Trả lời kiến nghị của cử tri
Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên tiếp túc đăng tải tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri theo số: 125/ĐĐBQH-VP ngày ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
III. SỞ NỘI VỤ
1. Cử chi xã Tà Lèng thành phố Điện Biên Phủ đề nghị: UBND tỉnh quan tâm có chế độ phụ cấp cho các chi hội người cao tuổi ở các tổ dân phố, bản.
Trả lời: (VB số 1500/SNV-XDCQ&CTTN, ngày 14/9/2016 của Sở Nội vụ)
Ngày 8/4/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/01/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trong đó, tại điểm c, khoản 5, điều 1 có quy định:
“c) Quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.”
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, tỉnh Điện Biên là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính trên cơ sở căn cứ vào mức khoán của Trung ương đã tính toán đảm bảo mức chi không vượt quá mức khoán của Trung ương. Vì trong điều kiện ngân sách của địa phương thời điểm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương cấp, nếu tính toán đến phương án chi mức phụ cấp cho các Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thì ngân sách địa phương sẽ không cân đối được.
2. Cử tri xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ kiến nghị: UBND tỉnh sớm có kết quả rà soát địa giới hành chính theo Quyết định 513/QĐ-TTg, ngày 02/5/2012 về việc phê duyệt Đề án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính" để bản Nậm Chẩn được sáp nhập vào xã Na Cô Sa, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân khi giao dịch với chính quyền.
Trả lời: (VB số 1873/BC-SNV, ngày 18/11/2016 của Sở Nội vụ)
Giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai nhằm ổn định sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, trật tự xã hội được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền hết sức quan tâm.
Hiện nay, Sở Nội vụ đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, các đơn vị hành chính trong tỉnh đẩy nhanh tiến bộ triển khai thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg, ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính" trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm giải quyết dứt điểm tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính các cấp trong đó bao gồm điểm bản Nậm Chẩn (xã Nà Khoa) được cử tri kiến nghị sáp nhập vào xã Na Cô Sa.
Tuy nhiên, Đề án 513/QĐ-TTg, ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính" là một đề án lớn, triển khai các bước theo quy trình, thủ tục được quy định chi tiết tại Kế hoạch số 1127/KH-UBND, ngày 01/4/2014 của UBND tỉnh; theo đó, trong năm 2016, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện liên quan triển khai khảo sát, hiệp thương quyết tranh chấp đất đai tại các tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Sơn La; tỉnh Điện Biên với tỉnh Lai Châu.
Năm 2017, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để khảo sát, hiệp thương giải quyết các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính trong nội tỉnh, các điểm có đường địa giới hành chính chưa phù hợp để đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh hoặc chuyển bản cho phù hợp với tình hình thực tế sinh sống và canh tác phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có điểm bản Nậm Chẩn, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé mà cử tri kiến nghị.
3. Cử tri huyện Mường Nhé, huyện Mường Ảng kiến nghị: UBND tỉnh và sở, ngành chức năng của tỉnh xem xét bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục. Huyện Mường Nhé đề nghị bổ sung 236 biên chế (Giáo viên mầm non 134 biên chế, THCS 43 biên chế, Tiểu học 59 biên chế); huyện Mường Ảng đề nghị bổ sung 99 biên chế, (giáo viên mầm non 62 biên chế, 37 biên chế giáo viên THCS và tiểu học).
Trả lời: (VB số 1873/BC-SNV, ngày 18/11/2016 của Sở Nội vụ)
Theo quy định về biên chế sự nghiệp, từ ngày 01/01/2012, kế hoạch biên chế hàng năm tỉnh phải báo cáo Bộ Nội vụ cho ý kiến sau đó mới giao cho các cơ quan, đơn vị. Đối với biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2017-2018 UBND tỉnh đã tổng hợp báo cáo Bộ Nội vụ tại công văn 3152/UBND – NC, ngày 13/10/2016 theo đó có đề nghị tăng biên chế cho các huyện: Mường Nhé 251 giáo viên (155 giáo viên mầm non, 59 giáo viên tiểu học, 37 giáo viên THCS); Mường Ảng 34 giáo viên (26 giáo viên mầm non, 08 giáo viên tiểu học). Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để giao cho các huyện theo quy định.
