Nhiều ghe thuyền bị sóng lớn đánh chìm trên cửa biển
5 thuyền đánh cá công suất dưới 20 CV và 1 tàu giã cào đơn công suất lớn đã bị sóng to đánh chìm.
Sáng nay (4/11), do ảnh hưởng của thời tiết xấu, nhiều ghe thuyền đánh cá của ngư dân thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã bị sóng đánh chìm khi đang vào cửa biển.
Ghe thuyền bị sóng đánh chìm khi vào cửa biển La Gi. |
Khoảng 9 giờ sáng, khi thủy triều đang rút, nhiều ghe thuyền muốn nhanh chóng vào bờ để bán hải sản đã bất ngờ gặp sóng lớn. Trong đó, 5 thuyền đánh cá công suất dưới 20 CV và 1 tàu giã cào đơn công suất lớn đã bị đánh chìm. Nhiều ngư dân trên các phương tiện gặp nạn đã kịp thời nhảy xuống biển bơi vào bờ, nên không có thiệt hại về người.
Thị xã La Gi hiện đang huy động lực lượng chức năng và ngư dân địa phương tiến hành trục vớt số ghe thuyền bị sóng đánh chìm trên cửa biển.
Gần 41 nghìn tàu thuyền biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới
Theo báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến sáng nay (4/11), Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Hà Tĩnh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu kiểm đếm hướng dẫn cho gần 41.000 phương tiện với khoảng 200.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Cũng trong sáng nay (4/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, báo cáo nhanh tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, mưa lũ đã làm 6 người chết tăng 2 người so với ngày hôm qua và làm 7 người mất tích. Mưa lũ đã khiến hơn 1.800 nhà dân bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước; hơn 3 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hỏng; gần 30 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; Nhiều đoạn đê, hàng chục đập, cống bao ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xói lở, hư hỏng....
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương theo quy định; Tổ chức hỗ trợ nước uống, lương thực, chăn màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác, kiên quyết không được để người dân bị khát, đói, rét; Tổ chức dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước đối với những khu vực nước đã rút (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); Khẩn trương khắc phục các sự cố giao thông, thủy lợi…để sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Các chủ hồ theo dõi sát diễn biến mưa, lũ để thông báo, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp nhằm đảm bảo thông tin kịp thời khi điều tiết xả lũ./.
Theo VOV