Ngày phát thanh thế giới 2017: Lắng nghe thính giả

Thứ Hai, 13/02/2017, 11:07 [GMT+7]

Phát thanh trao tiếng nói cho thính giả, dù họ là đàn ông hay phụ nữ, người già hay người trẻ, dù họ ở bất cứ đâu.

Thính giả đóng vai trò sống còn đối với phát thanh, đặc biệt trong bối cảnh đa dạng nguồn thông tin với sự bùng nổ của mạng internet cùng truyền thông xã hội. Đó là lý do Ngày Phát thanh Thế giới 2017 lấy chủ đề “Phát thanh chính là BẠN”, nhằm tập trung vào sự tham gia thường xuyên, tích cực của bạn nghe đài vào phát thanh, không chỉ tham gia bằng việc góp tiếng nói của mình trên sóng mà còn có thể tham gia xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển của cơ quan truyền thông. Các đài phát thanh cũng phải lắng nghe thính giả; tạo diễn đàn để họ nói lên quan điểm của họ, nắm bắt được nhu cầu của họ và điều chỉnh sự phát triển của phát thanh cho phù hợp.

x
Một chương trình của VOV


Mỗi đài phát thanh đều phải có những cách riêng không chỉ để “giữ chân” những thính giả trung thành, mà còn thu hút thêm đông đảo các thế hệ thính giả. Một số đài phát thanh đã chia sẻ kinh nghiệm thu hút thính giả thông qua việc xây dựng niềm tin của công chúng, đổi mới cách xây dựng chương trình, nâng cao chất lượng nội dung...  Bên cạnh đó, các đài cũng đề cao tính tương tác với thính giả, để cho thính giả có cơ hội để thể hiện quan điểm của mình, nói lên những điều mình muốn, khiến họ cảm thấy mình có vai trò quan trọng và hơn cả là tiếng nói của họ được lắng nghe.

Đài Phát thanh Rumani là một trong những đài phát thanh đã thành công với chính sách đổi mới này khi vẫn là sự lựa chọn số 1 của thính giả Rumani. Từ khi thành lập năm 1928 tới nay, Đài phát thanh Rumani không chỉ là cơ quan truyền thông uy tín nhất ở Romania, mà còn đi đầu trong việc thu hút thính giả.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Rumani Ovidiu Miculescucho biết: “Các chương trình của chúng tôi xây dựng trên tiêu chí trôn trọng sự thật. Các chương trình được xây dựng tập trung vào sự cân bằng, dựa trên sự độc lập, đáng tin cậy và công bằng để thu hút sự trung thành của thính giả. Chúng tôi cũng không ngừng đẩy mạnh tính liên kết, tương tác của các chương trình phát thanh với sự tham gia của chính các thính giả. Đó là những lý do tới nay Đài phát thanh Rumani vẫn là lựa chọn yêu thích số 1 của thính giả và vẫn đi đầu trong việc thu hút thính giả”.

Không chỉ dừng lại ở các chương trình tương tác, các đài phát thanh cần lắng nghe thính giả của mình về việc họ muốn nghe gì trên sóng và kết nối họ vào các chính sách, kế hoạch chương trình của mình.

Trong bối cảnh nội chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria, việc người dân tiếp cận các phương tiện truyền thông là rất khó khăn, việc các phương tiện truyền thông đưa được thông tin một cách khách quan đến khán thính giả cũng không kém phần gian nan. Lina Chawaf - Tổng biên tập của Rozana FM tin tưởng rằng, mình có thể thành công với một phương tiện truyền thông “cũ” trong bối cảnh các phương tiện truyền thông “mới”, hiện đại đều thất bại.

Rozana FM, được thành lập từ năm 2013 và có trụ sở tại Paris, Pháp, tuy nhiên Rozana FM có tới hàng chục phóng viên ngay trên mảnh đất Syria. Dù là đài hải ngoại, sống nhờ tiền tài trợ của Tổ chức Nhà báo không biên giới, các tổ chức phi lợi nhuận châu Âu và một số cơ quan của Pháp, nhưng các chương trình và các nội dung của Rozana không chịu tác động của các nhà tài trợ. UNESCO cũng đánh giá Rozana là một trong những đài phát thanh đưa thông tin khách quan và độc lập, dám nói thẳng thắn tới những vấn đề bị coi là nhạy cảm ở Syria.