4. Cử tri xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé kiến nghị: Từ khi chia tách và thành lập hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, bản Huổi Quang, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé có phần lớn diện tích tự nhiên và dân số nằm trong địa giới hành chính xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Cụ thể trong 45 hộ gia đình dân tộc Mông thuộc địa giới hành chính xã Quảng Lâm, 38 hộ và phần lớn diện tích đất nương, đất canh tác, đất chăn thả gia súc, đất rừng thuộc địa giới hành chính của xã Pa Tần. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng của tỉnh có phương án giải quyết để giúp nhân dân bản Huổi Quang ổn định cuộc sống, tránh tình trạng tranh chấp đất đai, xâm cư như hiện nay.
Trả lời: (VB số 1873/BC-SNV, ngày 18/11/2016 của Sở Nội vụ)
Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh về giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản số 1811/SNV-XDCQ&CTTN, ngày 03/11/2016 đề nghị UBND huyện Mường Nhé phối hợp giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu trên.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, ngày 15/4/2015 UBND huyện Mường Nhé đã phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ thành lập đoàn công tác của 2 huyện phối hợp với UBND xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé và xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cùng chính quyền và nhân dân bản Huổi Quang, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé nằm hoàn toàn trên địa phận đất thuộc xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.
Căn cứ tình hình thực tế, theo nguyện vọng của nhân dân bản Huổi Quang, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé và nhân dân các bản có liên quan đoàn công tác của hai huyện đã thống nhất: giữ nguyên đường địa giới hành chính theo hồ sơ, bản đồ được lập theo Chỉ thị 364, chuyển 38 hộ dân của bản Huổi Quang, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé về xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ quản lý, còn 07 hộ dân vẫn giữ nguyên để xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé quản lý.
Hiện nay, UBND huyện Mường Nhé đang phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn tất hồ sơ, thủ tục để chuyển các hộ dân nêu trên theo thẩm quyền và nguyện vọng.
5. Cử tri xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé kiến nghị: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo 2 huyện Nậm Pồ và huyện Mường Nhé giải quyết tranh chấp diện tích khoanh nuôi chi trả dịch vụ môi trường rừng (600ha) giữa bản Huổi Quang, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé và xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.
Trả lời: (VB số 1873/BC-SNV, ngày 18/11/2016 của Sở Nội vụ)
Hiện nay, UBND huyện Mường Nhé đang phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thành lập đoàn công tác của hai huyện để tiến hành khảo sát thực địa, làm việc với UBND xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé và UBND xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cùng nhân dân các bản có liên quan để tìm phương án giải quyết hài hòa giữa nhân dân các bản có liên quan nhằm từng bước ổn định cuộc sống của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
IV. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Cử tri xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa kiến nghị: UBND tỉnh có chế độ, chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên các trường mầm non công lập có tổ chức lớp học bán trú 02 buổi/ngày, đặc biệt là đối với những điểm bản, xã biên giới, núi cao, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trả lời: (VB số 1889/SGDĐT-GDMN, ngày 28/9/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo)
Nhiệm vụ của giáo viên mầm non được quy định tại Điều 35, Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 07/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường mầm non: “Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non: lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đánh giá và quản lý trẻ em; chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;….”
Chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non được quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT, ngày 25/10/2011 của Bộ GD và ĐT: “Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần”.
Căn cứ nhiệm vụ và chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, Hiệu trưởng bố trí công việc và thời gian làm việc của giáo viên mầm non đảm bảo quy định, trong đó thời gian trực trưa của giáo viên các trường mầm non công lập được tính trong thời gian làm việc của giáo viên hàng ngày.
Cơ sở giáo dục mầm non công lập tổ chức lớp học bán trú 02 buổi/ngày nhưng thiếu giáo viên hoặc giáo viên phải làm việc quá số giờ quy định, nhất là tại các cơ sở giáo dục mầm non ở điểm bản, xã biên giới, núi cao, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (như kiến nghị của cử tri) được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT – BGDĐT–BNV–BTC, ngày 08/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm ngoài giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập; tỉnh không ban hành chính sách riêng.
Cử tri xã Nà Khoa huyện Nậm Pồ kiến nghị “Việc áp dụng Mô hình trường học mới (VNEN) chưa thực sự phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh”.
Trả lời: (VB số 2295/BC - SGDĐT, ngày 23/11/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo)
1. Triển khai mô hình trường học mới tại tỉnh Điện Biên
1.1. Cấp Tiểu học
Mô hình trường học mới Việt Nam cấp Tiểu học (viết tắt là VNEN) được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm học 2012-2013 đối với khối lớp 2 và 3 cấp tiểu học và thực hiện đến lớp 5 vào năm học 2014-2015.
