Người nghèo hưởng gì từ chính sách giảm nghèo?

Thứ Ba, 27/12/2016, 17:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Do cách thức triển khai các chính sách không hợp lý, thiếu dân chủ và có phần khuất tất, khiến cho trên 5 tỷ đồng thuộc chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo theo Quyết định 755/CP và trên 1 tỷ 600 triệu đồng thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a/CP tại huyện Tủa Chùa thời gian qua, đều như "nước lã đổ ra sông". Nhưng vấn đề quan trọng hơn là niềm tin vào các cơ quan thực thi các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo bị giảm sút.

f
Gia đình anh Sùng A Páo, bản Pàng Dề B, Xá Nhè, Tủa Chùa được cấp máy xay đậu nhưng lại chưa sử dụng vì không có điện

 

Hơn 1.100 chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được cấp cho các hộ nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, phần lớn số máy được cấp, bà con đã bỏ không sử dụng, bởi không phù hợp với điều kiện sản xuất của họ.

Thiếu thực tiễn

Chị Trang Thị Mang, thôn Pàng Dề B, xã Xá Nhè, Tủa Chùa cho biết: "Từ khi mang cái máy này về, ở nhà không có lợn nuôi thì cũng không dùng đến. Vì ở nương không có điện nên phải được cái máy chạy bằng xăng thì mới mang đi nương mới dùng được."

Anh Sùng A Páo, bản Pàng Dề B, Xá Nhè, Tủa Chùa chia sẻ: "Đối với nhà thì được cái máy xay đậu này nhưng mà chưa có đậu để xay, với lại chưa có điện để lắp cho nó chạy được nên chưa sử dụng thôi".

Không phù hợp với điều kiện sản xuất là một nhẽ, nhưng nhiều hộ không có nhu cầu vẫn hỗ trợ nông cụ, đơn cử như loại máy thái thức ăn cho gia súc. Ông Giàng A Tính, bản Làng Vùa 2, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa nói: "Có hộ thì đúng là thực tế lợn không có, trâu không có thì máy cũng chả dùng làm gì, nó chỉ để không như thế thôi"

Như vậy có thể khẳng định: Việc hỗ trợ máy móc không phù hợp với nhu cầu và điều kiện sản xuất của bà con do triển khai không đúng, đủ quy trình. Theo quy định tại điểm b, mục 1, điều 3 - Quyết định 755/Cp, việc hỗ trợ đất sản xuất sẽ được chuyển sang hỗ trợ bằng các hình thức khác phù hợp với nhu cầu của người dân khi quỹ đất không còn. Huyện Tủa Chùa đã thực hiện hỗ trợ nông cụ sản xuất theo nhu cầu cho các hộ nghèo và để làm được điều này thì huyện cần phải tuyên truyền, cho các hộ đăng ký theo nhu cầu nhưng việc này đã bị huyện Tủa Chùa bỏ qua. Đó là một trong những lí do khiến cho người nghèo ở đây quay lưng với chính sách giảm nghèo.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan thực hiện chính sách này ở Tủa Chùa, ông Hạng Xuân Thắng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa vẫn khẳng định: "Việc hỗ trợ này thì sau khi có quyết định của tỉnh và của huyện thì chúng tôi đã yêu cầu UBND các xã họp dân, đăng ký nhu cầu danh sách rất cụ thể theo đề án đã được duyệt. Trên tinh thần là khi nhân dân đã đăng ký các chủng loại như thế chúng tôi đã giới thiệu nhà cung ứng để bán cho người dân."

Nhưng thực tế đã minh chứng rõ việc: "đốt cháy giai đoạn" trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ giảm nghèo theo Quyết định 755/CP. Do không đảm bảo tính dân chủ, thiếu thực tiễn, dẫn đến việc hỗ trợ không phù hợp với nhu cầu người dân. Điều này đồng nghĩa với chính sách giảm nghèo của Chính phủ không mang lại hiệu quả.

Đội giá và những khuất tất

Một nguyên nhân khác khiến các hộ nghèo bức xúc và quay lưng với chính sách giảm nghèo là: những chiếc máy và cả những con lợn giống hỗ trợ bị đội giá. Không phân biệt là loại máy gì? thuộc cơ sở sản xuất nào? công suất, nguyên lý hoạt động, chất lượng thiết bị máy móc và công năng ra sao, tất cả đều có chung một giá: 4.700 ngàn đồng/chiếc.

f
Trong số trên 1.100 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định 755/CP trong năm 2016 ở huyện Tủa Chùa, không có hộ nào được nhận 5 triệu đồng tiền mặt. Thay vào đó là những chiếc máy được cấp "bất thình lình" cho người dân.

 

Ông Giàng A Páo, Bí thư Đảng bộ, nguyên Chủ tịch xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa cho biết: "Có một số hộ thì họ bảo: cái máy này sao nhiều tiền thế, cái máy này chúng tôi mua ở huyện có cái triệu hai, triệu ba, triệu rưỡi là cùng. Sao các anh cho chúng tôi như thế này chúng tôi không đồng ý. Vì thế mình mới phát hiện là cái này phải nghiên cứu lại chứ cái này là hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ chứ không phải là hỗ trợ máy móc."

