Sáng ngời phẩm chất người lính "Bộ đội cụ Hồ"

Thứ Năm, 15/12/2016, 18:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trở về xây dựng quê hương sau quá trình tham gia đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, những người lính năm xưa lại tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất người lính cụ Hồ tích cực tham gia vào mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, không chỉ góp công, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp mà còn trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.

Sau 4 năm tham gia kháng chiến ở chiến trường Lào, năm 1984, cựu chiến binh Phạm Bá Tiến, đội 5A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên xuất ngũ trở về địa phương để xây dựng gia đình, rồi phát triển kinh tế gia đình. Ngoài cấy gần 1ha ruộng lúa nước, gia đình ông còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời làm thêm nghề mổ lợn bán ở chợ Mường Thanh. Mặc dù chịu khó sản xuất, làm ăn nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc buôn bán, chăn nuôi không hiệu quả, kinh tế gia đình ông luôn trong tình trạng khó khăn. Song với phẩm chất người lính cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ, khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách, năm 2004, từ số vốn ít ỏi tích cóp của gia đình, ông cùng một người bạn chung vốn để mở trang trại nuôi hơn 100 con dê kết hợp với đào 5.000m2 ao nuôi cá thịt, trồng cây ăn quả. Tuy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao nhưng cũng đủ giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định để trang trải cho cuộc sống.

Năm 2011, sau một thời gian tích cực tìm hiểu, học tập kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả, ông mạnh dạn đầu tư trồng thêm 2ha cây cam, quýt, bưởi. Sau một thời gian chịu khó vun trồng, chăm sóc, hiện phần lớn vườn cam, quýt, bưởi của gia đình ông đã cho thu hoạch. Từ tháng 8 đến nay, gia đình ông đã thu được hơn 15 tấn cam, quýt, bưởi để bán ra thị trường. Kết hợp với ao cá, mỗi năm mô hình kinh tế của gia đình ông cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 – 5 lao động nông thôn trong vùng với số tiền 6 triệu đồng/người/tháng. Với mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gia đình ông còn được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

c
Mô hình phát triển kinh tế theo hướng đào ao nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả của cựu chiến binh Phạm Bá Tiến, đội 5A, xã Thanh Luông cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.



Một trong những cựu chiến binh điển hình khác là ông Phạm Văn Đáo, đội 7 Hoàng Yên, xã Thanh yên, huyện Điện Biên. Sau một thời gian tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm 1973, ông đã cùng gia đình lên Điện Biên khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới. Với phẩm chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi, không ngại gian khổ của người lính cụ Hồ, tại nơi ở mới ông luôn hăng hái tham gia phát triển kinh tế cũng như các công tác xã hội. Ông đã có thâm niên 25 năm làm công tác mặt trận và 10 năm công tác bên Chi hội Người cao tuổi của đội 7, xã Thanh Yên. Năm 2010, hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cựu chiến binh Phạm Văn Đáo đã hiến 3.200m2 đất để xây dựng Trường Mầm non số 2 Thanh Yên, đồng thời hiến 1 vạn gạch (tương đương khảng 10 triệu đồng) để xây dựng nhà văn hóa  đội 7 Hoàng Yên. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt của trẻ em và người dân đội 7. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia hòa giải những mâu thuẫn, xung đột của người dân; vận động mọi người tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Với nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, cựu chiến binh Phạm Văn Đáo đã nhiều lần được huyện, xã tặng giấy khen…

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 16.300 hội viên CCB. Phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, những năm qua, các CCB trong tỉnh luôn gương mẫu chấp hành mọi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, toàn tỉnh hiện có gần 28% hội viên CCB là đảng viên, trong đó có 681 hội viên là đại biểu HĐND các cấp; 1.168 hội viên được bầu vào cấp ủy các cấp… Trong phát triển kinh tế, các CCB luôn tích cực tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và xóa nhà tạm. Toàn tỉnh hiện có 42 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã do CCB làm chủ cho thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn; số CCB làm chủ các trang trại và gia trại là 857 người, trong đó có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng/năm.

Với vai trò tiên phong, gương mẫu, CCB còn đi đầu trong việc hiến kế, hiến công, hiến đất, vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, hội viên CCB trong tỉnh đã hiến 10.239m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa. Nhờ đó, đã làm được hơn 20km đường bê tông, 50km đường và kênh mương nội đồng, nhận trồng và khoanh nuôi bảo vệ được hơn 10.000ha rừng. Mặt khác, CCB còn thường xuyên tham gia giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ thông qua việc phối hợp với tổ chức Đoàn và nhà trường để giáo dục truyền thống, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, bảo vệ môi trường cho thanh, thiếu niên và học sinh. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Đến nay, đã thành lập được 468 tổ tự quản, 76 cụm liên kết an ninh, 1.217 tổ hòa giải, 1.810 điểm sáng về an ninh…

Phát huy phẩm chất sáng ngời của người lính cụ Hồ, các CCB trong tỉnh đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Với bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” luôn nỗ lực phấn đấu, không ngại gian khổ, hi sinh, vượt qua mọi gian nan, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, CCB trong tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động, xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Đức Linh

 

.