Tính đến năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 154/175 trường tiểu học triển khai thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam, trong đó có 68 trường thuộc Dự án VNEN và 86 trường triển khai nhân rộng với tổng số 51.427 học sinh chiếm tỷ lệ 83,63%.
1.2. Cấp THCS
Năm học 2015-2016, thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trên cơ sở vận dụng Mô hình VNEN cấp Tiểu học và những thành tựu về đổi mới về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm xây dựng Mô hình trường học mới cấp THCS (viết tắt là THM) và bắt đầu thí điểm đổi mới đối với khối lớp 6 một bộ phận trường THCS trên 63 tỉnh, thành phố. Tỉnh Điện Biên có 61/114 trường THCS tham gia mô hình THM, 192 lớp với 6036 học sinh lớp 6, chiếm 52,6% học sinh khối lớp 6 trong tỉnh.
Năm học 2016-2017 mô hình THM tiếp tục thực hiện đối với khối lớp 6 và triển khai tiếp khối lớp 7. Căn cứ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã ban hành văn bản số 596/SGDĐT-GDTrH ngày 04/4/2016 hướng dẫn đăng ký triển khai mô hình THM đối với lớp 6, lớp 7. Yêu cầu các đơn vị huyện, các trường THCS tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu, nội dung, phương thức và hiệu quả của việc triển khai mô hình THM; thông báo rộng rãi về chủ trương triển khai mô hình THM năm học 2016-2017, trên nguyên tắc đảm bảo quy chế tuyển sinh hiện hành và sự tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh.
Trên cơ sở đăng ký triển khai mô hình THM của các đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tổ chức mô hình THM tại 66 trường THCS, 385 lớp, 12.029 học sinh (khối lớp 6: 192 lớp 6012 học sinh; khối lớp 7: 194 lớp, 6017 học sinh).
2. Triển khai mô hình trường học mới tại xã Nà Khoa
2.1. Năm học 2016-2017 trường PTDT bán trú Tiểu học Nà Khoa có tổng số 38 lớp với 588 học sinh, trong đó có 28 lớp với 469 học sinh khối 2,3,4,5 áp dụng Mô hình VNEN chiếm tỉ lệ 79,7 %.
2.2. Năm học 2016-2017 trường PTDT bán trú THCS Nà Khoa, trường THCS duy nhất của xã có tổng số 22 lớp với 756 học sinh; trong đó khối lớp 6 có 3/6 lớp với 105 học sinh học THM, khối lớp 7 có 5/5 lớp với 175 học sinh học THM mới; tổng số học sinh học THM chiếm tỉ lệ 37% học sinh trong toàn trường.
3. Đánh giá kết quả triển khai mô hình trường học mới
Mô hình trường học mới xuất phát từ kiểu lớp học ghép, chú trọng sự phát triển phẩm chất năng lực của từng học sinh, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay.
Điện Biên là tỉnh vùng cao có nhiều thành phần dân tộc khác nhau, số học sinh trên lớp ít nên mô hình khá phù hợp. Học sinh chủ động trong quá trình tiếp thu kiến thức cơ bản và thực hành ứng dụng vào thực tế. Một số tiết học, học sinh được học theo nhóm cùng trình độ nhận thức nên không bị quá tải về kiến thức, không bị áp lực phải hoàn thành bài tập trong cùng một đơn vị thời gian, giáo viên có điều kiện hướng dẫn giúp đỡ học sinh học lực yếu, học sinh đi học không chuyên cần tiếp cận kiến thức một cách phù hợp hơn.
Học sinh thường xuyên được tham gia các hoạt động của hội đồng tự quản, và sinh hoạt câu lạc bộ nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt có sự chuyển biến đáng kể. Thông qua hoạt động của Hội đồng tự quản và các nhóm học tập, học sinh chủ động tự tin trong quá trình tiếp thu kiến thức mới và vận dụng hiệu quả kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày.
Với phương pháp dạy học VNEN giáo viên được chủ động trong việc phân loại đối tượng học sinh để từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với nhận thức của học sinh; trong quá trình dạy học giáo viên hỗ trợ tới từng học sinh, nhóm học sinh từ đó có thể dễ dàng xác định được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó ra sao để kịp thời tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn, đạt được chất lượng giáo dục tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của học sinh lớp mình.
