Tạo những thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài
Điện Biên TV - "Thành tựu của phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh luôn có sự đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ." - Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", do Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức vào sáng 4/1, tại Hà Nội.
Tham dự tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một số ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), năm 2016, Bộ đã kịp thời tham mưu ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung.
Hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.
Điểm cầu tỉnh Điện Biên |
Các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được chú trọng quan tâm, trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1 - 2% so với năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30 - 40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu chọn, tạo được trên 100 giống cây trồng mới. Các kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thông qua các hoạt động KH&CN, các Viện nghiên cứu, Tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120m (Tam Đảo 05) - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam.
Các đề án lớn, phát triển công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Ở Điện Biên, trong năm 2016, hoạt động KH&CN, công tác quản lý nhà nước về KH&CN của tỉnh được tổ chức thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch xây dựng, đã có những bước chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đã có sự gắn bó chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiêp, nông nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, kết quả các đề tài khoa học về xã hội và nhân văn... được triển khai đã góp phần tạo ra các luận cứ, luận chứng, cơ sở lý luận và thực tiễn để hỗ trợ công tác hoạch định chủ trương, chính sách của tỉnh.
Tại hội nghị đã có 11 ý kiến tham luận, trong đó có 5 bộ, ngành và 6 địa phương nhằm làm rõ hơn kết quả mà ngành KH&CN đạt được trong năm 2016; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong năm 2017.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thành tựu của phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh luôn có sự đóng góp quan trọng của KH&CN. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra 5 yếu tố để KH&CN phát triển gồm: Thể chế, cơ chế, môi trường gắn với yếu tố văn hóa; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng và năng lực hội nhập quốc tế với các nước; ngoài ra còn yếu tố quan nữa đó là năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ ra một số nhiệm vụ mà ngành KH&CN cần phải thực hiện tốt đó là: Tạo những thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào và những nhà khoa học ở nước ngoài có nguyện vọng cống hiến kinh nghiệm, năng lực cho quê hương đất nước; đảm bảo năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền và tài sản, quyền sở hữu trí tuệ; rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ KH&CN để xây dựng kế hoạch chiến lược; nghiên cứu KH&CN gắn với thị trường; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN...
Diệp Xuân