Từ 10/1, Hà Nội cắt "lốt" nhà xe không thực hiện chuyển tuyến
Thanh tra giao thông phát hiện, nhắc nhở gần 50 trường hợp nhà xe vi phạm về thực hiện điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách.
Kiên quyết xử lý xe không thực hiện
Tại cuộc họp rút kinh nghiệm sau 5 ngày triển khai kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã giao lực lượng thanh tra giao thông theo dõi, rà soát và xử lý những xe không thực hiện việc điều chuyển và vẫn hoạt động, đón khách trên đường.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Huy Quang cho biết, hiện có 70% nhà xe đã chấp hành kế hoạch điều chuyển luồng tuyến, về hoạt động ở bến mới. Trong đó, Bến xe Gia Lâm đã đón toàn bộ lượng xe điều chuyển theo kế hoạch. Như vậy là vẫn còn 30% số nhà xe “chống lệnh”.
Từ 2/1 tất cả các xe tuyến Thái Bình phải về bến Giáp Bát và Nước Ngầm, nhưng thỉnh thoảng vẫn có xe chạy lên bến Mỹ Đình. Trong ảnh là nhà xe chạy tuyến Thái Bình đang cố chạy tuyến Mỹ Đình trước khi bị xử phạt. |
Theo đại diện Thanh tra giao thông vận tải, vẫn có những trường hợp xe chạy vượt tuyến, chạy xuyên tâm thành phố để đón khách. Các đơn vị đã phát hiện, nhắc nhở hơn 40 trường hợp vi phạm. Trong những ngày tới, thanh tra giao thông tiếp tục tăng cường kiểm soát và phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các trường hợp này.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định: Sở tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động, chuẩn bị phục vụ nhân dân đi lại chu đáo trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Để giúp các doanh nghiệp vận tải khắc phục khó khăn trong thời gian đầu di chuyển, Sở đã yêu cầu các bến xe tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho đơn vị vận tải trong việc ký kết hợp đồng khai thác, bố trí quầy bán vé, điểm đỗ chờ xếp khách, cột biển báo thông tin các tuyến vận tải ở các vị trí dễ nhận biết… Đồng thời, các bến xe cần ưu đãi về giá dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vận tải và người dân. Hạn cuối cùng đối với số nhà xe chưa chuyển bến nói trên là ngày 10/1. Sau ngày này, Sở sẽ yêu cầu các bến xe tại Hà Nội sẽ ngừng tiếp nhận và cắt “lốt” nhà xe.
Luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà xe
Ghi nhận thực tế tại các bến Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát cho thấy, đây là thời điểm các cán bộ, công nhân viên, bảo vệ, an ninh của các bến xe phải hoạt động hết công suất để đảm bảo an ninh, trật tự bến bãi, không gây rối loạn giữa các nhà xe.
Theo ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc bến xe Giáp Bát, so với các bến xe khác, bến Giáp Bát chịu sự điều chuyển ít nhất, nên về cơ bản không có sự xáo trộn sau khi điều chuyển. Cụ thể, bến Giáp Bát “chuyển đi” 82 lượt xe, “nhận về” 20 lượt xe. Các tuyến xe được điều chuyển đến bến Giáp Bát đều chạy tuyến Giáp Bát – Hà Nam.
Là bến xe “nhận vào” nhiều nhất sau lệnh điều chuyển, bến xe Nước Ngầm tiếp nhận mới tới 490 lượt xe liên tỉnh, điều đó đồng nghĩa với việc, bến xe này đang chịu áp lực khá lớn trong việc điều động xe mới, xe cũ, xe liên tỉnh ra vào bến, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe tại bến.
Theo Ban quản lý bến xe Nước Ngầm, đã có 2/3 số xe điều chuyển các tuyến đã về hoạt động ổn định tại bến xe này. Bến xe Nước Ngầm tạo mọi điều kiện cho các xe điều chuyển về đây hoạt đỏng ổn định. |
Tại đây, các tuyến xe mới được điều chuyển từ các bến khác sang đã hòa nhịp với hoạt động chung của bến: Xếp đúng “lốt” đi đúng tuyến, ra – vào nhịp nhàng, không có hiện tượng chèo kéo khách.
Theo Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập, đã có 350/490 “lốt” xe thuộc diện phải điều chuyển khỏi Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm đã chuyển về hoạt động tại đây.
Hiện Bến xe Nước Ngầm đã tổ chức sắp xếp chỗ đỗ chờ để các nhà xe sớm ổn định, đi vào hoạt động. Đối với hơn 100 “lốt” xe vẫn chưa đăng ký hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm, chủ yếu là các tuyến đi Thanh Hóa và Ninh Bình theo lộ trình cũng sẽ hoàn thành việc đăng ký trước ngày 10/1.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiện Bến xe Nước Ngầm đã có cơ chế miễn 100% phí ra vào bến với xe xuất bến không có khách và thu 80% với xe có khách trong 10 đến 15 ngày (tính từ 2/1).
Ông Nguyễn Văn Lập cho rằng, đây là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất của lãnh đạo các bến xe, cũng như các doanh nghiệp vận tải. Riêng với bến xe Nước Ngầm, do tiếp nhận một lượng lớn các lượt xe nên thời điểm này “khá căng” với toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của bến xe. “Chúng tôi làm việc hết công suất, hết sức sao cho không nhà xe nào không có lượt, không xe nào không có khách, không hành khách nào phải lỡ chuyến”, ông Lập cho biết./.
Theo VOV