Chọn người tài có khó hay không?

Thứ Năm, 29/12/2016, 16:44 [GMT+7]

Chọn người tài không khó, vấn đề là chúng ta có muốn chọn chính xác hay không mà thôi.
 
Công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi mọi nhiệm vụ, công việc của đất nước có thành hay bại đều tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân sự. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cán bộ của nước ta có nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Ngay tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhìn nhận những yếu kém, tồn tại thời gian qua có nhắc đến các sai phạm trong công tác cán bộ, trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh.

1
Bổ nhiệm Vụ phó 26 tuổi đang khiến dư luận bức xúc


Chỉ trong thời gian ngắn, dư luận đã phát hiện hàng loạt vụ bổ nhiệm cán bộ “có vấn đề”. Đơn cử, việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải – con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; bổ nhiệm và luân chuyển Trịnh Xuân Thanh từ lãnh đạo DN làm ăn thua lỗ về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; gần đây nhất là việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng mới 26 tuổi làm Vụ phó Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, sau thời gian rất ngắn, Cần Thơ tiếp nhận ông Hoàng về làm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm TP. Cần Thơ.

Xem ra, các vụ bổ nhiệm cán bộ khiến dư luận bức xúc, bất bình đều do các quyết định được đưa ra chủ yếu theo hướng “chọn người nhà, người thân chứ không phải chọn người tài”. Nếu các quyết định liên quan đến công tác cán bộ minh bạch, công khai và người được bổ nhiệm xứng đáng thì chắc chắn sẽ không ai điều tiếng gì. Nhưng sau các quyết định này đều có những “bức màn bí mật” mà nhiều người mong muốn sớm được công khai trước công luận.

Liệu có phải hiện trong hệ thống chính trị, hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước của chúng ta không có người tài? Hay các cơ quan này không sử dụng, không phát huy được hết năng lực của nguồn nhân lực hiện có? Và việc chọn người tài có phải khó đến mức không còn cơ hội nào cho những người không có quan hệ và tiền tệ? Có quá nhiều câu hỏi đặt ra đối với việc bố trí, sử dụng cán bộ hiện nay.

Chúng ta có khát nhân tài không? Có. Nhân tài có hiếm đến mức không thể tìm ra mà thấy “nổi” lên một hình bóng nào đó đã phải “vồ” lấy ngay? Thực tế, trong hệ thống các cơ quan Nhà nước hiện nay không thiếu người tài, có chí hướng, hoài bão xây dựng đất nước. Bởi không ít người từng làm trong cơ quan nhà nước, do bất mãn với việc sử dụng con người ra ngoài lập công ty hoặc làm thuê cho các tổ chức phi chính phủ đều rất thành công. Thậm chí, sau một thời gian, chính những người ở các cơ quan nhà nước lại phải “cạy cục” để được những người này tư vấn hoặc giúp đỡ trong công việc.

Công tác cán bộ không minh bạch, không chính xác đã gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Dễ thấy nhất là việc Nhà nước mất công đào tạo nhưng vì những ích kỷ cá nhân, vì vụ lợi mà sau đó không sử dụng nguồn nhân lực chất lượng do mình đào tạo ra. Thành quả này lại rơi vào các DN FDI, các tổ chức, cơ quan nước ngoài… Những thất thoát đó ai là người phải chịu, ai là người tính toán, bù đắp được? Còn nhiều hệ lụy khác từ sai lầm trong công tác cán bộ mà chúng ta không thể đo đếm bằng những thiệt hại kinh tế cụ thể. Bởi đó là những thiệt hại vô hình, kéo giảm sự tiến bộ và phát triển của toàn xã hội hoặc của một ngành, một lĩnh vực.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhìn thấy những bất cập trong công tác cán bộ hiện nay. Chính vì vậy,  mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm 2017 là khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm... tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp.

Và cuối cùng, xin khẳng định, chọn người tài không khó nhưng vấn đề chúng ta có muốn chọn chính xác hay không mà thôi. Điều này tùy thuộc rất lớn vào quyết tâm của những người đứng đầu./.

 

Theo VOV

.