Vụ cháy quán karaoke: 13 mạng người và những tiếng giá như… ​

Thứ Hai, 07/11/2016, 09:53 [GMT+7]

Sau vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, những thiệt hại về người không gì bù đắp được, những tiếng “giá như” thốt ra đầy xót xa…
 
Vụ cháy quán karaoke 68 trên đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội trưa 01/11 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 13 người. Những nỗ lực của lực lượng PCCC chỉ có thể khống chế không để ngọn lửa bùng phát lây lan sang các nhà bên cạnh chứ không thể cứu được người.

Sau vụ cháy, những thiệt hại về người là không thể tính toán và bù đắp được, nhiều người chứng kiến vụ cháy thì chỉ có thể thở dài và thốt lên những tiếng “giá như...” đầy xót xa.
 

1
Trụ nước cứu hỏa trong khu dân cư (Ảnh minh họa)


Vài ngày sau khi cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, trung úy Lê Đình Vĩnh, là giảng viên Khoa Cứu hộ cứu nạn - Đại học PCCC và cũng là chiến sỹ đã trực tiếp tham gia cứu hỏa vụ cháy trên đường Trần Thái Tông chiều ngày 1/11 cho biết, hiện anh đang phải điều trị vết thương đứt gân bàn chân trái ở Bệnh viện 198 – Bộ Công an. Trò chuyện với anh mới hiểu hết những hiểm nguy rình rập những người lính cứu hỏa trong mỗi vụ cháy. Chỉ sơ xẩy nhỏ, có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Anh Vĩnh cho biết, trưa ngày 1/11, khoảng 14h5 phút, trường nhận được thông báo của Trung tâm cảnh sát PCCC Hà Nội thông báo có cháy lớn. Lập tức trường điều động 2 xe cứu hỏa cùng một tốp chiến sỹ khác chia làm 2 tiểu đội lên xe đến hiện trường.

“Hôm đó chúng tôi triển khai phương án và di chuyển rất nhanh, vì lúc đó là trưa nên đường không đông lắm. Khoảng 15 phút sau 2 xe của trường điều động có mặt và phối hợp cùng lực lượng chỉ huy tiếp cận hiện trường, triển khai phương án tiếp nước, chữa cháy…”, trung úy Lê Đình Vĩnh kể lại.

Đến nơi đã có nhiều xe cứu hỏa khác đã đến hiện trường trước cùng xe thang đang phun nước vào trong mấy căn nhà bị cháy. “Lúc đó lửa đã cháy to, bao trùm khắp mấy căn nhà rồi. Kíp tôi chỉ huy lập tức phối hợp với lực lượng hiện trường tiếp cận đám cháy. Tôi vừa chỉ huy nhóm vừa trực tiếp tham gia cứu hỏa, tiếp cận hiện trường ở các hướng để dập lửa…”, anh Vĩnh kể lại.
 

1
Lực lượng PCCC Hà Nội triển khai phương án chữa cháy số nhà 68 đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội.


Hôm đó, hơn 20 xe cứu hỏa cùng các thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện đại đã phối hợp để tham gia dập lửa. Tuy nhiên, do đám cháy và vật liệu bị cháy trong nhà toàn là đồ rất dễ cháy, xe bồn chứa nước thì có hạn. Cho nên cứ bơm được một lúc thì lại hết nước, lại phải chạy đi tiếp nước ở nơi khác khá xa.

“Nước xa không thể cứu được lửa gần”, câu đó vẫn luôn đúng trong mọi trường hợp và trong vụ cháy này thể hiện rất rõ. Trung úy Lê Đình Vĩnh cho biết, theo nghề đã lâu, đã tham gia chữa cháy rất nhiều vụ nhưng vụ cháy số 68 Trần Thái Tông thì cũng được xếp vào một trong những vụ cháy kinh khủng nhất anh tham gia.

“Khi nhận được tin có vụ cháy lớn, lúc đó chỉ mong sao ra được hiện trường nhanh nhất để cứu người, chữa cháy. Khi có 1 sự cố xảy ra, nhận được thông tin, mong muốn của người đi cứu nạn là ra được đến nơi càng nhanh càng tốt và cứu được người 1 cách nhanh nhất. Cứu hỏa là phải nhanh, kết hợp thực tế hiện trường, những kinh nghiệm để xử lý…”.

“Nếu hôm đó, trên đường Trần Thái Tông mà có vài trụ nước cứu hỏa thì hay biết mấy. Cả tuyến đường không có trụ nước nào, xe cứu hỏa phải đi xa lấy nước, nên khả năng chữa cháy cũng hạn chế đi rất nhiều. Đường phố Hà Nội mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, đó cũng là những hạn chế trong phòng cháy chữa cháy…”, trung úy Lê Đình Vĩnh nói.

