Thưởng Tết cao nhất 1 tỷ đồng, thấp nhất 50.000 đồng
Người có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất tại một doanh nghiệp ở TP HCM là 1 tỷ đồng; trong khi đó, mức thấp nhất là 50.000 đồng.
Chiều 9/1, tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ LĐTB&XH tổ chức, đại diện Vụ Lao động – Tiền lương cho biết, đến ngày 9/1 đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Bộ, bao gồm 23.495 doanh nghiệp với 3,72 triệu người lao động.
Theo đó, về thưởng Tết Nguyên đán: có 83,5% số doanh nghiệp báo cáo có phương án thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 4,9 triệu đồng), bằng 96% so với năm 2016 (5,1 triệu đồng).
Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 1 tỷ đồng (Ảnh minh họa) |
Người có mức thưởng cao nhất tại một doanh nghiệp dân doanh ở TP HCM là 1 tỷ đồng (doanh nghiệp FDI tại Hải Dương năm 2016 là 624 triệu đồng). Mức thấp nhất là 50.000 đồng/người (tại doanh nghiệp dân doanh ở Bến Tre; tại doanh nghiệp FDI tại các tỉnh Thái Nguyên, Tây Ninh, Hải Dương), so với năm 2016 là “cao” hơn 10.000 đồng (40.000 đồng).
Về thưởng Tết Dương lịch 2017, theo Vụ Lao động – Tiền lương, có 70% số doanh nghiệp báo cáo có phương án thưởng. Mức thưởng bình quân là 1,253 triệu đồng/người, tăng 6,2% so với năm 2016 (1,18 triệu).
Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP HCM là 1 tỷ đồng (năm 2016 cũng tại doanh nghiệp FDI tại TP HCM là 2,028 tỷ đồng). Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất là 30.000 đồng/người (tại doanh nghiệp FDI ở Thanh Hóa), bằng năm 2016.
100 doanh nghiệp nói rõ không có thưởng Tết
Trả lời câu hỏi của báo chí về xu hướng lương tăng, nhưng thưởng Tết lại giảm, trong khi có khoảng 20% chưa có kế hoạch thưởng cuối năm (Tết Dương và Tết Nguyên đán), ông Tống Văn Lai – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương cho biết: Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải chi trả lương đúng, đủ cho người lao động, còn tiền thưởng nói chung và dịp Tết – cuối năm nói riêng, là khoản khuyến khích do hai bên thỏa thuận.
Ông Tống Văn Lai – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương |
Tiền lương tăng là xu hướng chung của toàn cầu, không riêng Việt Nam, tuy nhiên tăng ở mức khác nhau. Năm 2016, trên cơ sở báo cáo điều tra hơn 2.000 doanh nghiệp đã phản ánh chân thực thị trường lao động Việt Nam.
Theo đó, nền kinh tế của Việt Nam có sự chững lại, GDP thấp hơn năm trước; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản lớn (cả năm có 60.667 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 12.470 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 31,8% so với năm 2015).
Lương tối thiểu tăng bình quân 12,4%, nhưng mức tăng tiền lương của người lao động trong năm qua chỉ khoảng trên 7%, thấp hơn so với mức tăng năm 2015 và 2014.
Đối với vấn đề tiền thưởng, ông Tống Văn Lai cho biết, đây là khoản khuyến khích do phía người lao động và chủ sử dụng lao động thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước. Do đó, mức thưởng bao nhiêu, bằng tiền hay sản phẩm hoàn toàn không do luật pháp quy định.
Con số Bộ LĐTB&XH thu thập được là từ những doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, số liệu cũng phản ánh tương đối sát thị trường lao động của Việt Nam hiện nay. Do bối cảnh sản xuất, kinh doanh như vậy thì mức tiền thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch có tăng so với năm ngoái. Nhưng tiền thưởng Tết Âm lịch lại thấp hơn năm 2016.
Đây là con số bình quân, tuy nhiên, con số cao nhất cũng không phản ảnh hết thị trường lao động của chúng ta, bởi trong số hơn 23.000 doanh nghiệp báo cáo chỉ có 1 người được hưởng mức 1 tỷ đồng, cho nên có thể nhận thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa mức cao nhất và thấp nhất. Do đó, nên nhìn nhận ở con số bình quân thì sẽ thấy được bức tranh tổng thể của thị trường lao động năm qua.
“Khoảng 17% doanh nghiệp còn lại nói rằng chưa có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán. Khoảng 100 doanh nghiệp nói rõ là không có thưởng Tết, bởi tiền lương của họ cũng đang gặp khó khăn, cố gắng chi trả lương cho người lao động vào dịp này cũng đã tốt rồi” – ông Tống Văn Lai nói thêm./.
Theo VOV