Những quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 12
Lao động nữ mất việc được hỗ trợ; bảo vệ rừng được trang bị vũ khí; chậm nộp tiền phạt bị tính lãi...là những quy định có hiệu lực từ tháng 12/2016.
Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng
Nghị định 142 về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1/12 quy định, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm ngăn chặn các hành động gây nguy cơ xung đột thông tin trên mạng có nguồn gốc từ hệ thống thông tin của mình, cũng như hợp tác xác định nguồn gốc gây xung đột thông tin trên mạng, khắc phục hậu quả xung đột thông tin.
Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng giữa hai hoặc nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài sử dụng biện pháp công nghệ, kỹ thuật thông tin gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...
Lực lượng bảo vệ rừng sẽ được trang bị súng và mũ chống đạn. Ảnh minh hoạ: Báo Cao Bằng |
Chậm nộp tiền phạt tính lãi ngày
Thông tư 155 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 127/2013 về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực từ ngày 1/12.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan mà chậm nộp tiền phạt ngoài việc phải nộp đủ số tiền phạt ban đầu thì mỗi ngày chậm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Hỗ trợ lao động nữ mất việc làm
Có hiệu lực từ 4/12, Thông tư 152 của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, quy định: lao động nữ bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa một người 3 triệu đồng mỗi khóa học; tiền ăn 30.000 đồng một ngày thực học; tiền đi lại 200.000 đồng mỗi khóa học nếu địa điểm đào tạo xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Điều kiện hỗ trợ là lao động nữ bị mất việc phải có một trong các giấy tờ như quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng lao động đã hết hạn. Trường hợp lao động nữ làm việc không theo hợp đồng, khi bị mất việc làm cũng được hỗ trợ đào tạo nếu có giấy xác nhận của người sử dụng lao động...
Trang bị vũ khí cho bảo vệ rừng
Có hiệu lực từ 5/12, Quyết định 44 của Thủ tướng về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng quy định: khi phát hiện hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi diện tích được giao, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật, báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý theo quy định.
Trường hợp cần thiết, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được sử dụng công cụ hỗ trợ như các loại súng bắn đạn cao su, đạn hơi cay; dùi cui điện, dùi cui cao su; các loại phương tiện xịt hơi cay; áo giáp, găng tay bắt dao; mũ chống đạn...
Chế độ BHYT với công an
Thông tư 43 của Bộ Công an quy định biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân (CAND) có hiệu lực từ 9/12.
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ CAND khi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định sẽ được thanh toán các chi phí sau: chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển khi cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; chi phí khám, chữa bệnh ngoài phạm vi hưởng BHYT gồm có như thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế theo chỉ định của chuyên môn.
Trung tâm y tế huyện có 15 khoa chuyên môn
Thông tư 37 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 10/12 cho phép Trung tâm Y tế huyện sẽ có 15 khoa chuyên môn như sau: Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS; Khoa Y tế công cộng và Dinh dưỡng; Khoa An toàn thực phẩm; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Khoa Khám bệnh/Phòng khám đa khoa; Khoa Hồi sức cấp cứu; Khoa Liên chuyên khoa (Răng Hàm Mặt - Mắt - Tai Mũi Họng); Khoa Nội tổng hợp; Khoa Ngoại tổng hợp; Khoa Nhi; Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng; Khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế; Khoa Truyền nhiễm; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh./.
Theo VOV