Kết quả chất lượng giáo dục của các đơn vị hàng năm khá tốt, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành hoặc hạn chế thấp. Cụ thể năm học 2015-2016:
- Cấp tiểu học: Học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,8% chưa hoàn thành chương trình lớp học 1,2%. Xếp loại về năng lực đạt 99,1%. Xếp loại về phẩm chất đạt 99,9%.
- Cấp Trung học cơ sở: Khối lớp 6 kết quả đánh giá về phẩm chất đạt 6.014/6.046 (99,5%); cần rèn luyện 32/6.046 (0,5%); về năng lực đạt: 5.671/6.046 = 93,8%; còn hạn chế: 375/6.046 = 6,2%.
Kết quả chất lượng giáo dục của học sinh xã Nà Khoa năm học 2015-2016 tương đương với mặt bằng chung toàn tỉnh:
- Trường PTDTBT tiểu học Nà Khoa: Hoàn thành chương trình lớp học 576/578(99,6%), chưa hoàn thành chương trình lớp học 2/576(0,4%); xếp loại năng lực đạt 578/578 (100%); xếp loại phẩm chất đạt 578/578 (100%).
- Trường PTDTBT trung học cơ sở Nà Khoa: Năng lực: 175/175 (100%) học sinh khối lớp 6 học Mô hình trường học mới hoàn thành chương trình lớp học trong đó: Hoàn thành xuất sắc 12/175(6,9%), Hoàn thành tốt 30/175(17,1%), Hoàn thành 133/175(76,0%). Phẩm chất 175/175 học sinh đạt yêu cầu (100%).
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức hoạt động dạy vẫn còn một bộ phận nhỏ giáo viên chưa thực sự linh hoạt trong việc áp dụng phương pháp dạy học theo đúng tinh thần của phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới, còn ham giảng giải, thuyết trình, khả năng bao quát lớp hạn chế, chưa làm tốt việc hướng dẫn hỗ trợ học sinh học lực yếu, học sinh đi học không chuyên cần hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ tại một số đơn vị hiệu quả còn thấp chưa lôi cuốn đông đảo học sinh tham gia.
- Đánh giá chung: Nhận định kết quả đạt được từ việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, báo cáo kết quả triển khai thực hiện của các đơn vị trường, của phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình trường học mới nói chung và đối với trường PTDTBT tiểu học Nà Khoa, PTDTBT THCS Nà Khoa nói riêng cho thấy việc áp dụng mô hình trường học mới đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, đáp ứng việc học sinh tiếp thu nội dung bài học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng kể cả đối với học sinh dân tộc thiểu số; không gây ảnh hưởng tiêu cực cho học sinh, giáo viên trong quá trình tham gia học tập, giảng dạy.
Trong quá trình triển khai thực hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp cho giáo viên, hỗ trợ kịp thời, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các đơn vị trường; thường xuyên chỉ đạo các trường vận dụng linh hoạt những nội dung phù hợp, điều chỉnh những nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, năng lực giáo viên và học sinh để đảm bảo tổ chức có hiệu quả mô hình trường học mới.
4. Định hướng triển khai mô hình trường học mới tại tỉnh Điện Biên
Căn cứ công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017(có văn bản kèm theo), Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo và khuyến khích các trường TH, THCS triển khai mô hình trường học mới trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, quy chế tuyển sinh hiện hành.
Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự ủng hộ của học sinh, phụ huynh và cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hướng dẫn, chỉ đạo Bộ phận thường trực cấp tỉnh, tổ cốt cán chuyên môn cấp tỉnh và các đơn vị tiếp tục hoàn thiện mô hình THM cấp THCS trên cơ sở phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục hoàn thiện mô hình phù hợp thực tế đảm bảo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.
Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra, tư vấn về phương pháp dạy học đối với đội ngũ giáo viên, tổ chức sinh hoạt sư phạm chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng các môn học.
Lựa chọn những giáo viên cốt cán có năng lực chuyên môn tiếp thu chương trình bồi dưỡng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức hiệu quả chương trình bồi dưỡng giáo viên các môn học tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra tư vấn cho đội ngũ giáo viên về tổ chức lớp học, kinh nghiệm áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào Mô hình trường học mới nhằm thay đổi nhận thức của đội ngũ giáo viên về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các đơn vị điển hình, đã triển khai có hiệu quả mô hình trường học mới nhằm giao lưu học hỏi kinh nghiệm việc tổ chức lớp học, đổi mới phương pháp dạy học của các giáo viên giỏi và cán bộ quản lý của các đơn vị.
