Kết quả và bài học rút ra sau Cuộc thi báo chí tuyên truyền xây dựng nông thôn mới năm 2016
Điện Biên TV - Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đang từng ngày làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đây là kết quả của quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”.
Đồng hành với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố dọc Quốc lộ 6 (Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên) các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin đại chúng của các địa phương này đã xác định rõ: công tác tuyên truyền đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới và phải được triển khai đồng bộ, theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể, nhằm góp phần cho chủ trương lớn này thành hiện thực và mang lại hiệu quả rõ nét, làm đổi thay diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Từ nhận thức đã nêu, thực hiện kế hoạch công tác năm 2016 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại văn bản số 2855/UBND-VX, ngày 5/8/2015), Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên đã chủ trì phát động và tổ chức cuộc thi báo chí tuyên truyền chủ đề “Xây dựng nông thôn mới năm 2016”, thời gian từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/10/2016. Cuộc thi đã được Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trong toàn Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc Quốc lộ 6 sôi nổi hưởng ứng; các cấp Hội Nhà báo tập trung chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các cơ quan báo, đài, các phòng ban chuyên môn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, đăng tải các tác phẩm báo chi dự thi trên các báo, phát trên sóng phát thanh, truyền hình của các đài; báo điện tử trong toàn Cụm.
Kết quả, đến hết tháng 10 năm 2016, Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên, cơ quan thường trực Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được 162 tác phẩm báo chí của 5 Hội nhà báo các tỉnh, thành phố cụm gửi về tham dự cuộc thi. Trong đó, thể loại báo in và báo điện tử có 59 tác phẩm, báo hình có 77 tác phẩm, báo nói có 23 tác phẩm. Sau vòng chấm sơ khảo do các Hội nhà báo trong cụm chấm, xét chọn, đã đưa vào chấm chung khảo 60 tác phẩm. Ban giám khảo vòng chung khảo của cuộc thi là các nhà báo đang làm công tác lãnh đạo của các Hội nhà báo và cơ quan báo chí trong cụm tham gia. Ban giám khảo đã căn cứ vào thể lệ, nội dung cuộc thi, chấm, xét duyệt và công nhận các tác phẩm tham gia đều đủ điều kiện dự thi, không có tác phẩm nào phạm quy. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, có thảo luận đối với các tác phẩm cần có sự đồng thuận về điểm. Hội đồng chung khảo cuộc thi đã thống nhất với kết quả chấm điểm và các tác phẩm được giải lấy từ điểm số cao nhất cho tới khi hết giải và thống nhất nhận định: các tác phẩm lọt vào chung khảo khá đồng đều, có chiều sâu, có sự phát hiện, sáng tạo. Nhiều tác phẩm báo chí phóng viên đi tận vùng sâu, vùng xa tìm hiểu về cách nghĩ, cách làm trong xây dựng nông thôn mới của bà con dân tộc vươn lên làm giàu trên quê hương, những sáng tạo trong lao động, sản xuất làm kinh tế, những thành tựu, đổi mới trong xây dựng nông thôn mới.
Ban tổ chức Cuộc thi báo chí tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trao giải nhất cho 2 tác giả có tác phẩm đạt giải nhất |
Nét mới trong cuộc thi báo chí lần này là, cuộc thi đã mở rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trong cụm thi đua. Với hội viên, nhà báo thì đây không chỉ là một giải báo chí phát động trong toàn cụm để cạnh tranh mà cuộc thi còn là một dịp để giao lưu với đồng nghiệp làm báo của Thủ đô và các tỉnh trong Cụm đường 6. Các tác phẩm báo chí đã phản ánh, tuyên truyền sâu rộng những thành tựu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương của các tỉnh, thành phố. Qua các tác phẩm phát hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng quê hương. Nhiều tác phẩm phóng sự phát thanh, phóng sự truyền hình và phóng sự báo viết phản ánh những tấm gương tiêu biểu người tốt việc tốt, những nhân tố điển hình tiên tiến góp phần xây dựng nông thôn mới làm đổi thay của từng địa phương nói riêng và diện mạo xây dựng nông thôn mới các tỉnh trong cụm thi đua. Với 60 tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo, Ban giám khảo đã chấm và đề nghị, đã được Ban tổ chức Cuộc thi xét công nhận 22 tác phẩm đạt các giải thưởng của cuộc thi ở ba thể loại báo in, báo nói, báo hình. Cụ thể, 2 giải nhất; 4 giải nhì; 6 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Ban tổ chức Cuộc thi cũng nhận thấy: Công tác chỉ đạo, triển khai cuộc thi đã tới các cấp Hội nhà báo của các tỉnh, thành phố trong cụm thi đua, song nhiều hội viên, nhà báo chưa quan tâm tới cuộc thi, do đó chưa có nhiều tác phẩm báo chí có nội dung phong phú, phản ánh sinh động đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, như bàn về mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp cơ chế thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tín dụng trong nông nghiệp, các gương và mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, nét văn hóa và sinh hoạt ở nông thôn... Chưa có nhiều bài viết nêu bật những vấn đề được dư luận quan tâm như xây dựng nông thôn mới, phát triển nghề cá gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, cách thức làm giàu. Nhiều vấn đề cấp bách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa được phản ánh kịp thời.
