Phận đời sau lũ
Tết Nguyên đán đang cận kề mà lòng người ngổn ngang trăm mối.
Mưa lũ dồn dập gần 2 tháng qua khiến cuộc sống người dân miền Trung vốn nghèo càng nghèo thêm. Ruộng đồng bị sạt lở, vùi lấp, muốn khôi phục nhanh cũng mất dăm bữa, nửa tháng; trong nhà thì lúa gạo ướt sũng, quần áo, chăn màn trộn bùn non. Tết Nguyên đán đang cận kề mà lòng người ngổn ngang trăm mối.
Hình ảnh vùng "rốn lũ" huyện Tuy Phước. |
Ngổn ngang sau lũ
Ông Nguyễn Tâm, ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thẫn thờ nhìn ra bậu cửa. Những cơn lũ dồn dập ập đến, bao nhiêu tiền bạc, đồ đạc trong nhà trôi sạch. Mấy bao lúa dự trữ ăn từ nay đến Tết cũng bị ướt lên mộng. Những ngày qua, gia đình ông Tâm cùng bà con nơi đây phải sống nhờ vào nguồn cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Ông Tâm kể: “Hôm đó tui đi làm, vợ con ở nhà không kịp kê dọn đồ đạc. Trời mưa như trút nước, lại thêm ông thủy điện xả lũ nước lên quá nhanh. Chừ trong nhà không còn gì hết. Mấy bộ đồ tui mặc đây là người ta cho”.
Trời ngớt mưa, ông Dương Bửu Châu, 64 tuổi ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vội chèo xuồng men theo con lạch đi mua nước mắm, mỳ tôm. Dáng người khắc khổ hằn rõ nỗi cơ cực thường nhật. Ông Bửu than thở: “Lũ gì mà hết trận này đến trận khác liên tục như vậy ai mà chịu nổi. Từ đầu tháng 12 đến chừ, gia đình tui sống giữa bốn bề sông nước. Muốn mua gói mỳ tôm phải chèo ghe đi hàng tiếng đồng hồ. Tiền thì không có, hôm nay mua chịu chỗ này, mai mua chịu chỗ khác. Nhà có mấy con bò cứ nhốt hoài trong chuồng, đồng nước trắng xóa không có cỏ để chăn dắt”.
Con sông Thu Bồn vốn hiền hòa, nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng của nông dân các huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam những ngày qua trở thành nỗi ám ảnh với người dân. Các hồ thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ, nước sông chảy xiết. Lũ dâng cao bất ngờ làm cho nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm, người lớn, trẻ em dáo dác chạy lũ. Phải vất vả lắm bà Phan Thị Tí, 61 tuổi, ở thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mới lùa được con bò từ nhà ra cầu Quảng Huế. Cây cầu này bỗng dưng trở thành nơi lánh nạn cho hàng trăm con bò của người dân địa phương. Dưới chân cầu là vùng rau Bàu Tròn ngập chìm trong biển nước. Bà Tí than vắn thở dài, buổi tối lùa bò lên cầu này, sáng ra thấy nước rút nên lùa về, không ngờ buổi trưa nước lên trở lại. Mấy ông thủy điện xả lũ liên tục người chỉ có chết. Bà Phan Thị Tí than thở: “Nước lũ xuống sợ vô ngập chết bò phải dắt chạy ra cầu chứ làm răng chừ. Cầu thì nhỏ mà bò thì nhiều, ai cũng phải dắt ra đây hết, cả 2 thôn luôn”.
