Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé, Mường Ảng và Nậm Pồ
Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên tiếp tục đăng tải tổng hợp trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tới cử tri TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé, Mường Ảng và Nậm Pồ.
VI. SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
1. Cử tri phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ kiến nghị: UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đến Điện Biên đầu tư, nhằm giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trong độ tuổi, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm.
Trả lời: (VB số 1343/SKHĐT-TH, ngày 19/9/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư)
Việc kiến nghị của cử tri phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày 14/7/2014, UBND tỉnh Điện Biên ban hành quyết định số 529/QĐ –UBND, ngày 14/7/2014 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 529/QĐ –CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ, những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 11/CT –TTg, ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về giải quyết khó khăn vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy SXKD của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH đến năm 2015;
Ngày 09/3/2015 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 176/QĐ - UB về việc phê duyệt đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Điện Biên.
Ngày 03/7/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 548/QĐ-UBND về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQW-CP, ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016.
Ngày 23/6/2016 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1805/CTr-UBND về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ - CP, ngày 16/5/2016 của chính phủ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Ngày 09/06/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1636/CTr -UBND về chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, ngày 28/4/2016 của Chính phủ, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ngày 06/7/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 875/QĐ - UBND về Chương trình hành động hội nhập quốc tế về thực hiện quyết định số 40/QĐ -TTg, ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ngày 21/4/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1048/CTr –UBND về chương trình hành động nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Điện Biên năm 2016 của UBND tỉnh Điện Biên.
Trong tháng 9/2016, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) soạn thảo nội dung cam kết của tỉnh Điện Biên về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào tỉnh Điện Biên được hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên, như: Được hưởng các ưu đãi về thuế (thuế TNDN, miễn thuế, giảm thuế, ưu đãi về nhập khẩu, ưu đãi về sử dụng đất); được hỗ trợ đầu tư (hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tín dụng đầu tư, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng); về thủ tục đầu tư (giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư (7 ngày), cấp giấy chứng nhận đầu tư (20 ngày) được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, nhà đầu tư chỉ cần làm việc trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên để nhận giấy chứng nhận đầu tư và triển khai các thủ tục thực hiện dự án trong thời gian nhanh nhất.
Kết quả thu hút đầu tư và tạo việc làm trong thời gian qua:
Đến thời điểm tháng 9/2016, tỉnh Điện Biên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho 113 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 17.300 tỷ đồng. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh Điện Biên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư là 1.705 tỷ đồng. Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 6.000 lao động địa phương trong vùng dự án.
Đến nay đã có 44 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, tổng vốn đầu tư là 3.500 tỷ đồng, như: 03 dự án thủy điện (nhà máy thủy điện Nậm He, nhà máy thủy điện Nậm Mức - tổng công suất là 64,4 MW); Nhà máy xi măng Điện Biên công suất 400.000 tấn/năm; khu du lịch sinh thái Him Lam 90 phòng ngủ và các khu vui chơi giải trí; khách sạn Mường Thanh 150 phòng ngủ… Đến năm 2016 có khoảng 40.600 lao động làm việc trong 1.150 doanh nghiệp, trong đó có 9.800 lao động làm việc từ 3 tháng trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp là 6.000.000đ trở lên. Dự kiến có 37.750 lao động tham gia đóng BHXH.
Song do địa bàn xa các trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn và thiếu tính đồng bộ, trình độ nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; thị trường tiêu thụ hạn chế, chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) các năm gần đây không ổn định luôn ở mức thấp và trung bình (năm 2011 tỉnh Điện Biên đứng thứ 29/63 tỉnh, năm 2012 là 63/63 tỉnh, năm 2013 là 43/63 tỉnh, năm 2014 là 63/63 tỉnh, năm 2015 là 53/63 tỉnh, thành trong cả nước) nên việc thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua còn rất khó khăn.
Để công tác thu hút trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, với tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh Điện Biên còn rất lớn, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhất quán phù hợp với quy định của Chính phủ và điều kiện thực tế của địa phương, nhằm tạo điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi hơn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành, các huyện, thị xã trong thành phố và sự phối hợp tốt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hy vọng Điện Biên sẽ là điểm đến hấp dẫn và là sự quan tâm đầu tiên của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư với những dự án có tính khả thi cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho lực lượng lao động trẻ, nhằm ổn định cuộc sống và xóa đói giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
2. Cử tri huyện Mường Nhé kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn huyện Mường Nhé còn 267 phòng lớp tạm. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm tiếp tục đầu tư.
