thải chế biến cà phê. Mùa cà phê cuối năm 2017, huyện Mường Ảng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và chấm dứt tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Người dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên vẫn còn tập quán nuôi gia súc dưới gầm sàn |
Bên cạnh vấn đề mất vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay, một phần còn do lượng lớn rác thải từ các chợ vùng nông thôn, chưa có biện pháp thu gom xử lý theo quy định. Các điểm họp chợ chủ yếu mới chỉ quét dọn lại, rồi để khô đốt hoặc cho phân huỷ tự nhiên. Xuất phát từ lý do này, nên cũng ảnh hưởng nặng nề cho môi trường xung quanh và công tác bảo vệ môi trường chung của địa phương. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, phát tán vào không khí và nguồn nước, nước thải ngấm vào nguồn nước ngầm, do vậy nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh là rất cao trong cộng đồng.
Ô nhiễm môi trường nông thôn vùng cao còn do người dân sử dụng các loại hoá chất bảo vệ thực vật trong nông, lâm nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...) không đảm bảo an toàn; tình trạng sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm và đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; vỏ bao bì, chai lọ chứa hoá chất độc hại vứt bừa bãi làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt hàng ngày và là tiền đề phát sinh các loại bệnh tật mà chúng ta không thể nhận thấy ngay được...
Trong khi Điện Biên là tỉnh còn rất nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết đồng bộ, triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vùng cao bằng các biện pháp thu gom và xử lý rác thải theo đúng quy định, thì biện pháp cấp bách trước mắt là phải nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Thậm chí, có thể áp dụng biện pháp mạnh như phạt tiền, phạt lao động công ích... đối với những cá nhân và gia đình tái phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn để người dân có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Có như vậy, mới từng bước cải thiện được môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn vùng cao trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, góp phần hoàn thiện nhanh, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Nam Hương