Ngày Tết ông Công, ông Táo ở thành phố Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 21/01/2017, 09:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đã thành phong tục, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, (ngày Táo quân Chầu trời) người dân Việt Nam nói chung và người dân thành phố Điện Biên Phủ nói riêng lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một nét đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và giữ gìn từ bao đời nay.

c
Năm nay, do nguồn cung có hạn nên giá các loại cá chép đỏ tăng so với cùng kỳ năm trước.

 

Ngay từ sáng sớm hôm nay, 23 tháng Chạp, các lễ vật để cúng ông Công, ông Táo như cá chép đỏ, đồ hàng mã quần áo đã được bày bán với số lượng lớn tại các chợ trung tâm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Được biết, năm nay do nguồn cung có hạn nên giá các loại cá chép đỏ tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá bán trung bình từ 10 – 20 nghìn đồng/con, cá to vừa phải có giá 50 nghìn đồng/con. Là phong tục truyền thống mang ý nghĩa tâm linh, vừa là một hoạt động tín ngưỡng nhằm cầu mong cho bản thân, gia đình một năm mới nhiều may mắn, do vậy dù mức giá cá chép đỏ tăng khá cao nhưng lượng người mua tại các khu vực chợ trên địa bàn thành phố vẫn rất đông; không đắn đo, do dự.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Tổ dân phố 9, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: "Gia đình tôi mua cá chép đỏ về để cúng ngày 23 tháng Chạp, vì theo quan niệm dân gian, cá này là "phương tiện đi lại chính" của ông Táo trong ngày này. Mặc dù năm nay giá cá cao hơn so với mọi năm nhưng tôi vẫn mua, vì đây là phong tục đẹp của người Việt ta."

f
Người dân ném tro hóa vàng từ trên cầu Thanh Bình xuống sông Nậm Rốm

 

Sau khi cúng xong, người dân trên địa bàn thành phố thường đem cá đến thả tại khu vực hồ Tỉnh ủy và sông Nậm Rốm. Nhiều năm qua, một thực trạng tồn tại là sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, tại những điểm người dân đến thả cá phóng sinh đều tràn ngập rác, túi ni lông, chân hương, tro hóa vàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận trong ngày ông Công, ông Táo năm nay thực trạng này đã được hạn chế. Để có được kết quả đó, ngay từ 8 giờ sáng, các đoàn viên, thanh niên của trường THPT Lương Thế Vinh đã tổ chức chương trình “Hỗ trợ nhân dân thả cá phóng sinh – thu gom rác thải bảo vệ môi trường” tại khu vực cầu Thanh Bình.

Anh Bùi Đình Phúc, Đoàn trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: "Đoàn trường THPT Lương Thế Vinh muốn chung tay xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp và giáo dục các học sinh một suy nghĩ, một ý thức là phải biết giữ gìn vệ sinh môi trường."

f
Đoàn viên, thanh niên trường THPT Lương Thế Vinh đã tổ chức chương trình “Hỗ trợ nhân dân thả cá phóng sinh – thu gom rác thải bảo vệ môi trường” tại khu vực cầu Thanh Bình.

 

Phong tục thả cá phóng sinh ngày tết ông Công, ông Táo vốn là nét văn hóa riêng của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người dân, nhiều hộ gia đình bên cạnh việc làm lễ cúng tại gia đình để gìn giữ truyền thống cũng đã nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường khi thả cá phóng sinh. Tuy nhiên, vẫn còn có một số người chưa ý thức được việc làm của mình, khi thả cá phóng sinh đứng trên thành cầu ném túi đựng cá và chân hương, tàn tro xuống lòng sông, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước./.

 

Nguyễn Hằng – Chí Công
 

.