Tình người trong lũ
1. Đến bây giờ, câu chuyện về 24 cô và trò Trường mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An, Phú Yên vượt qua lũ dữ vẫn được mọi người truyền tai nhau. Trường Mầm non xã An Hiệp, nơi vùng cao mấy khi bị ngập lụt. Thế mà, qua 1 trận mưa lớn kéo dài, nước từ núi đổ xuống tràn vào trường. Nước lũ bất ngờ dâng cao giữa giờ cơm trưa khiến cô trò nơi đây không kịp trở tay. Các cô đã kê vội bàn ghế bám víu trên cửa sổ và chờ người đến cứu. Chẳng ai ngờ trong lúc nguy cấp, mái nhà mô hình ở khu vui chơi do các cô giáo tự lắp đặt trong trường lại trở thành chiếc phao cứu sinh giúp cô, trò thoát qua cái chết. Cô Võ Thị Thu Sương, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An nhớ lại giờ phút hiểm nguy ấy: “Phụ huynh đón rước được 18 cháu, còn 15 cháu bị kẹt trong trường vì phụ huynh tới nhưng nước đã phủ đầu không sao cứu các cháu được. Lúc đó cô đưa các cháu đu bám lên 3 cửa sổ. Vượt qua hiểm nguy, mấy thanh niên trong thôn đã tiếp cận được nơi cô trò lâm nguy, lấy thùng xốp, bê từng cháu bỏ vào rồi đẩy dần ra khỏi khu vực nguy hiểm. Lần đầu một tốp 7 cháu, lần thứ 2 cứu 8 cháu, sau cứu 4 cô ra”.
2. Cảnh sát giao thông giúp sản phụ “vượt cạn” trong lũ. Câu chuyện cảm động này khắc sâu trong lòng người dân vùng quê sông nước xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hôm đó, trời mưa tầm tã, nước sông Thu Bồn dâng cao. Lúc đó, Công an huyện Đại Lộc nhận được tin báo từ Công an xã Đại An có sản phụ Vũ Thị Việt Trinh, 23 tuổi, khi chuyển đến Trạm y tế xã Đại An để sinh thì gặp nước lũ quá lớn. Lúc này chỉ có ghe nhỏ, không thể chuyển sản phụ qua khu vực thị trấn Ái Nghĩa, nơi có Bệnh viện Đa khoa phía Bắc Quảng Nam nên nhờ lực lượng Công an huyện Đại Lộc hỗ trợ. Nhận được tin báo, Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã huy động cán bộ, chiến sĩ dùng xe ô tô kéo ca nô ra hướng xã Đại An để giúp chuyển ca sinh đặc biệt này. Nhờ đó, chị Trinh được đưa đến bệnh viện an toàn.
3. Những ngày này, các địa phương miền Trung tập trung công tác cứu trợ, giúp người dân gượng dậy sau lũ. 30 tấn lương khô của Bộ Quốc phòng đã được vận chuyển khẩn cấp bằng đường hàng không cứu trợ nhân dân các tỉnh miền Trung. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp đến các địa phương thiệt hại nặng ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định thăm hỏi, động viên và tặng quà các hộ dân đang tránh lũ tại trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp Nhơn Hòa. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến tận các vùng quê nghèo, chìm trong nước lũ ở các tỉnh miền Trung kịp thời động viên, tặng quà, hỗ trợ bà con vùng lũ vượt qua khó khăn.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã cứu trợ khẩn cấp 1.100 tấn gạo đến các hộ dân bị cô lập trong lũ. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương đưa mì ăn liền, nước uống đến người dân các vùng không thể di chuyển ra ngoài. Tỉnh Phú Yên cũng đã hỗ trợ 1.100 tấn gạo giúp đỡ hơn 11.200 hộ dân. Tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ các địa phương 7 tỷ đồng để mua khoảng 250 tấn lúa giống, 20 tấn giống rau các loại và 1.500 tấn gạo để kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 100 tấn lúa giống để nông dân gieo cấy vụ Đông-Xuân; cung cấp 20 tấn clorine để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; 20 nghìn lít hoá chất thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho thú y. Mọi tấm lòng đang hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung.
Thay lời kết
Người miền Trung vốn quen với hạn hán, bão lũ; nhưng đây là cơn lũ muộn. “Ông tha mà bà chẳng tha, trời hành cơn lụt hai ba tháng mười”. Thường thì sau ngày 23 tháng 10 âm lịch hằng năm là hết lụt. Vậy mà năm nay, lũ chồng lũ, người dân miền Trung đang kiệt sức vì thiên tai. Tết Nguyên đán cận kề. Rau màu, hoa, cây cảnh chuẩn bị cho Tết trôi theo dòng nước lũ. Một cái Tết buồn đang hiện hữu trong từng căn nhà, thôn xóm và trên gương mặt đầy ưu tư của người nông dân./.
Theo VOV