Trả lời: (VB số 1776/SKHĐT- VX, ngày 18/11/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư)
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tính đến đầu năm học 2016-2017, số phòng học tạm trên địa bàn tỉnh nói chung còn 20,8% trên tổng số phòng học toàn tỉnh (1.522 phòng học tạm), trong đó, riêng huyện Mường Nhé chiếm 17.5% tổng số phòng học tạm toàn tỉnh. Do đó, nhu cầu đầu tư phòng học kiên cố theo kiến nghị của cử tri huyện Mường Nhé là chính đáng. Trong năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 06 dự án đầu tư xây dựng 26 phòng học các cấp và một số hạng mục khác như (nhà ban giám hiệu, nhà nội trú, công vụ giáo viên….) trên địa bàn huyện Mường Nhé bằng các nguồn vốn: QĐ 79/TTg, trái phiếu Chính phủ, CĐNĐP, với tổng cộng mức vốn đầu tư ước tính là 21.300 triệu đồng.
Trong thời gian tới, căn cứ vào khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng kiên cố các phòng học để từng bước đáp ứng nhu cầu học tập đảm bảo chất lượng cho học sinh trên địa bàn huyện Mường Nhé.
VII. ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH
Cử tri xã Búng Lao huyện Mường Ảng kiến nghị: Ngoài chương trình truyền hình tiếng Thái, tiếng Mông như hiện nay, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của xây dựng chương trình văn hóa, văn nghệ dân tộc phát trên sóng truyền hình địa phương.
Trả lời: (VB số 483/CV-PTTH, ngày 01/11/2016 của Đài PTTH tỉnh)
Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền địa phương; đồng thời là diễn đàn của của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đã không ngừng đổi mới, tăng thời gian phát sóng phát thanh của Đài tỉnh là 19 giờ/ngày, truyền hình là 18 giờ/ngày; riêng tiếng dân tộc thiểu số hiện nay là 06 giờ/ngày, trong đó phát chương trình văn hóa văn nghệ 03 giờ/tuần. Nội dung: Nêu gương các điển hình tiên tiến, những mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số và có lồng ghép với các chương trình, tiết mục văn nghệ theo chủ đề cho phù hợp.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song trên thực tế thời lượng sản xuất, chất lượng các chương trình, tiết mục văn hóa, văn nghệ của Đài hiện nay còn hạn chế; đặc biệt chưa có chuyên mục văn nghệ dân tộc thiểu số trên sóng truyền hình.
Việc cử tri xã Búng Lao kiến nghị xây dựng chương trình văn hóa văn nghệ dân tộc phát trên sóng truyền hình của tỉnh là đòi hỏi chính đáng về nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên chưa xây dựng được chương trình văn hóa, văn nghệ tiếng dân tộc trên sóng, vì đội ngũ nhân lực còn thiếu (hiện tại phòng phát thanh truyền hình tiếng dân tộc mới có hơn 10 cán bộ viên chức, chủ yếu làm công tác biên tập, biên dịch, phát thanh viên phục vụ cho các chương trình phát thanh truyền hình; chưa có biên đạo dàn dựng chương trình văn nghệ dân tộc; các nghệ nhân công tác với Đài còn ít; phòng thu văn nghệ truyền hình chưa có, các thiết bị, kỹ thuật công nghệ dành cho sản xuất chương trình thiếu, công nghệ lạc hậu…)
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đang kiến nghị với UBND tỉnh thời gian tới bổ sung thiết bị, công nghệ, đầu tư thêm phòng sản xuất chương trình và nhân lực để tăng cường sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình trong đó có các chương trình phục vụ dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Trong thời gian trước mắt, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên mong cử tri xã Búng Lao cũng như đồng bào trong tỉnh thông cảm, chia sẻ khó khăn của Đài.
VIII. CÔNG TY ĐIỆN LỰC ĐIỆN BIÊN
Cử tri xã Na Cô Sa huyện Nậm Pồ kiến nghị: Xây dựng lưới điện để cấp điện cho nhóm dân cư mới bản Na Cô Sa 2 và có phương án sửa chữa các cột điện hạ thế bản Huổi Thủng bị đổ do mưa lũ.
Trả lời: (VB số 2506/PCĐB-P12, ngày 25/10/2016 của Công ty Điện lực Điện Biên)
Công ty Điện lực Điện Biên đã chỉ đạo công ty Điện lực Mường Nhé khẩn trương sửa chữa các cột điện hạ thế bản Huổi Thủng bị nghiêng do mưa lũ để đảm bảo cấp điện an toàn.
Nội dung xây dựng lưới điện để cấp điện cho nhóm dân cư mới bản Na Cô Sa 2, đề nghị UBND xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ làm việc với Sở Công thương tỉnh Điện Biên để giải quyết.
(Còn nữa)