Hội Nhà báo chú trọng động viên hội viên đề cao trách nhiệm xã hội, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí
Điện Biên TV - Nghề báo là một nghề không giống như bất cứ một nghề nào trong xã hội. Nó không chỉ đơn thuần là nghề để mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày của mỗi con người mà ở thời nào cũng vậy, người làm nghề báo theo đúng nghĩa thì trước hết và cao nhất phải là người biết đề cao, thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình với xã hội; đồng thời coi đó là một trách nhiệm đặc biệt và cao quý mà mình được vinh dự đón nhận.
Nhà báo phải là người luôn tích cực tham gia tuyên truyền cổ vũ cho cái mới, cái đẹp, cái tốt tươi |
Câu hỏi đặt ra là điều đó ở đâu và người làm nghề báo thể hiện thế nào cho xứng tầm và đạt chuẩn? Người làm báo và cơ quan báo chí cần quan tâm, chú trọng học tập, rèn luyện, phấn đấu, thực hiện như thế nào để là người làm nghề chân chính, đúng nghĩa? Để đạt được điều này, sẽ có nhiều vấn đề mà người làm báo phải có, nhưng chắc chắn một điều không thể thiếu đó là người làm nghề báo phải là người có tri thức và sự hiểu biết để đủ sức tham gia phản biện xã hội. Cùng với đó, trong suốt cả đời người, đời nghề, nhà báo phải là người luôn tích cực tham gia tuyên truyền cổ vũ cho cái mới, cái đẹp, cái tốt tươi; dám dấn thân, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân để chủ động tiến hành bút chiến với cái ác, cái xấu xa, những vấn đề đen tối, gian manh,… đã và đang cản trở bước đi của con người, sự phát triển của xã hội. Có như vậy, từ hoạt động báo chí của mình, tờ báo và trước tiên là nhà báo mới có những đóng góp và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn đạo đức và tinh hoa văn hóa, lề lối và kỷ cương, thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống tinh thần cho xã hội ngày càng lành mạnh, tốt đẹp, đúng với mong muốn của nhân dân và đất nước.
Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong suốt chặng đường 91 năm (kể từ ngày hình thành nền báo chí cách mạng Việt Nam) đã qua, tuyệt đại đa số những người làm báo Việt Nam, qua các thế hệ, đều hiểu và thực hiện được vai trò, bổn phận và trách nhiệm đã nêu ở trên. Chính vì vậy, những người làm báo nước ta luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội tin yêu. Đây cũng chính là nền tảng để Hội nhà báo các cấp và mỗi hội viên nhà báo chúng ta hôm nay tiếp tục noi gương, chủ động, tự giác rèn luyện, phấn đấu và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho bản thân và đồng nghiệp của mình.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh tuyệt đại đa số nhà báo luôn gìn giữ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp, cũng còn có những nhà báo quên đi lương tâm, trách nhiệm của nghề báo, có những biểu hiện, hành vi cơ hội, vụ lợi, thậm chí vi phạm pháp luật. Phải chăng có điều này là do những nhà báo đó yếu kém về năng lực và nhận thức, nên đầu óc mụ mị, không phân biệt được đúng, sai và không nhìn ra đâu là sự thật? Họ đã mang tư tưởng vụ lợi, bị các lợi ích cá nhân như tiền bạc, tình cảm, sự ban ơn, trả ơn... bị chi phối bởi các mối quan hệ phức tạp của gia đình, dòng họ... Tệ hơn là vì quyền lợi của một nhóm lợi ích, hoặc vì hận thù, có người khi làm báo chỉ biết chăm chăm đi vào khai thác mặt trái của xã hội, cộng thêm cách rút tít, viết sa pô và trình bày đậm nét những nội dung này nên đã khiến một bộ phận công chúng lầm tưởng đấy là bản chất của xã hội.
Về góc độ khác cũng cho thấy, có người khi hành nghề đã tìm kiếm các bài viết chưa được kiểm chứng thông tin, hoặc mang tính chất kích thích tâm lý luôn thích cái trái chiều, cái lạ của một bộ phận công chúng (gồm cả những vấn đề không phải là cơ bản, là bản chất nhưng lại được báo chí nước ngoài đưa lên thành cơ bản, thành bản chất) được đăng trên báo mạng để lấy về đăng lên báo trong nước... Thậm chí có cả những bài báo thông tin quy chụp, sai lệch cũng vẫn được lãnh đạo của một vài tờ báo cho in, phát hành. Vì lẽ đó, khi báo đến tay bạn đọc đã gây xao động tư tưởng cán bộ đảng viên, nhân dân và làm bức xúc dư luận xã hội, thậm chí làm thiệt hại đến uy tín của tổ chức và cá nhân, tổn hại thương hiệu và giá trị kinh tế của một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp... nên đã bị cơ quan chỉ đạo chính trị tư tưởng các cấp nhắc nhở, khiển trách, đặc biệt là đã có những cơ quan báo chí và nhà báo bị Bộ Thông tin - Truyền thông, cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về báo chí căn cứ quy định của pháp luật xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ xuất bản có thời hạn với tờ báo và tước thẻ nhà báo - chứng chỉ hành nghề của những tờ báo và nhà báo có sai phạm.
Theo tôi, những vấn đề vừa nêu có thể coi là biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp nguy hiểm nhất mà các cấp hội nhà báo phải quan tâm, vì nó đã đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của nghề báo; phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của lao động báo chí là “tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật và bảo vệ sự thật”.
