Hướng khắc phục ô nhiễm nguồn nước từ sơ chế dong riềng
Điện Biên TV - Khi cây dong riềng “bén duyên” với người dân các xã Nà tấu, Nà Nhạn, huyện Điện Biên cũng là lúc “mọc lên” các cơ cở thu mua và sơ chế dong riềng. Hiện nay, trên địa bàn 2 xã có 9 cơ sở sơ chế trung bình từ 30 – 40 tấn củ/ngày và hoạt động liên tục trong khoảng 1 – 2 tháng gần cuối năm. Năm 2016, sản lượng dong riềng của các xã ước thu hoạch gần 50.000 tấn củ. Đây chính là nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở sơ chế và xuất bán tinh bột dong riềng hoạt động hiệu quả. Tiềm năng kinh tế là vậy, nhưng khâu sơ chế dong riềng sao cho đảm bảo, hạn chế thấp nhất các chỉ số ô nhiễm môi trường lại là vấn đề được chính quyền và các chủ cơ sở nhiều năm tìm hướng khắc phục.
Bể chứa nước thải để lắng lọc bã rong riềng trước khi xả ra suối |
Hầu hết các cơ sở sơ chế dong riềng đều nằm dọc Quốc lộ 279 và đặt ngay sát dòng suối Nậm Rốm. Bởi vậy mà ảnh hưởng từ việc xả các chất thải, bã dong riềng sau sơ chế xuống dòng nước là rất nặng nề. Tình trạng đó đã kéo dài nhiều năm, song chưa có hướng xử lý triệt để. Tuy nhiên, trước sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền địa phương như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra xử lý, các chủ cơ sở đã có những động thái tích cực để cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Ghi nhận thực tế của phóng viên tại thời điểm đầu tháng 11/2016, hầu hết các chủ cơ sở đã xây dựng được các bể chứa bã thải dong riềng theo bản cam kết ký với chính quyền địa phương. Các bể này được thiết kế tùy theo diện tích, dung lượng sản xuất và xả thải của các hộ kinh doanh, song hầu hết đều cơ bản đáp ứng được việc chứa và lắng lọc bã thải dong riềng. Nước thải sau khi để lắng được xả ra môi trường. Quan sát bằng mắt thường, cho thấy tuy dòng chảy vẫn còn vẩn đục, màu hơi đen xám, song được nhiều người đánh giá là lượng bã chảy ra có ít hơn, không gây ứ tắc dòng suối và màu nước cũng không đen ngòm như các năm trước.
Tìm hiểu đời sống, sản xuất của các hộ sống gần khu sơ chế được biết, bước đầu họ đều đã tạm chấp nhận với những cố gắng để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của các chủ cơ sở. Anh Lò Văn Toan, bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu cho biết: Do diện tích xây dựng hẹp, bể chứa bé, trong khi lưu lượng sản xuất nhiều nên việc tràn nước thải ra bên ngoài môi trường là không tránh khỏi. 1 – 2 tháng đầu khi bã mới được đổ ra các bể thì có mùi hôi thối, nhưng khoảng 3 - 4 tháng sau, khi bã dong riềng mục thành phân thì đỡ hơn. Bằng mắt thường anh Toan quan sát, năm nay nước suối vẫn vẩn đục nhưng mức độ ô nhiễm đến dòng nước đã giảm, không thấy những đoạn suối bị tắc nghẽn như mọi năm…
Người dân thu gon bã dong riềng làm phân bón cho cây trồng |
Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Những năm trước, dòng suối Nậm Rốm chảy qua địa bàn xã luôn trong tình trạng báo động vì ô nhiễm. Nguyên nhân là do bã thải sau sơ chế dong riềng đổ ồ ạt xuống lòng sông, làm ứ tắc dòng chảy, gây mùi hôi thối khó chịu. Mặc dù vậy chính quyền không thể xử lý mạnh tay, do liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo việc làm và an ninh địa phương. Trước thực trạng đó, chính quyền xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường; phối kết hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, Phòng Cảnh sát tài nguyên & Môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, xử phạt hành chính... Sau nhiều năm thực hiện, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện theo hướng tích cực hơn. Hiện nay, hầu hết các chủ cơ sở đều có quỹ đất để xây các bể chứa nước rửa, bã và các sản phẩm phụ. Bước đầu để lắng lượng bã, sau đó để chảy lọc qua ít nhất 3 bể rồi mới xả ra sông. Ngoài ra, sản phẩm phụ sau sơ chế được nhân dân vùng lân cận tận thu làm phân hữu cơ, bón trồng cà phê hoặc chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc... Tuy chưa khắc phục được triệt để, song với hướng xử lý trên đã phần nào đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm của các cơ sở sơ chế rong diềng.
Động thái khắc phục ô nhiễm môi trường của các chủ cơ sở sơ chế dong riềng đã có dấu hiệu chuyển hướng tích cực. Tuy nhiên, nghi ngại lớn nhất hiện nay của người dân sống gần các khu sơ chế đặt ra là, liệu sức khỏe và cuộc sống lâu dài của họ có bị ảnh hưởng gì không? Ảnh hưởng như thế nào? Mức độ ra sao?... Trong khi, phía cơ quan chức năng, đơn vị quản lý trực tiếp là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên thì không thể đưa ra câu trả lời chính xác. Lý do là Phòng không có và cũng chưa được trang bị các thiết bị quan trắc môi trường để đo nồng độ, xác định chỉ số và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người…
Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tạo sinh kế lâu dài cho người dân trồng dong riềng đang dần ổn định và đi đúng hướng. Tuy nhiên, để thực hiện triệt để việc xử lý ô nhiễm môi trường thì không chỉ dừng lại từ phía người dân và các chủ cơ sở sản xuất. Các cấp chính quyền, các đơn vị chuyên môn cần chủ động, tích cực hơn nữa sự vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân, thẩm định chính xác mức độ, chỉ số ô nhiễm môi trường, từ đó đưa ra kết luận và hướng giải quyết triệt để cho người dân yên tâm lao động, sản xuất./.
Nam Hương