Huyện Điện Biên nỗ lực trong công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thứ Hai, 26/12/2016, 16:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nỗ lực trong công tác thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BHXH huyện Điện Biên. Hiện nay, vào những ngày cuối năm, BHXH huyện Điện Biên cũng đang gấp rút để cố gắng hoàn thành công tác thu trong năm 2016.

Ngay từ đầu năm, BHXH huyện Điện Biên đã đề ra các giải pháp quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thu; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 11 năm 2016, toàn huyện có 104.442 người tham gia BHXH, BHYT. Ước tính đến 31/12/2016, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt 131.423 triệu đồng, chiếm 92,21% kế hoạch; trong đó số thu BHXH bắt buộc 61.713 triệu đồng, chiếm 98,66%, BHTN 3.643 triệu đồng, chiếm 99,51%, BHYT 68.198 triệu đồng, chiếm 88,43%, lãi chậm đóng BHXH, BHYT 136 triệu đồng.

Mặc dù đã ước đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác thu nộp các loại bảo hiểm vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện còn chưa cao. Một số đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tình trạng nợ BHXH, BHYT còn cao, có doanh nghiệp để nợ đọng nhiều, chậm nộp, kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho cơ quan BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo báo cáo của BHXH huyện Điện Biên, tính đến cuối tháng 10 năm 2016, số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn huyện là trên 400 triệu đồng, số nợ này tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

c
Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng BHXH của người dân.

 

Nhìn chung, đối với người lao động, do nhận thức còn hạn chế, hiểu biết về BHXH chưa nhiều nên dẫn đến nhiều lao động chưa tham gia đóng BHXH, thậm chí còn thờ ơ, không quan tâm đến việc chủ sử dụng lao động có đóng BHXH cho mình hay không, nên khi gặp phải trường hợp rủi ro, cần được hưởng các chế độ mới biết sự cần thiết khi tham gia đóng BHXH. Cùng với đó, việc quản lý lao động trên địa bàn huyện chưa chặt chẽ, nhất là việc rà soát danh sách BHXH, BHYT ở các xã, đồng thời chưa tổ chức được nhiều đợt kiểm tra liên ngành đối với các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHTN, BHYT dẫn đến việc phát triển đối tượng vẫn còn nhiều hạn chế. Song bên cạnh một số doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ việc trích nộp BHXH, BHYT thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT nên đã chấp hành rất nghiêm chỉnh các quy định của Luật BHXH, BHYT, hằng tháng đều đối chiếu, điều chỉnh số lượng tăng giảm, trích nộp các khoản bảo hiểm đúng quy định, không để chậm thời gian, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trước thực trạng đó, BHXH huyện Điện Biên đã nỗ lực tập trung chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ, viên chức làm công tác thu; yêu cầu cán bộ thu phải thường xuyên bám sát đơn vị sử dụng lao động nắm bắt tình hình, rà soát và đối chiếu danh sách lao động giữa đơn vị tham gia BHXH với cơ quan BHXH trên cơ sở danh sách thực tế của đơn vị đang quản lý để có giải pháp kịp thời trong việc thu, phát triển đối tượng tham gia. Đồng thời, tăng cường đôn đốc kiểm tra, nhắc nhở đơn vị sử dụng lao động do mình phụ trách thực hiện nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ số tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động.

Ông Kim Mạnh Hùng, Giám đốc BHXH huyện Điện Biên cho biết: Để tập trung thực hiện hiệu quả công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng thu nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2017, BHXH huyện Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; đồng thời tiếp tục làm chuyển biến tích cực nhận thức về BHXH, BHYT, BHTN của các cấp, ngành, đơn vị sử dụng lao động và nhân dân. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến tất cả các xã và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN, tăng tỷ lệ số người tham gia BHXH, BHYT tự nguyện. Cùng với đó là thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng tham gia.  

BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Chính vì thế, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cũng cần phải có ý thức, tự nguyện tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Đây cũng là một trong những yếu tố để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, có như vậy mới bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững./.

 

Phong Lâm  

 

.