Những mảnh đời sợ... Tết

Chủ Nhật, 15/01/2017, 09:19 [GMT+7]

Những người lao động nghèo đang chạy đua với thời gian còn lại của năm cũ, mong kiếm thêm được chút tiền để trang trải cho cái Tết.
 

1
Nhiều mảnh đời mưu sinh ở chợ Long Biên. (Ảnh Vietnamnet)


Có sức lao động mà không bán được

Chợ Long Biên là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, nơi tập trung nhiều lao động tự do. Mỗi ngày có hàng trăm xe hàng chở các loại hoa quả từ các tỉnh về đổ cho thương lái, rồi đem tiêu thụ khắp nội đô. Những ngày cuối năm, lượng hàng hóa đổ về chợ đầu mối càng lớn. Đây cũng là lúc lao động tự do bán sức lao động để kiếm tiền trang trải Tết. Một ngày làm việc của những “cửu vạn” này thường bắt đầu từ 21h đêm đến 6h sáng hôm sau. Mỗi thùng hàng, tùy theo kích thước, trọng lượng được các thương lái trả công từ 4.000 - 10.000 đồng.

Vào một đêm nhiệt độ Hà Nội giảm sâu, chợ đầu mối hoa quả Long Biên chưa hoạt động vì xe tải trên 1,25 tấn chưa được phép vào nội đô. Đưa mắt nhìn quanh, không khó để nhận ra các anh, các chị là “phu kéo”, “phu gánh”, kẻ đứng, người ngồi. Có những người tựa lưng vào bờ tường, tranh thủ chợp mắt lấy sức cho cuộc “chiến” cơm áo gạo tiền đêm nay.

Anh Khải, quê Thanh Hoá, tâm sự: “Ở chợ đầu mối Long Biên có trên dưới một trăm lao động cửu vạn từ các tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình… đến đây gánh vác thuê cho các tiểu thương buôn hoa quả. Người có mối hàng thân quen, lượng hàng lớn thì “tậu” xe kéo, mỗi chuyến chở 10 - 15 thùng được trên dưới 100 nghìn đồng/ngày. Người không có mối lớn thì làm đôi quang gánh chờ người thuê. Mọi năm kinh tế khá, nhu cầu tiêu dùng của người dân nhiều, đám cửu vạn có nhiều việc. Năm nay, kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm sút, hàng về ít kéo theo công việc ít. Bởi vậy, chi tiêu tằn tiện lắm, mỗi tháng cũng chỉ gửi về quê 2 triệu đồng là nhiều”.

Khu vực Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, nơi tập trung hàng chục lao động tự do ngoại tỉnh với lỉnh kỉnh những quang gánh, xà cày, xẻng... Những đôi mắt chăm chú dõi theo dòng người qua lại, mong tìm được trong ấy một “ông chủ”, “bà chủ”. Dù nắng hay mưa, ấm áp hay giá rét, từ tờ mờ sáng, những lao động tự do này đã ra đây đứng chờ cho đến tối mịt mới chịu về nhà trọ ở khu “ổ chuột” để nghỉ ngơi.

Thân hình vạm vỡ, nước da cháy sạm vì sương gió, anh Thắng 40 tuổi (Nam Định) có thâm niên chờ việc 8 năm ở đây chia sẻ: “Mọi năm, những tháng cuối năm, nhiều công trình gấp rút hoàn thiện để bàn giao nên chúng tôi được thuê để dọn dẹp, bốc vác phế thải vật liệu xây dựng... Mỗi ngày cũng kiếm được 150.000 - 200.000đ. Hơn nữa, công việc cũng đều đều cả tuần nên thu nhập ổn định. Năm nay, kinh tế khó khăn, nhiều hôm cả ngày chờ việc mà không có ai đến thuê”.

Khu chợ lao động ở Kim Ngưu, Hà Đông, Giảng Võ… cũng chung cảnh ngộ đìu hiu như vậy. Ngay từ sáng sớm, người lao động đã tập trung chờ việc, nhưng số người thuê thì hiếm hoi, mà người chờ việc thì “đông như quân Nguyên”. “Khổ lắm, thời buổi khó khăn, việc thì ít mà dân lao động ngoại tỉnh ra đây đi kiếm việc ngày càng nhiều, đúng là thất nghiệp ra đứng đường cũng không có việc để bán sức” - anh Tùng, Vĩnh phúc than thở.

Sợ “Tết”... hơn sợ ốm

Tết Nguyên đán đã cận kề. Nhà nhà, người người đang lo sắm Tết, nhưng với những lao động tự do tại các “chợ người”, những người bán hàng rong, hay những chị nhặt rác ngày đêm bới tìm trong đống rác hôi thối những thứ có thể bán ra tiền... đang chạy đua với thời gian còn lại của năm cũ, những mong kiếm thêm được chút tiền để trang trải cho cái Tết. Chỉ một bộ quần áo mới cho con diện ngày Tết, gói bánh, gói kẹo nhỏ thôi... nhưng dường như mong ước đơn giản ấy cũng trở nên khó thực hiện hơn trong thời buổi khó khăn này.
“Làm cả năm còn không đủ ăn, Tết đến nhiều khoản phải chi tiêu, các khoản vay mượn hàng xóm trong năm đến cuối năm phải trả... Tết đến, sợ lắm!” - chị Thuý, quê Hoà Bình, buôn bán đồng nát cho biết. Những người lo và “sợ Tết” như chị Thuý không phải là hiếm. Nhưng càng “sợ” Tết, họ càng cố bám trụ lại Hà thành đến cận Tết để mong kiếm được đồng nào hay đồng nấy.

Chị Liên, quê Thái Bình, đang chờ việc ở chợ lao động Kim Ngưu cho biết, năm nay ít việc hơn mọi năm, thu nhập kém, từ sáng đến giờ vẫn chưa có ai thuê làm. Mong những ngày cận Tết sẽ có người thuê dọn dẹp nhà cửa, chị Liên còn muốn họ trả tiền công “thoáng” hơn ngày thường nên cố ở lại đến chiều 30 Tết. Chị nói mà như an ủi bản thân: “Mình nghèo nên ăn cái Tết của người nghèo, cũng có nồi bánh chưng, cân thịt, ít bánh kẹo và mua cho con một manh áo. Hy vọng sang năm, kinh tế khá hơn, mình cũng có nhiều việc làm thì sẽ ăn Tết to hơn”.

Trời ngả tối, đèn đường đã bật sáng, dòng người hối hả trở về nhà, quây quần bên mâm cơm ấm cúng sau một ngày làm việc. Đâu đó, nơi đầu cầu, góc chợ hay trên những vỉa hè, những người lao động tự do co ro trong cái lạnh của đợt gió mùa đông bắc mới tràn về, cố chờ đợi người đến mua sức lao./.

 

Theo VOV   

.