Cử tri huyện Tuần Giáo và huyện Tủa Chùa kiến nghị “Hiện nay, nhiều học sinh tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển nhưng không xin được việc làm. Tính riêng năm 2016, có 61 trường hợp tốt nghiệp đại học cử tuyển trong nước và nước ngoài chưa được bố trí việc làm. Để tránh gây tốn kém chi phí của nhà nước cũng như của gia đình có con được cử đi học, đề nghị xem xét, đánh giá việc thực hiện chế độ cử tuyển hiện nay ”
Trả lời: (VB số 2295/BC - SGDĐT, ngày 23/11/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo)
Căn cứ Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006; Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP;
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan thường trực công tác cử tuyển của tỉnh đã triển khai công tác tuyển sinh cử tuyển đảm bảo quy trình, đúng đối tượng, thời gian theo các văn bản hiện hành.
Để có căn cứ đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ chỉ tiêu đào tạo cử tuyển cho tỉnh, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các huyện khảo sát nhu cầu đào tạo của huyện, đề xuất số lượng, chuyên ngành đào tạo, dự kiến địa chỉ bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Như vậy, số lượng học sinh của các huyện được UBND tỉnh cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển hàng năm đều căn cứ vào nhu cầu và đề xuất của UBND các huyện.
Kết quả tuyển sinh cử tuyển hàng năm cho thấy, số lượng hồ sơ đăng kí xét tuyển của các huyện lớn hơn chỉ tiêu được giao. Điều đó khẳng định nhu cầu, nguyện vọng học tập của học sinh rất cao. Việc cử học sinh đi học theo chế độ cử tuyển đã tạo cơ hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được học tập nâng cao trình độ; giảm bớt những khó khăn trong chi phí học tập, sinh hoạt cho người học. Như vậy, tuyển sinh và đào tạo theo chế độ cử tuyển là một chủ trương đúng đắn.
Về kết quả bố trí sắp xếp việc làm cho sinh viên cử tuyển: Trong 5 năm (từ ngày 01/8/2011 đến 31/8/2016), có 308 sinh viên cử tuyển được bố trí việc làm, đạt tỉ lệ 54,92%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển dụng vào cơ quan quản lí các cấp rất hạn chế, nên chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn của sinh viên sau khi tốt nghiệp được bố trí vào làm việc.
Về tiếp nhận và phân công công tác cho sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp, tại Khoản 2, 3, Điều 11, Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định: “Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển theo quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo”. Có nghĩa là người học hoàn toàn có thể tự tìm việc làm theo nguyện vọng cá nhân khi nhà nước không bố trí được việc làm.
Tại Điều 3, Khoản 2, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã nêu: “Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp”.
Như vậy, trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển dụng vào các cơ quan quản lí ít và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bên cạnh việc tham gia dự tuyển vào các cơ quan, đơn vị nhà nước thì người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp cần phát huy sự năng động, chủ động tự liên hệ, tìm kiếm, khởi nghiệp, tự tạo việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của cá nhân.
V. SỞ CÔNG THƯƠNG
Cử tri thôn Háng Là, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa kiến nghị: Thôn Háng Là có 54 hộ dân, hiện chưa có điện lưới quốc gia, mặc dù đường điện đi qua thôn đã 8 năm nay. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành điện lắp đặt trạm biến áp để nhân dân thôn Háng Là được sử dụng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Trả lời: (VB số 1161/SCT-QLĐN, ngày 28/9/2016 của Sở Công thương)
Việc đầu tư hệ thống cấp điện đến các hộ dân tại thôn Háng Là, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa được thực hiện vốn đầu tư theo quyết định số 802/QĐ - UBND, ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Điện Biên, phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2014 -2020.
Quy mô dự kiến đầu tư xây dựng tại thôn Háng Là: Xây dựng mới trạm biến áp dung lượng 50KVA; 0,116km đường dây trung áp 35KV và 5,160km đường dây hạ áp 0,4KV; lắp đặt mới đường dây và công tơ đến các hộ dân sử dụng. Thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2016 -2020 khi được Trung ương bố trí.
Theo kế hoạch giao vốn trung hạn từ ngân sách Nhà nước cho tỉnh Điện Biên đầu tư lưới điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, số vốn mới chỉ đáp ứng được trên 10% nhu cầu. Trong thời gian tới Sở Công thương tiếp tục tham mưu với tỉnh báo cáo các Bộ và Chính phủ giải quyết bổ sung nguồn vốn đầu tư còn thiếu để đầu tư lưới điện hạ áp cho các thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh.
(Còn nữa)