Chở hàng cồng kềnh, nỗi lo cho người tham gia giao thông

Thứ Ba, 04/04/2017, 16:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giữa người tham gia giao thông với hàng hóa chở trên các phương tiện thô sơ khiến dư luận bức xúc. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tình trạng xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường cho người tham gia giao thông.

Lưu thông các tuyến đường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ chúng ta thường gặp cảnh phương tiện xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh, gây mất trật tự an toàn giao thông. Đáng lưu ý, những người điều khiển phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh đều biết rằng đó là hành vi vi phạm luật giao thông, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vì mưu sinh họ vẫn chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

1
Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh trên đường Võ Nguyên Giáp TP Điện Biên Phủ

 

Theo quan sát, hàng loạt xe thô sơ vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, quá khổ không được chằng, buộc vẫn diễn ra hàng ngày gây mất trật tự an toàn giao thông. Thực trạng này không chỉ diễn ra trên các tuyến phố chính như đường Võ Nguyên Giáp, đường Trường Chinh, đường Hoàng Công Chất …..  … mà còn hoạt động cả ở các tuyến đường gần khu vực trường học, điều này khiến những người tham gia giao thông không khỏi lo lắng.

Những ngày cuối tháng 9/ 2016, dư luận cả nước bàng hoàng thương xót bé Trần Minh H (9 tuổi) đi xe đạp trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội đâm vào xe xích lô của ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, tạm trú quận Hoàng Mai) đang dừng bên đường. Do cú tông mạnh vào những tấm tôn trên xe khiến cậu bé đã tử vong, và TAND quận Hoàng mai, TP Hà Nội đưa bị cáo Đinh Ngọc Thạch ra xét xử tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây chết người.

Cái chết thương tâm của cháu bé do “tôn cứa cổ” khiến nhiều người giật mình khi tham gia giao thông, nỗi lo sợ bởi hằng ngày, khi những chiếc xe chở tôn hay chở hàng cồng kềnh không phải hiếm trên đường phố.

Nhất là khi hàng ngày những chiếc xe chở hàng cồng kềnh vẫn “vô tư” chạy trên đường phố đông người qua lại. đó cũng có nghĩa là người dân luôn phải chịu nỗi sợ hãi, lo lắng khi nguy hiểm lúc nào cũng chực chờ có thể cướp đi sinh mạng họ bất cứ lúc nào.

1
Những chiếc xe chở hàng cồng kềnh luôn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông (Ảnh chụp trên đường Hoàng Công Chất - TP Điện Biên Phủ)

 

Bà Nguyễn An Bình – Tổ dân phố 29 phường Mường Thanh, hàng ngày đưa đón cháu đi học tại trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ  bà cho biết: “Các cháu thì rất hiếu động khi gặp những xe chở đồ như thế thật là nguy hiểm, chỉ chút sơ ý là có thể gây tai nạn cho người tham gia giao thông nên luôn phải chú ý cẩn thận khi gần những xe này”

Các ngành chức năng đã đồng loạt ra quân xử phạt nghiêm các xe thô sơ chở hàng vi phạm về an toàn giao thông, kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe ba gác chở hàng cồng kềnh trên trên phố, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Và bước đầu cũng đã giảm bớt đi được phần nào các phương tiện này trên đường phố.
Tuy nhiên đây là công việc không dễ dàng chút nào, bởi chính những chủ phương tiện giao thông ấy đều là những người lao động có thu nhập thấp, họ mới phải chọn cái nghề mưu sinh này. Cùng với đó là cái lối sống tùy tiện trong tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân lâu nay vẫn đang âm thầm, gặm nhấm hủy hoại sự phát triển về văn hóa giao thông...

1
Hành vi gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000. (Ảnh chụp trên đường Trường Chinh - TP Điện Biên Phủ)

 

Theo Điều 8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định:  Nếu xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000.

Nếu chỉ chú trọng vào xử phạt mà không đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng lòng của mọi người khi tham gia giao thông, thì khó mà “xoá sổ” những phương tiện giao thông ẩn chứa đầy nguy cơ tai nạn chết người này.

Chính vì thế, công việc rất quan trọng lúc này cùng với biện pháp mạnh trong việc xử phạt, tịch thu phương tiện, là phải đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, để nâng cao nhận thức cho chính những người đang làm nghề này hiểu được mối nguy hiểm mà họ đang gây ra để không còn những ám ảnh lo sợ cho người tham gia giao thông./.

 

Huy Tuấn
 

.