Nới lỏng chính sách sinh con: Đừng để đất nước quá ít trẻ em

Thứ Tư, 11/01/2017, 18:22 [GMT+7]

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan: Đề xuất nới lỏng chính sách sinh con phải vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, tránh tình trạng đất nước quá ít trẻ em.

Trước đề xuất của Bộ Y tế về việc các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng, Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về thắt chặt hay nới lỏng chính sách dân số.

Bởi số lượng con của mỗi cặp vợ chồng còn liên quan đến đến định hướng dân số và nhân lực của đất nước trong nhiều năm tiếp theo; phụ thuộc vào tỷ suất sinh, tỷ suất chết…
 

1
Ngành Y tế đề xuất nới lỏng chính sách sinh con


Đi theo đó là những chính sách liên quan đến an sinh xã hội trong từng thời kỳ, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có trách nhiệm tham mưu cho phù hợp với các đối tượng như trẻ em, người nghèo, gia đình, hộ nghèo… Do đó, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để có sự tham mưu cho phù hợp.

“Điều này cần được các nhà khoa học, chuyên môn tư vấn kỹ càng khi đề ra chính sách cho từng giai đoạn. Việc này phải vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, tránh được việc chúng ta trong nhiều năm nữa sẽ như Nhật Bản – trẻ em ít quá” – bà Đào Hồng Lan nói.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: “Về phía quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, quan điểm của chúng tôi đã được thể hiện trên các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 đã được Quốc hội thông qua.

Chúng tôi khẳng định, số lượng con của một cặp vợ chồng phải gắn liền với trách nhiệm, năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trước hết là của cha mẹ, thực hiện các quyền của trẻ em. Khi nghiên cứu đến các chính sách tác động đến trẻ em, cần cân nhắc điều này”.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực từ 1/6/2017), quy định bất kỳ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến trẻ em, ở cấp Chính phủ phải có ý kiến tham gia của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý chung của Nhà nước về lĩnh vực trẻ em; liên quan đến Quốc hội thì có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Trước đó, trong Dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con.

Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Phương án 2 là tiếp tục quy định như hiện hành.

Cũng theo Bộ Y tế, thời gian tới mức sinh có khả năng biến động khó lường. Vì thế, không khuyến khích, vận động sinh đông con, nhưng cũng không khuyến khích vận động các gia đình sinh 1 con hoặc không sinh con.

Mục tiêu là duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số nước ta không quá 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 triệu đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ 21./.

 

Theo VOV
 

.