Bên cạnh việc những thông tin sai lệch, thông tin thiếu kiểm chứng vẫn đưa lên báo đã nêu trên, hiện nay cũng đã có hiện tượng nhà báo trong khi tác nghiệp, làm nghề thấy cái đúng không lên tiếng ủng hộ, cổ vũ, thấy sai không dám đấu tranh, phê phán. Trong khi xã hội rất cần báo chí phải xung kích, phải tiên phong, thì khá nhiều nhà báo, tờ báo rơi vào tình trạng này. Họ nấp dưới cái vỏ thận trọng để lẩn tránh trách nhiệm xã hội, quên đi tôn chỉ mục đích của tờ báo của mình là cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị hay chính trị - xã hội, tiếng nói của cấp chính quyền – cơ quan chủ quản mà tờ báo mang tên, hơn thế họ còn đánh mất đi vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ của một tờ báo đó là diễn đàn rộng lớn, dân chủ, đáng được tin tưởng để nhân dân thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với các cấp, các ngành, các nhà lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở…
Hội Nhà báo cần tổ chức việc phổ biến, học tập các Quy định cho cán bộ, hội viên và những người hành nghề báo chí, đúng như yêu cầu và Luật Báo chí 2016 quy định. |
Trước những biểu hiện đã nêu trên cho thấy, phải chăng những nhà báo, tờ báo này đã và đang chỉ biết chú trọng bảo vệ lợi ích cá nhân, vị kỷ của mình; “mũ ni che tai” với nhịp điệu đời sống xã hội, vì sự an toàn cho bản thân, bộ phận, mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng dân cư? Chúng ta phải nói ngay, những người có hành vi như thế, họ thường tự huyễn hoặc với chính mình rằng việc làm của họ là đúng, là đảm bảo cho sự yên ổn cho xã hội, nhưng họ đâu biết từ sâu xa trong mỗi việc làm của họ như vậy là sai, thậm chí rất sai. Cái sai lớn nhất của những người này cần phải chỉ ra ngay đó là, họ đã làm một việc không có lợi cho sự ổn định của xã hội, mà thực chất là đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc phát triển của đất nước, dân tộc. Trước các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của nhà báo như đã nêu, trong thời gian tới Hội Nhà báo các cấp phải làm gì?
Theo tôi, có hai vấn đề mà nhà báo cần quan tâm là trách nhiệm xã hội và tính chuyên nghiệp. Bởi suy cho cùng thì đây là hai mặt của một vấn đề phẩm chất và năng lực của nhà báo. Phẩm chất thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà báo còn năng lực thể hiện tính chuyên nghiệp. Trách nhiệm xã hội buộc nhà báo phải viết trung thực, khách quan, vì lợi ích của cộng đồng. Còn một nhà báo có tính chuyên nghiệp thì nhà báo đó phải có hiểu biết về pháp luật và thể chế. Trước đây, chúng ta có 10 điều Quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, sau đổi thành 9 điều Quy định. Vừa qua, theo chủ trương của Ban Chấp hành Đại hội X, Hội Nhà báo Việt Nam, chúng ta tiếp tục sửa đổi, bổ sung thành 10 điều và đã cho ban hành Quy định này.
Để 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được triển khai thực hiện nghiêm và mang tính tự giác, theo tôi, các cấp Hội nhà báo cần:
Một là, tổ chức việc phổ biến, học tập các Quy định cho cán bộ, hội viên và những người hành nghề báo chí, đúng như yêu cầu và Luật Báo chí 2016 quy định.
Hai là, trên cơ sở Quy định về đạo đước nghề nghiệp, ban chấp hành các cấp hội nhà báo cần phối hợp với lãnh đạo, cấp ủy, các tổ chức chính trị trong cơ quan báo chí, trên cơ sở tôn chỉ, mục đích và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí cùng cấp cụ thể hóa thành các bản quy định, quy ước, mang tính ràng buộc trách nhiệm pháp nhân và pháp lý với người làm báo khi hành nghề báo, trong đó cần nêu rõ nếu nhà báo nào vi phạm sẽ bị “trừng phạt” nghiêm khắc.
Đi đôi với hai vấn đề nêu trên là việc các cấp hội cần phối hợp chặt với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí (Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông) và cơ quan làm công tác cán bộ cùng cấp, kiến nghị, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền (cơ quan chủ quản báo chí) tập trung xây dựng cho được một đội ngũ quản lý và chỉ đạo báo chí có chất lượng, hợp xu thế phát triển. Đồng thời, phải chọn được những người đứng đầu các cơ quan báo chí, các ban biên tập vững về chuyên môn, có năng lực điều hành, quản lý, tiếp cận nhanh xu hướng làm báo hiện đại và có phẩm chất đạo đức tốt. Những người đứng đầu cơ quan báo chí phải là những tấm gương nghề nghiệp cho các nhà báo; có tâm huyết, trách nhiệm và đủ uy tín, năng lực, trí tuệ thiết lập được một môi trường báo chí lành mạnh trong từng tòa soạn, cơ quan báo chí. Từ đó, tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho các hoạt động của báo chí, trong đó vai trò của báo chí được đánh giá cao, những người làm báo được tôn trọng và bảo vệ; gắn với đó là việc hình thành một cơ chế để đồng nghiệp, cơ quan báo chí, luật pháp và xã hội cùng tham gia giám sát hoạt động của các nhà báo.
Nghề báo là nghề đặc thù, nhưng việc giám sát, đánh giá nhà báo cũng không phải là quá khó. Bởi lao động báo chí được thể hiện thông qua các tác phẩm báo chí và đó là tấm gương phản chiếu quá trình lao động và đạo đức của nhà báo. Nên khi tờ báo phát hành, tác phẩm báo chí ra mắt bạn đọc báo, xem truyền hình và nghe đài, ngay lập tức, chất lượng và động cơ của bài báo sẽ được nhân dân, đồng nghiệp và các cơ quan có chức năng đánh giá, thẩm định./.
Nguyễn Vân Chương
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên