Dân nghèo "khát" nước sạch
Điện Biên TV - Nhiều năm thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm hộ dân 2 bản Tà Lèng và Kê Nênh, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ phải tự túc tìm dẫn nước từ mó suối về dùng. Trớ trêu thay nguồn nước mà họ đang dùng lại luôn trong tình trạng bị ô nhiễm... Song không còn cách nào khác, người dân vẫn phải “cắn răng” sử dụng.
Nước từ hệ thống bình lọc chảy ra vàng khè |
Công trình nước sạch nhưng... không có nước sạch
Tháng 9/2013, hàng trăm hộ dân 2 bản Tà Lèng và Kê Nênh, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ như “mở cờ trong bụng” khi hay tin có dự án công trình nước sạch được đầu tư xây dựng. Với mục đích, khi công trình hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ giải tỏa cơn “khát” nước sạch đã kéo dài nhiều năm cho người dân.
Công trình nước sạch có vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng, nguồn do UBND TP. Điện Biên Phủ cấp và Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư. Các hạng mục công trình: đường ống dẫn nước dài hơn 5km, đưa nước từ đầu nguồn suối Nà Nghè về trung tâm xã Tà Lèng. Qua hệ thống xử lý bể lọc làm sạch nước, đổ vào các điểm bể, rồi sau đó sẽ phân phối đến từng hộ gia đình… Ấy thế nhưng niền vui “ngắn chẳng tày gang”, sau khi công trình hoàn thành và mở nước dẫn về bản đã có màu vàng khè, vẩn đục, người dân không thể sử dụng để ăn uống được. Sau hơn 4 tháng vận hành, công trình không đáp ứng được như mong mỏi, người dân phải tự đi tìm 1 đường nước khác để dùng. Theo thời gian, không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình “bạc tỷ” này đã xuống cấp. Lối dẫn vào chỗ vận hành hệ thống bình lọc cỏ mọc xanh, hàng rào sắt B40 bảo vệ cũng rách toang. Quan sát toàn bộ hệ thống bình lọc và bể lắng đã bị xuống cấp, rò rỉ nước và rêu đóng vảy vàng ố. Mở van khóa nước chảy ra đục ngàu...
Đến nhà anh Dương Văn Khào, bản Tà Lèng, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ, anh Khào vừa nói vừa dẫn chúng tôi ra sau nhà, nơi đặt chiếc vòi dẫn nước từ bể trung tâm về sử dụng. Chiếc vòi do để lâu không có nước đã bị hoen rỉ gãy cần vặn, mặt đồng hồ đo chỉ số công tơ cũng bị mờ tịt bởi cáu bẩn và bụi bám. Hiện tại trong nhà anh Khào có bao nhiêu chum, vại, thùng đều được huy động để chứa nước dự trữ sinh hoạt. Cứ đều đặn 1 ngày 2 buổi, sáng – chiều anh phải dùng can 20 lít đi lấy nước ở bể trung tâm bản về dùng (do người dân tự sửa chữa lại đường nước cũ và tận dụng các bể của dự án đường nước sạch dẫn nước từ mó suối về).
Hệ thống bình lọc đã rỉ nước ổ vàng |
Anh Khào cho biết: Hiện tại, đang là cuối mùa mưa nên nước mó dẫn về đã ít dần “lúc có lúc không”. Những ngày có nước thì lấy tại bể, hôm nước không về được anh phải lặn lội vượt 4 - 5km đường đèo dốc để chắt nước phía đầu nguồn. Nhưng cực nhất vẫn là lúc cao điểm mùa mưa khi bão lũ về, đất đồi sạt lở trút xuống suối làm nước đục ngầu cuốn theo rác rưởi, khi đó người dân không biết lấy đâu nước để dùng. Mua nước tinh khiết thì quá đắt, trong khi nhiều hộ không có đủ điều kiện kinh tế.
