Hà Nội: Không để nhà xe bỏ bến có cơ hội chạy dù, bắt khách dọc đường

Thứ Năm, 12/01/2017, 11:19 [GMT+7]

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: không để cho các nhà xe bỏ bến có cơ hội chạy dù, bắt khách dọc đường.
 
Theo kế hoạch phân luồng tuyến xe khách liên tỉnh của Sở GTVT Hà Nội, đến 10/1, các nhà xe phải hoàn thành việc chuyển sang bến mới. Sau ngày 10/1 các nhà xe chưa chuyển về bến mới theo quy định sẽ bị cắt slot, chạy sai luồng tuyến sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Ghi nhận trong ngày 11/1, tại một số bến xe của Hà Nội như: bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa…mọi thủ tục chuyển và tiếp nhận các nhà xe đã hoàn tất, nhưng bến xe Nước Ngầm vẫn còn 30% nhà xe (312/440) trong diện điều chuyển chưa đăng ký vào bến hoạt động.

1
Nhiều nhà xe thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm vẫn đưa xe đốn trả khách gần bến Mỹ Đình.


Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra giao thông Hà Nội cho biết, về cơ bản các xe trong diện điều chuyển đã chấp hành tốt.

“Tuy nhiên, hiện vẫn còn trường hợp vượt tuyến bỏ bến Nước Ngầm đi lên Mỹ Đình, có trường hợp lực lượng thanh tra hướng dẫn đi đúng hướng tuyến về lại bến Nước Ngầm, tuy nhiên sau đó có quay về hay không thì rất khó xác định. Chúng tôi đang phối hợp với Phòng vận tải của Sở để biết chính xác và xử lý”, ông Hải cho biết thêm.

Theo ông Hải, kế hoạch thì bắt đầu từ ngày 10/1 Thanh tra sở phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp xe khách cố tình đi sai hành trình theo quy định. Trước mắt sẽ xử lý dừng đỗ sai quy định và sẽ làm kiên quyết. Nhưng trước đó chúng tôi đã phối hợp với CSGT tuần tra xử lý những trường hợp còn chưa chấp hành.

Xử lý nghiêm nhà xe không chấp hành

Chiều 11/1, trao đổi báo chí, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết ông có nghe báo cáo về việc các nhà xe không chịu chuyển đến bến Nước Ngầm mà chạy dù, bắt khách ở bến cóc.

“Tôi khẳng định các nhà xe bỏ bến chắc chắn không thể nào chạy dù được. Sở chỉ đạo Thanh tra giao thông ra quân tăng cường kiểm tra, rà soát trên các tuyến đường. Sẽ xử lý nghiêm xe dù, bến cóc”, ông Viện khẳng định.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc xử lý xe dù, bến cóc không chỉ là quyết tâm của Sở mà đó còn là chủ trương của UBND Hà Nội. Sau khi thực hiện điều chuyển luồng tuyến, việc không vào bến là quyền của các nhà xe. Sáng nay, Sở đã yêu cầu lập danh sách các nhà xe không chuyển sang bến mới.

“Các nhà xe đã tự từ chối quyền lợi của mình. Sau ngày 10/1, bến xe được phép không tiếp nhận các nhà xe vào bến”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Thu phí ở bến Nước Ngầm là đúng quy định

Theo phản ánh của một số nhà xe, lý do họ không chịu vào bến Nước Ngầm là do bên đó giá dịch vụ cao gấp nhiều lần bến khác, tuyến mới lại không có khách. Hơn nữa bến lại bố trí bãi đỗ bên ngoài gây khó khăn cho các nhà xe hoạt động.

“Ở bến xe Mỹ Đình, số tiền dịch vụ xuất bến chỉ hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên số tiền tương ứng ở Nước Ngầm là gần 200.000 đồng, chưa kể tiền gửi xe. Hơn nữa, bến Nước Ngầm nằm trên đất thuê lại, sau này chủ đầu tư đòi lại thì các nhà xe phải ra đường”, một nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa cho biết.

Thậm chi có nhà xe còn lo ngại, đất bến xe Nước Ngầm đi thuê nên nếu đơn vị cho thuê lấy lại đất xây cao ốc thì các nhà xe sẽ bị đẩy ra đường. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lâu dài của DN.

1
Bến Nước Ngầm đã hoàn thiện và sẵn sàng tiếp nhận các xe về theo sự sắp xếp luồng tuyến mới của TP Hà Nội.


Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Lập cho biết, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết: “Theo kế hoạch, bến Nước Ngầm sẽ tiếp nhận 440 slot xe chủ yếu từ bến Mỹ Đình và Yên Nghĩa vầ hoạt động. Tuy nhiên, theo thống kê đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 30% nhà xe chưa chuyển (312/440), chủ yếu xe khách chạy tuyến Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Thái Bình. Chúng tôi đã báo cáo lên Sở GTVT có hướng xử lý”.

Ông Lập khẳng định, những lo lắng của các nhà xe là không có căn cứ, vì hiện nay toàn bộ diện tích hơn 18.000 m2 bến xe sử dụng đã được Công ty mua toàn bộ và đã được cấp sổ đỏ. Do vậy các nhà xe hoàn toàn có thể yên tâm hoạt động ổn định lâu dài.

Còn việc đưa xe ra ngoài bãi đỗ riêng, ông Lập lý giải đây chỉ là giải pháp tạm thời để hoàn thiện phương án sắp xếp trong bến một cách khoa học. Phương án này các bến xe khác cũng đã và đang làm để không ảnh hưởng đến hoạt động trong bến.

Ông cũng khẳng định, bến xe không thu quá mức giá dịch vụ vào bến theo quy định của UBND TP Hà Nội mà chỉ thu tiền xe ra vào bến và dịch vụ hỗ trợ. Các khoản thu được ghi rõ trong hợp đồng vận tải hành khách.

Theo quy định của UBND Hà Nội, bến xe nhà nước được phép thu mức giá tối đa đối với tuyến vận tải có cự ly dưới 150 km là 1.724 đồng/ghế; 2.070 đồng/ghế đối với cự ly từ 150 đến 300 km; 2.760 đồng/ghế cự ly trên 300 km.

Còn đối với bến xe tư nhân, bến xã hội hóa thì mức thu tối đa ở cự ly dưới 100 km là 3.400 đồng/ghế, cự ly từ 101 đến 150 km là 3.800 đồng/ghế; cự ly từ 151 đến 300 km là 4.000 đồng/ghế; cự ly 301 đến 500 km là 5.000 đồng/ghế…

Việc môt số nhà xe mới chuyển về phản ánh bến Nước Ngầm thu giá vào bến cao theo ông Lập là chưa có cơ sở. Bởi, thực tế các xe mới điều chuyển về thời gian đầu bến đang có chính sách chia sẻ khó khăn với từng tuyến.

Riêng các tuyến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa bến chưa thu tiền ra vào bến cũng như các dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đối với các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh bến xe cũng chỉ thu 80% tiền dịch vụ bến ngoài ra không thu thêm khoản nào khác./.

 

Theo VOV
 

.