Phó giám đốc Sở bẻ hoa Mai Anh Đào và chuyện ý thức của người Việt
Yêu hoa, yêu cái đẹp không có nghĩa là phải bẻ hoa, vày vò, hít hà… thì người khác mới biết đó là tình yêu.
Hai hình ảnh được ghi lại trong tuần khiến nhiều người thêm buồn cho ý thức của không ít người Việt.
Hình ảnh thứ nhất: Người phụ nữ bị tố bẻ hoa mai anh đào ở Đà Lạt để chụp ảnh được xác định chính là Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận. Thật bất ngờ và khó tin khi một người là lãnh đạo thực thi công lý lại vi phạm những qui định rất nhỏ trong cuộc sống như vậy.
Hình ảnh bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận cầm một cành hoa đào khiến nhiều người bức xúc. |
Hình ảnh thứ hai, tại Hà Nội, lễ hội hoa hồng Bulgaria được tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thủ đô. Lễ hội này cũng đã nhận được không ít lời chê bai của người đến thưởng lãm. Thế nhưng, những bông hoa hồng kia đã trở nên nhanh chóng kém sắc vì ý thức của chính những người yêu hoa. Dù đã có biển cấm sờ vào hiện vật nhưng nhiều người vẫn bẻ hoa, túm hoa, ngửi… hành hạ đủ kiểu những bông hoa hồng tội nghiệp.
Những hành động trên cho thấy, dù Ban tổ chức có đặt ra qui định “cấm hái hoa” và mức phạt vài trăm ngàn cũng không ngăn được sự tự nhiên, vô ý thức của những người được cho là “yêu cái đẹp”.
Ở lứa tuổi của chúng tôi, thế hệ 8X trở về trước, đều được giáo dục rất tốt các bài học đạo đức. Những bài học ấy không có gì cao siêu, chỉ là những tình huống rất đơn giản trong cuộc sống, đó là chuyện ngồi vào mâm cơm thì mời ai ăn trước; đi ra đường gặp người già thì phải biết giúp đỡ, kính trọng…
Từ khi còn bé, bài học vỡ lòng về ý thức chung đã được thầy cô dạy rất cẩn thận. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ lời bài hát “Thăm vườn hoa, dưới ánh nắng vườn xuân tươi đẹp, em muốn hái một bông hoa hồng nhưng cô dặn em đừng có hái. Bông hoa này là của chung”.
Người phụ nữ bị tố bẻ hoa mai anh đào ở Đà Lạt có lẽ cũng ở thế hệ 6x, 7x nên những bài học đạo đức kể trên chắc chắn đã được dạy, được trải qua. Vậy tại sao lại có chuyện ôm một bó hoa ở nơi “Cấm hái hoa, bẻ cành” để chụp ảnh rồi mang về nhà chưng như chưa có chuyện gì xảy ra?
Có lẽ trong cuộc sống đầy rẫy những hình ảnh thiếu đẹp mắt nhưng ở đây có lẽ chỉ có bà Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận và một số người ý thức kém chẳng may lọt vào ống kính và bị đưa lên mạng. Còn biết bao nhiêu việc làm thiếu ý thức khác mà người Việt sẵn sàng “vượt rào” để thỏa mãn những sở thích cá nhân mà chưa bị cộng đồng phê phán, lên án.
Thực tế, người Việt không phải là một cộng đồng có cách sống bản năng, vô kỷ luật. Bằng chứng là khi ra nước ngoài, với những qui định khắt khe của nước sở tại, người Việt chấp hành rất nghiêm túc. Vậy tại sao, khi ở nước mình, tham gia vào những hoạt động của cộng đồng, ý thức của người Việt lại kém đến vậy? Khi ở những nơi công cộng, những thói hư tật xấu của người Việt lại càng dễ bộc lộ và rất rõ nét. Có thể do chế tài chưa nghiêm, mức phạt chưa thích đáng… nên người ta nhờn luật, không sợ.
Yêu cái đẹp là điều đáng quí, đáng trân trọng nhưng biết tôn trọng cái đẹp, hành xử đúng mực với cái đẹp đó mới là điều quan trọng, đáng lưu tâm. Yêu cái đẹp không phải nhất nhất sở hữu, chiếm hữu, vồ vập, cào cấu, cắn xé… mới thể hiện được tình yêu ấy. Cái đẹp ấy thực sự đẹp và có sức lan toả khi nó nhận được những ứng xử chừng mực và lịch thiệp.
Mức phạt cho những hành vi bẻ hoa, “sờ vào hiện vật” có thể không cao nhưng sự lên án của dư luận, của bạn bè, đồng nghiệp chắc chắn sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Câu chuyện ý thức của người Việt sẽ bớt được nhắc tới nếu mỗi cá nhân biết cách tiết chế bản thân nơi công cộng, chốn đông người để có cách hành xử đúng mực, phù hợp./.
Theo VOV