Càng tinh giản biên chế, bộ máy Nhà nước càng phình to
Biên chế không những không giảm mà còn tăng do nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, còn nhầm đối tượng nghỉ hưu.
Nghị quyết 39 được Bộ Chính trị ban hành về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện đến nay gần 2 năm. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị vượt so với số được giao. Biên chế không những không giảm mà còn tăng do nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, còn nhầm đối tượng nghỉ hưu.
Việc cơ cấu lại bộ máy Chính phủ tinh gọn hơn theo yêu cầu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực chưa xác định đúng chính xác về chức năng, thẩm quyền của từng bộ. Bởi vậy, tinh giảm biên chế vẫn là bài toán khó, khi càng tinh giảm, bộ máy nhà nước ngày càng phình to.
Báo cáo mới nhất của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương giao là 3,72 triệu người. Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là hơn 3,73 triệu người, vượt 8.743 người so với số được giao. Như vậy, dù có nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị nhưng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế vẫn tăng.
Theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ, các tiêu chí đánh giá kết quả tổ chức bộ máy hành chính cho thấy công tác đánh giá cán bộ rất yếu.
“Nói chung đánh giá không chuẩn, điều rút ra ở đây là đánh giá không dựa trên kết quả thực tế. Đánh giá cán bộ công chức, viên chức thì kết quả làm việc là gì, dựa vào đó đánh giá, trên cơ sở đó rút ra tiêu chí. Bộ Nội vụ cùng các Bộ đánh giá kết quả cải cách tổ chức bộ máy tổng số điểm tối đa 12,5 điểm. Cả nước đánh giá chung 19 Bộ điểm 11,89 điểm, bằng 95,12%. Như vậy điểm rất cao, chứng tỏ bộ máy chúng ta rất ngon lành. Nhưng xã hội vẫn đánh giá là bộ máy vẫn còn cồng kềnh"- Tiến sĩ Duy Hòa nói.
Càng tinh giảm biên chế, bộ máy Nhà nước càng phình to (ảnh minh họa) |
Theo Bộ Nội vụ, đến nay có 20/22 Bộ, ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định đề xuất tăng biên chế. Chỉ có 2 Bộ xin giảm biên chế là Bộ Công thương và Bộ Nội vụ, trong đó Bộ Công thương xin giảm hẳn một tổng cục xuống thành cục. Ngược lại, nhiều địa phương, đơn vị xin tăng biên chế, trong đó nhiều nhất là ở Hà Nội và TP HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Biên chế không những không giảm mà còn tăng có nguyên nhân là do đề nghị tinh giản của nhiều nơi chưa đúng quy trình, đối tượng. Cụ thể, theo quy định, cán bộ công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ theo Nghị định 46/CP nhưng nhiều địa phương “lách” thực hiện theo Nghị định 108/CP để lấy kinh phí. Bộ Nội vụ cho rằng, có 85% đối tượng tinh giản thuộc diện cán bộ chỉ còn 2-3 năm công tác là nghỉ hưu nên chủ trương tinh giản đã nhầm đối tượng.
Dẫn chứng ở nhiều nước trong khối ASEAN chỉ có 15 Bộ, các nước tiên tiến là 12-13 Bộ…, ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam nên sắp xếp lại còn 16 Bộ là hợp lý: "Theo tôi cần tiếp tục cơ cấu lại bộ máy Chính phủ tinh gọn hơn theo yêu cầu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở làm rõ việc của nhà nước, còn việc nào chuyển cho xã hội và doanh nghiệp. Nhà nước không phải làm kinh tế mà chỉ làm chính sách pháp luật và kiểm soát nó thì tự chúng ta tinh giảm được bộ máy".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp lại các Bộ thành các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ. Cơ cấu bên trong các Bộ lại đang có xu hướng phình to hơn và theo đó là tăng thêm biên chế hành chính.
Một số Bộ thực hiện việc sáp nhập với nhau theo hình thức nguyên trạng; những đơn vị trong các bộ cũ, tổng cục cũ, ban cũ hầu như vẫn giữ nguyên, thậm chí cả về tên gọi của một số cơ quan trước đây trực thuộc Chính phủ sau khi đã nhập về bộ. Những hạn chế này dẫn đến tình trạng “Bộ nhỏ trong Bộ to” và bộ máy hành chính trên thực tế không tinh giảm mà càng phình to.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông đề nghị: “Bộ đa ngành đòi hỏi xác định cho đúng chính xác, cho đủ chức năng, thẩm quyền của từng bộ. Thứ hai, phải xử lý cho đúng tương quan giữa bộ, ngành, đặc biệt quan hệ liên ngành. Khi bộ đa ngành thì phải xác định cho rõ để giữ cho tốt quan hệ giữa các bộ đa ngành và bộ đơn ngành thì mới mang lại hiệu quả, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh những việc các Bộ đua nhau quản lý, có những việc chẳng ai quản lý cả".
Như vậy, sau 2 năm, câu chuyện về tinh giản biên chế vẫn là bài toán khó. Biên chế không những không giảm mà còn tăng do nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, còn nhầm đối tượng nghỉ hưu.
Hướng tới một nền hành chính tinh gọn, minh bạch, rõ ràng, làm việc năng động và hiệu quả, cần bắt đầu từ việc xóa các tiền lệ lạc hậu, thiên về tình cảm, xây dựng cơ chế người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra phát sinh biên chế. Đồng thời, phải có chương trình tổng kết Bộ đa ngành một cách căn cơ, nghiên cứu căn bản và sắp xếp, tái cấu trúc lại chức năng nhiệm vụ của các Bộ để đảm bảo đúng nguyên tắc việc chỉ do 1 bộ chủ trì, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh những việc các Bộ đua nhau quản lý trong khi có những việc chẳng ai quản lý./.
Theo VOV