Còn anh Phạm Đức Nhân, quê ở Thanh Chương, Nghệ An, là người chứng kiến từ phút đầu tiên khi quán karaoke 68 bị cháy và cũng là những người tham gia chạy lên các tầng trên đập cửa kêu gọi mọi người chạy xuống khi lửa mới cháy cho biết: anh cũng có chút ít khinh nghiệm trong PCCC. Vì lúc trước, khi còn làm công tác đoàn thanh niên huyện, vì rừng ở miền Tây Nghệ An vào mùa khô, người dân sơ ý thì rất rễ gây hỏa hoạn. Do đó, đoàn thanh niên năm nào cũng tổ chức tập huấn phòng chống cháy rừng mùa khô.

Theo anh, trong PCCC, nguyên tắc “4 tại chỗ” mà tốt thì khả năng tổn thất được giảm đáng kể. Trong các vụ hỏa hoạn, lực lượng, phương tiện, chỉ huy tại chỗ là tối cần thiết.

“Cả tòa nhà, thiết bị PCCC sơ sài, hầu như không có. Khi có cháy thì không ai biết làm gì với các trang thiết bị đó. Bên cạnh đó, nếu có vòi nước cứu hỏa bên dưới mỗi tòa nhà như thế, khi có cháy có thể triển khai được ngay thì cũng giảm thiệt hai đi đáng kể…”, anh Nhân phân tích.
 

1
Phải đi lấy nước xa chỗ xảy ra hỏa hoạn khiến công tác chữa cháy bị chậm lại

 

Cũng giống như trung úy Lê Đình Vĩnh, anh Phạn Đức Nhân…, bà Nguyễn Thị Hòa (55 tuổi- người bán nước trà đá cạnh hiện trường vụ cháy) cho biết, “Đường Trần Thái Tông là tuyến đường được đầu tư làm mới hoàn toàn vài năm nay, trên trục đường này có rất nhiều nhà to làm văn phòng cũng như những cửa hàng, dịch vụ và công sở. Vậy nhưng cả tuyến đường mới như vậy mà không có nổi cái ụ nước cứu hỏa nào. Vụ cháy hôm trước mà có trụ nước cứu hỏa gần, xe cứu hỏa không phải đi xa, có lẽ sự việc đã khác, không đến nỗi chết nhiều người như thế…”.

“Sau vụ cháy, thấy kinh hoàng quá. Nghe mọi người nói tôi mới để ý, cả tuyến phố mới to, rộng hiện đại thế này mà không có trụ nước cứu hỏa nào thì cũng lạ. Cũng mong những bất cập như thế này sớm được khắc phục…”, ông Hữu, nhà trong ngõ, hàng ngày chạy xe ôm ở gần nhà 68 bị cháy cho biết.

Theo ông Hữu, bây giờ cần phải lắp thêm các trụ nước cứu hỏa trên tuyến đường này, ở hai bên, cạnh những nơi có nhà làm văn phòng, nơi đông hàng kinh doanh…"để không may cháy thì còn có nước gần đó mà cứu hỏa".

Chúng tôi mang những băn khoăn, thắc mắc trên trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, ông cho rằng: về lý thuyết, khi xây dựng một tuyến đường mới, người ta phải tính toán kỹ về đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, ở đây là điện, nước, điện chiếu sáng, thoát nước…và tất nhiên có cả các trụ nước cứu hỏa. Tuy nhiên, ông không hiểu lý do gì mà người ta không lắp các trụ nước cứu hỏa như thế.

“Có thể lắp đặt thêm các trụ nước cứu hỏa sẽ đội chi phí tuyến đường lên, nhưng tôi nghĩ không nhiều. Chúng ta nên lắp đặt các trụ nước cứu hỏa trên vỉa hè các tuyến phố, nơi thuận tiện đề phòng có cháy, như thế sẽ rất thuận tiện cho công tác cứu hỏa…Đừng bao giờ nói cái gì là không cần thiết, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng…”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng phân tích.

Gần 1 tuần sau vụ cháy quán karaoke 68 trên phố Trần Thái Tông, những gì còn lại chỉ là căn nhà cả chục tầng bị cháy đen nhẻm, người ta không còn nhận ra.

Đường phố Trần Thái Tông hôm nay đã trở lại bình thường như hôm trước khi xảy ra vụ cháy. Tuy nhiên, vụ cháy sẽ còn ám ảnh nhiều người, đặc biệt là người thân, gia đình của 13 người xấu số. Giá như hôm đó những người thợ hàn cẩn thận hơn, giá như trong quán trang bị hệ thống cứu hỏa tốt hơn, giá như trên đường có những trụ nước cứu hỏa để lực lượng chữa cháy không phải mất nhiều thời gian cho quãng đường đi bơm nước khá xa, giá như các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy đã kiên quyết, nghiêm túc và trách nhiệm hơn trong việc xử lý quán karaoke này vì những sai phạm trước đó.../.

 

Theo VOV

.