Chung cảnh thiếu nước sạch như bản Tà Lèng, 61 hộ dân của bản Kê Nênh cũng phải tự “xoay sở” để có nước duy trì sinh hoạt hàng ngày. Ông Dương Văn Minh, Trưởng bản Kê Nênh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Ngay từ khi nước sạch về bản nhưng đã không mang lại hiệu quả. Dân không ăn uống được, tắm giặt thì gây mẩn ngứa. Hiện tại, cả bản có hơn 30 hộ đã tự túc đi tìm nước suối để dùng, các hộ còn lại không thể lấy được nước. Do vậy, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, điêu đứng…
Đóng chân trên địa bàn xã Tà Lèng, Trường Tiểu học Hoàng Văn Nô có tất cả 106 học sinh, trong đó có hơn 40 em ở bán trú, cuối tuần mới về với gia đình. Tay vặn vòi nước ra chậu, thầy giáo Nguyễn Đức Thành cho chúng tôi biết: “Đây là nước các em dùng để tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày...”. Quả thật khủng khiếp!. Dù có tận mắt chứng kiến, song chúng tôi cũng khó tin nổi: bể chứa lắng (không có hệ thống lọc) thì cuộn vẩn những cáu bẩn vàng đục. Khi xả ra thau để vài phút kết tủa 1 lớp cặn dày... Còn ăn, uống thì nhà trường phải mua nước đóng bình cho các em.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Những tưởng được đầu tư xây dựng công trình nước sạch và khi đã hiện hữu ngay trước mắt, thì người dân vẫn chưa hề có nước sạch để dùng. Trao đổi vấn đền này với ông Lê Chí Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lèng. Ông Thiết bày tỏ: Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân 2 bản Tà Lèng và Kê Nênh đã kéo dài nhiều năm. Thực trạng này, không chỉ gây bức xúc cho nhân dân mà ngay cả khu trung tâm hành chính của xã (gồm trụ sở chính quyền, trạm y tế, trường tiểu học) cũng không được hưởng lợi từ công trình nước sạch do UBND TP. Điện Biên Phủ cấp vốn xây dựng. Trước thực trạng đó, chính quyền xã đã vận động người dân tu sửa lại đường dẫn nước cũ dùng tạm. Về lâu dài, người dân và các cấp chính quyền xã Tà Lèng mong muốn được sử dụng nguồn nước sạch của nhà máy cấp. Tuy nhiên, một phần do địa hình xã cao hơn so với nhà máy nước, phần khác là hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố đang trong giai đoạn quy hoạch. Do đó, việc thực thi một đường nước từ nhà máy lên là rất khó trong “tầm tay” của chính quyền xã.
Nước sinh hoạt cho học sinh có màu vàng đục |
Đem những câu hỏi, thắc mắc gửi tới đơn vị chủ đầu tư dự án là Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ và ông Nguyễn Đức Đuyện, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ đều khẳng định với chúng tôi: Công trình nước sạch xã Tà Lèng vẫn hoạt động tốt, không có tình trạng người dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Khi đầu tư xây dựng, đến lúc hoàn thành và bàn giao cho chính quyền xã vận hành thì UBND thành phố cũng chưa hề nhận được bất kỳ một phản ảnh, thắc mắc nào từ phía người dân.
Vấn đề ở chỗ, ngần ấy năm chính quyền xã Tà Lèng nắm bắt rõ tình hình người dân “khát” nước sạch mà không có động thái hay ý kiến gì trình lên cấp trên để kịp thời xem xét, giải quyết? Chỉ biết rằng họ “âm thầm” tình cách khắc phục nhưng không hiệu quả; gần đây mới có một vài “đề xuất” gửi lên thành phố xem xét.
Ông Đuyện cũng khẳng định: Sẽ tiến hành xác minh thông tin, nếu đúng như báo chí đưa sẽ điều tra làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, để người dân ổn định cuộc sống./.
Khánh Chi