Từ những cái được và chưa đạt được của Cuộc thi báo chí tuyên truyền “xây dựng nông thôn mới” của Cụm thi đua Hội nhà báo các tỉnh, thành phố dọc Quốc lộ 6 năm 2016 cho thấy, câu hỏi được đặt ra sau cuộc thi này là: Làm thế nào để báo chí trở thành hơi thở và cuộc sống của bà con nông dân? Đi tìm câu trả lời ấy có phần trách nhiệm lớn thuộc về các nhà báo. Thực tiễn những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất cần báo chí phải đưa ra được những đề xuất, kiến nghị, lý giải, mổ xẻ phân tích xác đáng. Ví dụ: Vì sao chúng ta là nước xuất khẩu gạo đứng hàng nhất, nhì thế giới, giá gạo hiện nay đang ở mức cao nhất so với những năm qua, nhưng người nông dân hầu như không nhận được phần tương ứng với sức lao động của mình. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, một phần lớn nông dân phải rời khỏi nông thôn, họ sẽ cư trú ở đâu trong đô thị ngày mai, họ sẽ làm gì để trở thành tầng lớp thị dân mới? Làm sao để cuộc sống của người dân gắn với công ăn việc làm ổn định, được học hành và hưởng các dịch vụ kèm theo? Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách của các vùng quê nông thôn với thành thị? Làm sao để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các làng quê? Làm thế nào để nông thôn tạo được công việc mới, có điều kiện phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ mang lại thu nhập và nâng cao đời sống văn hóa ngày một khá lên cho người nông dân?... Cùng với đó là việc các cơ quan báo chí và người làm báo phải đi tìm, trả lời cho được một câu hỏi nữa, đó là: Làm thế nào để nông dân tiếp cận được nhiều hơn với báo chí, với thông tin là vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra. Nhìn một cách tổng thể, công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền trên báo Đảng nói riêng về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, có rất ít bài viết đi sâu phản ánh thực tiễn, nhất là những bài phản ánh mặt tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thậm chí trong chừng mực nào đó còn chưa kịp thời phản ánh những vấn đề nóng bỏng, bức thiết đặt ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn…
Cuộc thi nào rồi cũng đến phần tổng kết và tiến hành trao giải. Việc nhiều người tham gia, nhưng chỉ có một số người đoạt giải với các mức giải cao – thấp khác nhau cũng là lẽ thường tình và đúng với quy chế, quy định và thể lệ của cuộc thi. Song, điều quan trọng nhất, đáng ghi nhận và được đánh giá cao trong cuộc thi này là "các cấp hội trong cụm thi đua Hội nhà báo dọc đường 6 đã quan tâm triển khai và chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện; hội viên nhà báo ở cả 5 tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua đều đã hào hứng tham gia một cuộc thi không chỉ là thể hiện nghiệp vụ báo chí mà còn thể hiện ý thức của báo chí đồng hành trong quá trình triển khai một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước “Xây dựng nông thôn mới” bằng việc tuyên truyền, cổ vũ các điển hình, tiên tiến, cách làm hay; phê phán, đấu tranh với những biểu hiện lừng chừng, thiếu nhiệt tâm, cầu lợi hay ỷ nại vào trợ giúp của cấp trên trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, cơ sở; gợi mở, đề xuất, kiến nghị các phương thức, cách làm hay, mới, sáng tạo, cũng như tham gia giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân, đồng thời cũng gợi mở cho cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới với từng vùng, địa phương đi tới thành công và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng nông thôn, nông nghiệp trong các tỉnh, thành phố dọc Quốc lộ 6./.
Mai Vân