Phương án nghỉ Tết âm lịch 2017: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Thứ Sáu, 04/11/2016, 07:32 [GMT+7]

Việc nghỉ Tết dài ngày tạo điều kiện cho mọi người về ăn Tết cùng gia đình, nhưng lại ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh...
 
Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi Bộ LĐTB&XH thống nhất với phương án nghỉ Tết Âm lịch “2 ngày cuối năm Bính Thân và 3 ngày đầu năm Đinh Dậu” (thời gian công chức, viên chức được nghỉ là 7 ngày), không hoán đổi ngày nghỉ để kéo dài thời gian nghỉ Tết (dự kiến lên 10 ngày). Phương án nghỉ lễ, Tết 2017 sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 3/11, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mỗi phương án đều có những thuận lợi và hạn chế.

1
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam


Theo ông Cường, việc nghỉ dài ngày hơn sẽ tạo điều kiện cho mọi người về thăm và ăn Tết cùng gia đình, nhất là những công nhân, người lao động ở xa.

Bên cạnh đó, nghỉ dài ngày cũng tạo điều kiện cho nhiều người đi du lịch, tham quan, qua đó góp phần kích cầu kinh tế, du lịch cũng là yếu tố tốt.

Tuy vậy, ông Cường cũng nhấn mạnh, thời gian nghỉ Tết liên quan việc cán bộ công chức vẫn phải thực thi công vụ. Với doanh nghiệp, nếu nghỉ dài quá, một tháng mà nghỉ tới 1/3 thời gian thì ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Do đó, điều này cần tính toán kỹ lưỡng.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) thì bày tỏ quan điểm Tết âm lịch không nên nghỉ nhiều, nhất là với các cơ quan nhà nước vì thời điểm này nhiều nước trên thế giới vẫn làm việc. Nghỉ dài cũng gây ra xáo trộn dẫn đến lãng phí không cần thiết.

Riêng đối với những công nhân, người lao động đi làm xa, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng có thể những khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty sử dụng lao động có chính sách phù hợp, như cho nghỉ thêm.

“Tuy nhiên với công sở, cơ quan nhà nước, những thiết chế như bệnh viện, trường học, ngân hàng..., nói chung là khu vực dịch vụ công thì nên nghỉ ngắn thôi” – ông Nghĩa nêu quan điểm.

1
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM)


Vị đại biểu đoàn TPHCM cũng cho biết, nhiều nước được nghỉ nhiều lần trong năm nhưng cũng không nghỉ quá dài. Còn nghỉ dài thì đã có chính sách nghỉ phép.

“Tôi nghiêng về phương án nghỉ 7 ngày, thậm chí sau này tôi cho rằng nên rút ngắn hơn nữa” – ông Nghĩa nêu ý kiến.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì bày tỏ: "Tôi nghĩ nếu chúng ta dành thời gian nghỉ mà đời sống, thu nhập thấp thì có lẽ người lao động cũng không thiết tha việc nghỉ nhiều. Vì vậy tôi nghĩ lựa chọn phương án nghỉ 7 ngày là hợp lý, nó giải quyết được vấn đề tình cảm, mối quan hệ gia đình, quan trọng hơn là liên quan tới vấn đề kinh tế của mỗi người lao động và cũng phù hợp với đặc điểm của đất nước ta khi năng suất lao động đang ở mức thấp".

Trong khi đó, theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cần đưa ra phương án linh động hơn và có sự lựa chọn hợp lý. Ví dụ với cơ quan hành chính, nếu nghỉ công việc có thể dồn làm lúc khác, nhưng còn các doanh nghiệp, lịch nghỉ Tết còn liên quan đến các hợp đồng, kỷ luật kinh tế.

"Ngoài ra cần cân nhắc việc có những người lao động không có nhu cầu nghỉ dài như thế, muốn tranh thủ làm thêm, hoặc những nhà sản xuất, chủ doanh nghiệp muốn tận dụng nguồn lao động để công việc sản xuất không đứt đoạn", đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến./.

 

Theo VOV

.