Mưa lũ từ tháng 10 đến nay gây thiệt hại trên 8.573 tỷ đồng
Mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 8.573 tỷ đồng.
Sáng ngày (17/12), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với mưa lũ miền Trung.
Trước diễn biến phức tạp và gây hậu quả nặng nề của mưa lũ đối với 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và 9 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thiệt hại do mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,... (đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt), tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Báo cáo tại hội nghị, tỉnh Bình Định cho biết, lũ chồng lũ đã làm tỉnh này thiệt hại nặng nề, hàng nghìn nhà dân bị ngập, thiệt hại tài sản quá lớn; 31 người chết, 10 người bị thương, 20 tàu cá chìm, hơn 300 ngôi nhà của dân bị sập hoàn toàn. Riềng từ ngày 12/12 đến ngày 16/12, tỉnh này có 15 người chết.
Do 1 tháng nay người dân bị ngập lũ lương thực dự trữ đã hết, Bình Định đề nghị, Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp lương thực (trước mắt là lương khô và nước uống. 1.000 cơ số thuốc để ứng phó dịch bệnh sau lũ rút. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục –Đào tạo hỗ trợ 50.000 sách giáo khoa cho học sinh các cấp bị hư hại do ngập lụt, đồng thời miễn học phí học kỳ cho học sinh vùng lũ. Bộ NN- PTNT có phương án đặc biệt khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu rà soát các khu vực sạt lở nguy hiểm, kiên quyết di dời dân. |
Bên cạnh đó, các địa phương ảnh hưởng ngập lụt mưa lũ cũng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp 5.850 tấn gạo. Thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho người và một số chủng loại khác. Hỗ trợ giống cây trồng phục vụ sản xuất, đặc biệt là lúa giống, ngô giống và giống rau, đậu các loại. Kinh phí hỗ trợ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Kinh phí hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, đêm hôm qua, mưa đã giảm, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống, hiện đang ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên mức BĐ3. Dự báo đến trưa ngày 18/12, mực nước các sông tiếp tục xuống và chủ yếu ở mức BĐ1-BĐ2, một số sông ở mức BĐ3. Tuy nhiên, dự kiến từ ngày 18 đến ngày 20/12, mưa lớn có khả năng quay lại tại khu vưc Quảng Nam đến Ninh Thuận, lượng mưa phổ biến 100-125mm, riêng Khánh Hòa cao hơn từ 200-200mm.
Với lượng mưa này tuy không lớn nhưng làm tốc độ lũ xuống chậm khiến ngập lụt kéo dài thêm vài ngày nữa. Từ ngày 22-24/12 xuất hiện vùng áp thấp ở ngoài khơi Philippins có khả năng di chuyển vào Biển Đông và rất nhiều khả năng ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ kết hợp với gió lạnh phía Bắc thì có khả năng cao xảy ra một đợt mưa lũ mới từ ngày 6-28/12.
Trước diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo và giao các Bộ ngành, các địa phương liên quan thực hiện tốt 9 nhiệm vụ. Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh: sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để thiệt hại tiếp tục xảy ra. Đặc biệt là bảo đảm an toàn các hồ đập, bảo vệ tốt các di sản văn hóa ở các địa phương. Tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát, dịch bệnh. Nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó.
Huy động các lực lượng như đoàn viên, thanh niên, hội viên ở những vùng ít bị thiên tai đến hỗ trợ vùng thiên tai nặng, giúp người dân dựng lại nhà cửa, không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Tập trung phục hồi cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông đi lại bình thường, phục hồi sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ đông xuân mới để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân năm 2017.
Từng tỉnh, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần không để người dân phải chờ đợi.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về bảo vệ, phát triển rừng, nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên. Các địa phương kiên quyết thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và trồng rừng theo đúng kế hoạch.
Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao năng lực cộng đồng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống mưa lũ.
Hội nghị giao ban trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung |
Cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, Bộ ngành liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt hạn chế thiệt hại, tính mạng người dân, tài sản người dân, tài sản Nhà nước. Không để bất kỳ người dân nào đói, thiếu nước, thuốc trong điều kiện bị cô lập. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo cấp chính quyền, hệ thống chính trị.
“Lãnh đạo địa phương phải sát dân, thăm hỏi, hỗ trợ, cứu trợ cụ thể”- Phó Thủ tướng Trinh Đình Dũng nói. Các địa phương cần rà soát các khu vực nguy hiểm sạt lở, nếu không an toàn thì phải di dời dân. Tiếp tục tìm kiếm người mất tích; theo dõi vận hành an toàn các hồ chứa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Bộ NN – PTNT sẽ có một cuộc họp với các địa phương bàn giải pháp khôi phục, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân đặc biệt sau thiên tai./.
Theo VOV