Làm giầu chính đáng sau những lỗi lầm đã qua
Điện Biên TV - Khi cánh cửa sau song sắt ấy mở ra, chị Quàng Thị Sơn vẫn có một niềm tin và sức mạnh để tìm lại lối về, hơn thế chính những lỗi lầm ngày ấy đã giúp chị vươn lên để có cơ hội tiếp tục sống và cống hiến cho quê hương, bản làng...
Vượt qua chiếc cầu treo bắc qua dòng Nậm Núa hiền hòa, trong cơn gió lạnh tăng cường đột ngột của những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đặt chân vào địa phận bản Co Mỵ, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Đón chúng tôi trong căn nhà nhà sàn khang trang, sạch sẽ, vẫn còn thoảng mùi gỗ mới, vợ chồng anh Quàng Văn Pản và chị Quàng Thị Sơn chia sẻ, cơ ngơi này gia đình anh chị mới vay vốn đầu tư từ hơn 4 năm nay, chỉ nhờ nuôi lợn giống, lợn thịt, nuôi trâu, trồng trọt, tăng thêm gia cầm và đặc biệt nhà chị có hệ thống máy xay xát gạo, trong năm vừa qua thu nhập của gia đình anh chị ước đạt gần 200 triệu đồng.
Chị Quàng Thị Sơn (Bên trái) trong ngôi nhà mới khang trang của mình |
Trước kia, anh Pản và chị Sơn đều là người ở bản Yên Cang, họ lớn lên và cùng quen nhau, rồi sau này, khi chị trở về tái hòa nhập cộng đồng, anh lại cùng chị đưa nhau về Co Mỵ sinh sống. Những điều ấy đối với chị Quàng Thị Sơn là cả một mơ ước khi mà cách đây gần 20 năm về trước chị vẫn đang lao động cải tạo tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, chị đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và thân phận của mình…
Trước kia nhà chị vốn ở bản Yên, từ những năm 90 ấy, cái đói, cái nghèo và cả sự thiếu hiểu biết đã đưa đẩy chị phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, rồi chị bị kết án 7 năm tù giam, vào trại tạm giam Công an tỉnh không lâu chị Sơn chuyển về trại giam Thanh Xuân - Hà Nội thi hành án. Cách đây gần hai chục năm về trước ở cái nơi rẻo cao, heo hút này, đi tù được xem là một chuyện “động trời”. Nhưng nhờ cố gắng cải tạo tốt năm 2000 chị Sơn được tha tù trước thời hạn trở về địa phương sinh sống.
Sau khi trả hết những lỡ lầm sau song sắt, chị Sơn trở về với cuộc sống đời thường cùng mặc cảm về lỗi lầm của bản thân. Thời điểm ấy chị sống xa cách với mọi người và tự coi mình là gánh nặng của gia đình, cũng như người thân. Chị Sơn bươn chải làm đủ mọi việc từ bán măng, bán củi, làm thuê... song chị luôn tâm niệm bản thân sẽ không vi phạm pháp luật thêm một lần nào nữa.
Cơ duyên đến với chị ấy là một nghề không ai làm nhưng có thể đem lại thu nhập ổn định hơn so với các công việc khác, đó là nghề buôn váy của người đồng bào dân tộc Mông sang Lào. Lạ ở chỗ váy chị bán không phải là váy mới mà lại là váy cũ, tuy nhiên việc thu mua váy cũ giá rẻ, với những chỗ rách, hỏng chị khâu vá, làm sạch sau đó xuất sang Lào với giá cao hơn đã giúp chị tích lũy được không ít vốn sau hàng chục năm vất vả xuôi ngược.
Từ việc trở về địa phương với hai bàn tay trắng, vượt qua quá khứ lầm lỗi, vượt qua mặc cảm tự ti, chỉ bằng chăm chỉ lao động, vươn lên làm giàu chính đáng chị Sơn đã có được cơ ngơi khang trang, đủ đầy như hôm nay, đây cũng chính là thành quả của nghị lực và quyết tâm làm lại cuộc đời mà không phải người tái hòa nhập cộng đồng nào cũng làm được. Và hiện nay gia đình chị cũng là hộ gia đình đầu tiên đầu tư kinh doanh hệ thống máy xay xát gạo thóc ở Co Mỵ này. Chị Sơn cũng chia sẻ thêm rằng, khi nhớ lại quãng thời gian đã qua, chị nghĩ chính những lỗi lầm ngày ấy đã phần nào giúp chị vươn lên làm lại cuộc đời.
Đến nay kinh tế gia đình chị Sơn và anh Pản đã vững, con cái học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Đối với chị lúc này không gì hạnh phúc hơn là hàng ngày được nhìn thấy các con khôn lớn bên tổ ấm vững chãi của mình.
Rồi chị cũng tham gia công tác hội phụ nữ, là thành viên của hội cũng đã hơn chục năm. Biết là thật khó bởi không phải ai cũng có nghị lực, quyết tâm và được tin tưởng như chị Sơn song đối với những người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, họ phải đấu tranh với chính mình để vượt qua mặc cảm, tự ti, hơn thế là vượt qua rào cản định kiến của xã hội thì mới có thể vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Sam Mứn có gần 10 phụ nữ chấp hành hết án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Với họ, đây là cơ hội làm lại cuộc đời, sửa chữa những lỗi lầm trước đây để sống có ích cho xã hội. Song tâm lý ai cũng thế, khi trở về sau một thời gian chấp hành án, bản thân mỗi người thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, xa lánh những người xung quanh. Sau khi đã trả giá cho những sai lầm trong quá khứ, cái mà họ cần chính là lòng vị tha, bao dung của cộng đồng để họ tự hoàn thiện mình, hơn thế là không tiếp tục vi phạm pháp luật, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ chăn nuôi lợn, nuôi trâu, trồng trọt, và hệ thống máy xay xát gạo, thu nhập của gia đình anh chị ước đạt gần 200 triệu đồng/năm. |
Sau khi từ Trại giam trở về có thể tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định hay không phần nhiều là do sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân. Bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp người hoàn lương sau khi ra trại vẫn “ngựa quen đường cũ”, bởi vì những con người này không có nghề nghiệp ổn định, thiếu sự quan tâm của gia đình, xã hội.
Do vậy, giúp đỡ, tạo cơ hội cho những người lầm lỡ là việc làm vô cùng cần thiết, để khi trở về địa phương, họ sẽ thuận lợi hơn trong việc tạo lập công ăn việc làm. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo vốn, tạo công ăn việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù, song với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền, đặc biệt sự sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của cả cộng đồng sẽ là cầu nối giúp cho nhiều người hoàn lương như chị Sơn trở về với cuộc sống đời thường có thể tạo lập được cho mình một cuộc sống ổn định hơn./.
Lý Như Quỳnh - Minh Tuấn