Nghiêm cấm tặng phong bì cho cấp trên: Trách nhiệm và lòng tự trọng
Mỗi đảng viên, đặc biệt là người có chức quyền, phải tự biết xấu hổ trước những “cái lệ” gây xa hoa, lãng phí.
“Nghiêm cấm”; “Phải chấm dứt ngay”; “Phải thực hiện nghiêm”… là những yêu cầu thể hiện thái độ kiên quyết trong Quy định số 55 ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Theo đó, “Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng… để ăn uống, tiệc tùng, tặng quà, nhận quà, với động cơ vụ lợi”. Đối với việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật “Phải chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội”. Còn “Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”.
Không biết tự khi nào, việc liên hoan, ăn mừng được tổ chức với lý do chào mừng thành công hội nghị - đại hội của tập thể. Và cũng không biết “cái lệ” mang phong bì, quà tặng để biếu cán bộ được đề bạt, luân chuyển lên vị trí cao hơn xuất hiện như một “quy định bất thành văn” từ bao giờ. Để mỗi khi “rửa ghế” là các bên thể hiện mối quan hệ trên dưới, thân sơ, có ảnh hưởng tới việc sắp xếp vị trí công tác hoặc liên quan đến sản xuất kinh doanh, làm ăn buôn bán ngoài xã hội.
Từng có vị lãnh đạo tổ chức hiếu- hỉ đã mời thật nhiều người “nằm trong tầm ảnh hưởng” đến dự, khiến sau đó dư luận râm ran về chuyện “thu lời tiền tỉ” và mức độ “hoành tráng” của mối quan hệ. Ngoài ra, mỗi dịp sinh nhật, tân gia, các ngày lễ, tết, thậm chí đơn giản là giỗ chạp của gia đình không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền… cũng được những người có lợi ích coi đó là cơ hội tặng quà nhằm duy trì mối quan hệ “có đi có lại”.
Thực ra trong cuộc sống, việc chào mừng trong mỗi dịp kỷ niệm; chúc mừng sinh nhật hay khi có thay đổi vị trí công tác hay đều thể hiện sự quan tâm và là hành vi ứng xử có văn hóa. Nhưng lâu nay, ứng xử tốt đẹp này đã bị không ít người lạm dụng, biến thành quan hệ trao đổi, mua bán theo nghĩa tiêu cực tạo nên quan hệ “lợi ích nhóm”. Từ sự biến tướng đó, nảy sinh nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội, chạy quy hoạch... và ngày càng len lỏi sâu rộng, làm méo mó các hoạt động đúng đắn, ngay thẳng, gây mất niềm tin trong nhân dân.
“Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” bắt buộc mỗi cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức có quyền phải thường xuyên tự soi xét mình, phải tự biết xấu hổ trước những “cái lệ” gây xa hoa, lãng phí; phải thấy rõ thái độ thiếu chân thành từ những món quà của người biếu tặng với mục đích riêng. Và để làm gương từ trên xuống dưới, Bộ Chính trị yêu cầu “Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện Quy định này”.
Những ngày này, nhiều người trong số hàng vạn đồng bào miền Trung trong vùng lũ lụt đang thiếu ăn, thiếu mặc; hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hỏng chưa có tiền sửa chữa; hàng vạn hecta cây trồng bị mất trắng sau lũ đang chờ cứu trợ. Vì vậy, bất cứ cảnh tiệc tùng, chúc tụng, chè chén nào được tổ chức linh đình để chào mừng hội nghị, chúc mừng quan chức thăng tiến hay tặng quà với động cơ vụ lợi … đều trở nên phản cảm với cái đói, cái nghèo đang rình rập đồng bào vùng lũ. Những việc làm đó là có lỗi với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo và sẽ trở nên xa lạ với những khó khăn, thiếu thốn của người dân vùng sâu, vùng xa.
Nói không với xa hoa lãng phí, nói không với những ai lạm dụng tình cảm để vụ lợi - không chỉ là trách nhiệm mà còn là nét đẹp văn hóa, là lòng tự trọng của con người nói chung và của mỗi đảng viên nói riêng./.
Theo VOV