Những đổi thay bên dòng Đà Giang
Điện Biên TV – Với việc xây dựng và vận hành nhiều dự án thủy điện trên sông Đà trong thời gian qua, Tây Bắc đã trở thành trung tâm thủy điện của cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong nguồn cung của hệ thống điện quốc gia. Thành quả đó có sự đóng góp, hy sinh to lớn của cộng đồng dân cư đã đồng lòng, đồng sức di chuyển nơi ở, dành đất cho các dự án thủy điện. Ngày nay, Tây Bắc với những diện mạo đổi thay, đời sống nhân dân các dân tộc có những bước phát triển mới, như những rừng hoa rực rỡ giữa đại ngàn.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy thủy điện Lai Châu góp phần khẳng định vị thế của thủy điện vùng Tây Bắc. |
Sông Đà có tiềm năng thủy điện lớn nhất nước ta với trữ năng kinh tế và công suất lớn trong tổng trữ năng, công suất của hệ thống thuỷ điện quốc gia. Trên dòng chính sông Đà, nhiều công trình thủy điện lớn đã được xây dựng: Thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La và thủy điện Hoà Bình. Góp phần cung cấp điện năng không chỉ riêng khu vực Tây Bắc mà còn đảm bảo cung ứng điện năng cho cả quốc gia.
Không phải con sông Đà hung dữ, vượt sông cũng chẳng phải vượt ghềnh thác, qua các cửa ải sinh, tử như “Người lái đò sông Đà” năm xưa, kể từ ngày các hệ thống thủy điện lớn được xây dựng, sông Đà trở thành vùng nước mênh mông với khung cảnh kỳ vỹ, hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Ngồi trên thuyền chạy dọc Đà Giang, giữa cái nắng và gió, có thể được tận mắt ngắm cảnh tuyệt đẹp, nước sông xanh biếc, rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, thấp thoáng những ngôi nhà sàn lợp ngói màu tro xám, tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Sau 15 năm thực hiện, Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động, vượt tiến độ 3 năm. Để có được điều đó, hơn 20.340 hộ và 93.201 đồng bào thuộc 248 bản, 31 xã trên địa bàn 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La đã phải di dời đến nơi ở mới. Thấy được những đổi thay của bản làng tái định cư bên dòng Đà Giang hôm nay, tự hào thay những tâm huyết, mồ hôi, công sức của hàng vạn con người đã chinh phục thiên nhiên, tạo nên kỳ tích vĩ đại ấy.
Người dân xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên phát triển sau tái định cư thủy điện Sơn La. |
Với mục tiêu tất cả vì dòng điện của Tổ quốc, hàng nghìn hộ dân của Thị xã Mương Lay đã nhường đất cho công cuộc xây dựng thủy điện. Sau công cuộc di dân ấy, Mường Lay hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, một diện mạo mới, một thị xã hiện đại đang dần được hình thành. Chạy dọc sườn sông Đà, con đường xam xám màu chì mềm như dải lụa, với những “phố nhà sàn” lợp ngói đá, mái sát mái, ken dày, trải dài hai bên bờ, vắt mình soi bóng xuống mặt hồ. Từ khi công trình thuỷ điện Sơn La được hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao khoảng 213m, diện tích rộng chừng 100ha đã tạo ra cho Mường Lay một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, trên là núi, dưới là hồ. Trên mặt hồ điểm xuyết những con thuyền đánh cá, thuyền đưa du khách ngược xuôi. Mường Lay, "thị xã nhỏ như cúc áo cài trên ngực đất nước" đang cất lên khúc khải hoàn trên dòng Đà Giang, một khúc ca mộng mơ, quyến rũ và hoang sơ của núi rừng.
Sẽ thật thiếu sót nếu như trải nghiệm vùng hồ mà “quên” thưởng thức cá sông Đà. Nhiều người “sành” ăn có sở thích tìm kiếm, săn lùng cá sông Đà, dẫu đắt mấy cũng mua. Có người rình phục tận thượng nguồn sông Đà tìm mua những con cá quất, cá lăng, cá (tiến vua) anh vũ... của dân làng chài. Có thể thấy, từ khi xây dựng các công trình thủy điện, nền kinh tế mới đã và đang được hình thành, nguồn sinh kế cho hàng vạn người dân cũng từ đó mà thành.
Mới đây, công trình Thủy điện Lai Châu đã được hoàn thành và hoà vào hệ thống điện Quốc gia sau gần 6 năm thi công. Sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của người dân là một trong những điều kiện cốt lõi dẫn đến việc hoàn thành công trình trước 1 năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung, làm lợi cho Nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng. Để xây dựng nhà máy trên bậc thang cuối cùng của sông Đà, hơn 2.000 hộ dân địa phương đã được di chuyển về 18 khu, 35 điểm tái định cư. Với sự đầu tư đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm, đến nay đời sống của bà con tại nơi ở mới đã dần ổn định. Hy vọng về cuộc sống mới đổi thay, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang rộng mở.
Cùng với các nhà máy thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, Điện Biên, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Phát triển thủy điện góp phần mang thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo tồn các hệ sinh thái, cung cấp một nguồn năng lượng sạch, góp phần vào phát triển bền vững, sử dụng nước đa mục tiêu, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện công bằng xã hội... Để đảm bảo giữ nước cho các công trình thủy điện, nhiều dự án trồng rừng “vĩ mô” đã được người ta nghĩ đến. Từ đó, người dân có thêm một khoản thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn.
Trên tất cả, nhìn những bản làng vùng cao hôm nay có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ánh điện chiếu sáng xua đi những tăm tối nơi núi rừng đại ngàn, mới thấu được giá trị to lớn mà các công trình thủy điện mang lại. Sông Đà đã không phụ lòng người vẽ nét “chuyển mình” lên nó. Chúng ta đã hoàn thành công cuộc trị thuỷ sông Đà, tạo ra bước ngoặt trong đời sống kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc nói riêng, của cả nước nói chung. Và điều quan trọng hơn, chúng ta đã "thắp sáng niềm tin” trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đã đặt đúng chỗ. Niềm tin của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng đã được đền đáp xứng đáng.
Hà Thuận