Cùng với đó là những việc làm trái quy định, không rõ ràng trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo nêu trên. Theo đó, Quyết định 755 quy định: những hộ có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. Theo ông Hạng Xuân Thắng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa, việc này đã được thực hiện theo đúng quy định: "Thực hiện Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND huyện và đã hỗ trợ bằng tiền mặt và giám sát việc nhân dân mua máy móc."

Nhưng thực tế cho thấy, trong số trên 1.100 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định 755/CP trong năm 2016 ở huyện Tủa Chùa, không có hộ nào được nhận 5 triệu đồng tiền mặt. Thay vào đó là những chiếc máy được cấp "bất thình lình" cho người dân.  Sau đó mỗi hộ được lĩnh kèm 300 ngàn đồng với lí do: tiền thừa mua máy.

Chưa hết, con lợn được nuôi cả năm, dù nuôi thế nào cũng không có lãi, bởi tiền giống quá cao. Đơn cử như là đôi lợn giống mà gia đình bà Mào Thị Thành ở đội 7 xã Mường Báng được hỗ trợ từ đầu tháng 10 năm 2016. Khi đó, mỗi con nặng 30kg, với trị giá hỗ trợ là 10 triệu đồng, tương đương với gần 165 nghìn đồng 1kg. Trong khi đó, loại lợn này ở địa phương chỉ có giá 80 nghìn đồng một kg. Đi tìm câu trả lời cho con lợn giống đội giá thì được đại diện cơ quan chức năng ở huyện Tủa Chùa là Ông Tô Văn Tuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện lý giải:"Cái này thì là lẽ đương nhiên thôi, vì đối với nhà cung ứng thì người ta cũng phải bảo hành cái rủi ro với người dân là trong vòng 1 tháng. Cái nữa là bảo đảm điều kiện về thuốc men, tiêm phòng bệnh. Thứ nữa là liên quan đến lợi nhuận của nhà cung ứng cao hơn so với thực tế."

Nếu các hộ nghèo nuôi một năm, trọng lượng đạt 1 tạ/con thì cũng chỉ thu về 5 triệu, tương đương với số vốn cấp ban đầu. Như vậy, may mắn thì hòa vốn, nếu gặp rủi ro, tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ mất trắng, còn công chăm sóc của các hộ nghèo hàng năm trời cũng trở thành "công cốc".  

Tiền hỗ trợ về đâu?

Trở lại việc hỗ trợ máy nông cụ theo Quyết định 755, ngoài việc không hỗ trợ bằng tiền mặt, chủ đầu tư còn chọn đơn vị cung ứng ngoài tỉnh. Khi hỏi về lí do thì được lãnh đạo phòng là ông Thào A Lử, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa lý giải: "Tức là khi mà cấp vốn về là tôi đi khảo sát một lượt ở Tủa Chùa. Ví dụ như với cái vốn này trong vòng 15 ngày, thì dân liệu có mua được đủ hơn 1 nghìn cái này không. Khi xem thì có lẻ tẻ 1-2 cái máy thôi. Nếu dân đùng cái đi mua thì nó sẽ đẩy cái giá này lên cao không thể mua được".

Không thể khẳng định: thị trường tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con. Bởi hiện tại, riêng ở thị trấn Tủa Chùa đã có không dưới 10 cơ sở kinh doanh các loại nông cụ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu có hợp đồng mua bán với các cơ sở này, sẽ không thể xảy ra việc đội giá. Còn nếu để dân tự đi mua, dù tư thương có đẩy giá cũng không cao đến mức 4 triệu 7 trăm ngàn đồng một chiếc. Mặt khác, khi người dân không được cầm tiền trả cho nhà cung ứng nên họ nghi ngờ có sự khuất tất gì đó ở đây.

Mục đích của việc hỗ trợ nông cụ, máy móc hay con giống cho các hộ nghèo này nhằm giúp họ có điều kiện để chuyển đổi nghề, tăng thu nhập. Tuy nhiên, chuyển đổi nghề chẳng thấy đâu, tăng thu nhập người nghèo cũng chưa chạm đến. Nhưng có một sự thật mà ai cũng biết, người hưởng lợi đầu tiên từ sự hỗ trợ này là các doanh nghiệp, người cung ứng. Và một câu hỏi đặt ra: Tại sao chủ đầu tư lại sốt sắng phối hợp thực hiện cung cấp máy thay vì giao tiền mặt cho hộ nghèo? mà mấu chốt là hàng loạt các chi phí thiếu rõ ràng khác khiến cho tiền hỗ trợ đến với người dân không còn nguyên vẹn. Thực tế từ vụ việc này cho thấy: Nếu các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cứ tiếp diễn với kiểu làm này thì dù nguồn vốn hỗ trợ từ vài triệu, cho đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vẫn trở lại cái vòng luẩn quẩn: "nước lã đổ ra sông"./.

 

Lê Dung - Duy Linh - Đức Bình


 

.