Bà Chawaf cho biết, để làm được điều đó, Rozana FM đã có chính sách kiên định ngay từ đầu: “Rozana được thành lập mới mục đích là tiếng nói của người Xyri. Trải qua 6 năm nội chiến mà chưa có giải pháp chấm dứt, những người dân Syria cần một phương tiện truyền thông nói lên những quan điểm tự do. Vì thế chúng tôi, Rozana FM cảm thấy mình cần phải là một làn sóng của người Syria, để họ bày tỏ những cảm xúc, quan điểm của mình. Như tôi đã nói, với sự kiểm duyệt nội dung, không phải tất cả các vấn đề đều được nói đến một cách rộng rãi, cho dù là khía cạnh dân sự xã hội hay các vấn đề về dân chủ. Và Rozana, là phương tiện truyền thông dám làm điều đó, dám bày tỏ những gì là tiếng nói của người dân Syria. Thính giả cũng cởi mở hơn trong việc góp tiếng nói của mình trên làn sóng phát thanh, bởi không giống như truyền hình khiến họ sợ bị lộ mặt, thì với phát thanh họ có thể giấu mình sau tiếng nói. Đó là lý do họ có thể tự do nói lên quan điểm của mình”.

Theo bà Chawaf, Rozana FM đến được với đông đảo thính giả một phần cũng là nhờ vào việc có nhiều nền tảng. Kết nối với thính giả không chỉ thông qua sóng FM, Rozana còn có cả nền tảng web phát thanh trực tiếp, giao diện website, và Facebook, bên cạnh đó còn có ứng ụng WhatsApp trên điện thoại di động. Thính giả cũng có thể kết nối với Rozana thông qua các ứng dụng như Viber, Skype, hay các trang mạng xã hội Twitter và Facebook, Messenger. Ở đó Rozana lắng nghe tất cả những bình luận, những ý kiến đóng góp để quyết định đưa ra những chương trình phù hợp đáp ứng nhu cầu của chính người nghe.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã đang làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh truyền thông trên phạm vi toàn cầu, trong đó có phát thanh. Đây thực sự là thách thức và cũng là cơ hội trực tiếp với phát thanh. Để thu hút sự tham gia của thính giả, các đài phát thanh cũng cần phải biết các tận dụng công nghệ và truyền thông xã hội – những thứ mà thính giả ngày nay, đặc biệt là các thính giả trẻ và thế hệ thính giả trong tương lai tiếp cận nhiều nhất. Như cách mà Rozana FM đã làm thì dù ở trong thời đại bùng nổ công nghệ số, phát thanh sẽ vẫn khẳng định được vai trò của mình.

Phó Chủ tịch Đài KBS của Hàn Quốc Jun Jin Kuk hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Ông nói rằng, tất cả chúng ta đều biết đến những khó khăn mà phát thanh phải đối mặt trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ. Từng ở vị trí Chủ tịch Ủy ban Chương trình Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á -Thái Bình Dương (ABU), ông có cơ hội đánh giá các loại hình truyền thông, và có thể nói rằng, phát thanh vẫn có độ phủ sóng cao, vẫn đóng vai trò quan trọng và  việc duy trì vị thế này của phát thanh là hoàn toàn nó nằm trong tầm tay của chúng ta.”

Trong thông điệp nhân ngày Phát thanh Thế giới 2017, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO nói rằng, chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng mà cách chúng ta chia sẻ và tiếp cận thông tin đang ngày càng thay đổi sâu sẵc, và trong bối cảnh đó, các đài phát thanh chưa bao giờ năng động, có tính kết nối và quan trọng như hiện nay. Phát thanh cung cấp cho chúng ta một nền tảng lâu dài nhằm đưa các cộng đồng xích lại gần nhau. Trên con đường đi làm, ở nhà, ở văn phòng, ở quảng trường, trong thời chiến hay thời bình, hay trong tình trạng khẩn cấp, phát thanh vẫn là một nguồn quan trọng về thông tin, kiến thức, trải rộng nhiều thế hệ, nhiều nền văn hóa, truyền cảm hứng cho chúng ta về sự đa dạng của nhân loại, kết nối chúng ta với thế giới. Phát thanh trao tiếng nói cho thính giả, dù họ là đàn ông hay phụ nữ, người già hay người trẻ, dù họ ở bất cứ đâu. Phát thanh cũng cần lắng nghe và phản hồi lại các nhu cầu của thính giả để thực sự trở thành người bạn tâm giao của chính những thính giả của mình./.

 

Theo VOV

 

.