Mường Nhé: Trồng mới rừng là bài toán khó
Điện Biên TV – Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé gặp phải không ít khó khăn. Giữ rừng đã khó, việc trồng mới rừng cũng là bài toán không hề đơn giản cho các cấp, ngành quản lý rừng của địa phương này.
Trồng mới rừng ở Mường Nhé, cần nhiều nỗ lực. |
Mường Nhé có diện tích rừng hơn 71.000 ha (rừng sản xuất 11.724,49ha; rừng phòng hộ 21.841,34ha; rừng đặc dụng là 35.019,12ha, tỷ lệ che phủ rừng là 45,3%. Đa số diện tích rừng nằm ở khu vực đầu nguồn các con sông lớn như Sông Đà, Sông Mê Kông... Cung cấp nước chủ yếu cho các hệ thống thủy điện lớn: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sông Đà, Thủy điện Lai Châu.
Vai trò của rừng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của Điện Biên nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng là không thể phủ nhận. Song, mặc dù các cấp chính quyền huyện Mường Nhé đã có nhiều cố gắng, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều cánh rừng đại ngàn của Mường Nhé đã bị “chảm” không thương tiếc. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến tháng 6/2016, Mường Nhé đã phát hiện 313 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị phá là 296,3ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tổng diện tích rừng tàn phá là gần 300ha. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được 46 vụ vi phạm, thu giữ trên 16m3 gỗ các loại, thu nộp trên 400 triệu đồng.
Nguyên nhân chính của các vụ vi phạm được chính quyền địa phương này xác định là do tình trạng dân di cư tự do đến địa bàn huyện ngày càng phức tạp. Không có đất sản xuất, người dân vô tư chặt phá rừng trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Hiện nay, các cơ quan chức năng của huyện Mường Nhé xác định trên địa bàn huyện vẫn còn 355 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu là dân di cư tự do.
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Mường Nhé đang là điểm nóng của tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép. UBND huyện Mường Nhé đang tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị phá và giao lại cho UBND cấp xã quản lý để lập phương án trồng bù lại toàn bộ diện tích rừng đã bị phá. “Giữ rừng đã khó thì việc trồng mới rừng đối với huyện Mường Nhé là không hề dễ” – ông Lù Văn Thanh nhận định.
Được biết, năm 2016, huyện Mường Nhé thực hiện kế hoạch trồng 2.000 ha rừng. Đến thời điểm này, đã có 900 hộ dân thuộc 9/11 xã đăng ký tham gia trồng rừng với tổng diện tích trên 1.600 ha. Huyện đã ươm được trên 4 triệu cây giống để cấp cho các hộ dân tiến hành trồng rừng. Thực hiện giao đất, giao rừng cho 77 cộng đồng dân cư, thôn, bản và 10 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn 11/11 xã của huyện quản lý, bảo vệ với diện tích 36.024,26 ha rừng. Tính đến nay, huyện đã trồng được 811ha, đạt 40% kế hoạch do HĐND huyện giao.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác trồng mới rừng ở Mường Nhé chính là việc thay đổi tư duy, nếp nghĩ vốn tồn tại trong tiềm thức của người dân. Từ trước đến nay, phương thức sản xuất chủ yếu của người dân là làm nương rẫy, sống phụ thuộc vào nương rẫy. Người dân chỉ biết phá rừng làm nương chứ đâu nghĩ đến việc trồng mới rừng, trong khi đó trên 2/3 dân số của huyện là dân di cư tự do, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động người dân.
Cùng với đó, năng lực tổ chức triển khai của các cơ quan chuyên môn vẫn còn nhiều hạn chế, việc thay đổi tư duy của các nhà quản lý cũng gặp phải không ít khó khăn. Nếu như trước đây, các cán bộ quản lý chỉ thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi tái sinh bảo vệ rừng thì bây giờ chuyển sang trồng rừng vẫn còn nhiều lúng túng. Công tác kỹ thuật, gieo ươm, đảm bảo chất lượng cây giống vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến chất lượng trồng rừng bị suy giảm.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé cho biết: Đơn vị gặp nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch trồng rừng. Người dân chưa hiểu rõ chính sách, chưa tin tưởng vào vai trò của trồng rừng. Ý thức chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng của người dân còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ trồng rừng trục tiếp cho các hộ gia đình có đất nương rẫy dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bởi các chủ rừng còn hạn chế về năng lực bảo vệ rừng được giao.
Không chỉ thế, người dân thường so sánh suất đầu tư trồng rừng trên địa bàn bởi giá thành trồng rừng khác nhau. Giá trồng rừng sản xuất trên địa bàn là 10 triệu đồng/ha, rừng phòng hộ là 15 triệu đồng/ha, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kinh phí để hỗ trợ thực hiện trồng rừng...
Trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND huyện Mường Nhé đặt ra mục tiêu thực hiện thành công Dự án trồng 10.000ha rừng sản xuất, đồng thời kết hợp với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trồng rừng sản xuất để được hưởng các chính sách hỗ trợ trồng rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền về lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện. Đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật. Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng sao cho phù hợp để xác định vị trí đất trồng rừng...
Để bài toán trồng rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé nói riêng và trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung đạt được hiệu quả tốt nhất, trước hết, cần phải thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân thấy được vai trò của rừng và ý nghĩa quan trọng của việc trồng rừng. Đồng thời, có những thay đổi về cơ chế, chính sách để thu hút người dân tham gia trồng rừng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải có những chính sách ổn định dân cư trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng dân di cư tự do tham gia chặt phá rừng trái phép. Nếu tình trạng người trồng, kẻ phá vẫn tiếp tục xảy ra thì chẳng bao lâu nữa Mường Nhé sẽ không còn rừng để mất./.
Hà Thuận